Hai vụ thảm kịch MH370 và MH17 đã đẩy Malaysia Airlines cận kề bờ vực phá sản, tuy nhiên với kế hoạch cải tổ lớn chưa từng có cùng vị tân giám đốc đầy uy tín, liệu hãng hàng không này có thể khôi phục lại từ đầu?

Giọt nước làm tràn ly

Malaysia Airlines được xem như một hãng hàng không cực kỳ đen đủi khi chỉ riêng trong năm 2014 đã phải hứng chịu hai thảm họa hàng không khủng khiếp làm chấn động thế giới.

Đầu tiên, vào ngày 8/3, chuyến bay mang số hiệu MH370 của hãng bỗng dưng biến mất khi đang trên đường sang Trung Quốc, để rồi đến nay số phận của 239 hành khách cùng phi hành đoàn trên chiếc máy bay này vẫn là một ẩn số chưa thể nào xác định.

Chưa đầy 5 tháng sau, một chiếc máy bay khác của hãng mang số hiệu MH17 bay qua không phận giao tranh giữa Nga và Ukraine đã bị bắn hạ và giết chết toàn bộ 298 sinh mạng.

Malaysia Airline bắt đầu chìm vào trong chuỗi ngày đen tối và khủng hoảng tột cùng sau đó, khi tình trạng làm ăn ngày càng trở nên bết bát, nhân viên lần lượt xin thôi việc và khách hàng cũng quay lưng.

Bức ảnh cho thấy sự vắng vẻ trên một chuyến bay của Malaysia Airlines sau thảm họa kép MH370 và MH17

Thảm họa kép này cũng như giọt nước làm tràn ly, đẩy Malaysia Airline sát tới bờ vực phá sản khi tình hình kinh doanh của hãng 3 năm trước đó đã không có lợi nhuận, thậm chí còn lỗ tới 4,13 tỷ ringgit (hơn 1,1 tỷ USD) do chi phí bảo dưỡng và giá nhiên liệu cao.

Chỉ tính riêng trong 3 quý đầu năm 2014, hãng đã thua lỗ 368 triệu USD và ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với các đối thủ hàng không giá rẻ khác trong khu vực, trong đó có AirAsia.

Vào cuối tháng 8/2014, sau khi công bố quý thứ 6 liên tiếp bị thua lỗ, hãng đã buộc phải công bố chương trình tái cơ cấu lớn chưa từng có với tổng trị giá lên tới 1,7 tỷ USD để có thể tiếp tục trụ lại trên thị trường.

Biểu tượng của Malaysia Airlines

Tới tháng 9, do quá vội vàng Malaysia Airline đã tung ra các chiến dịch marketing để gây sự chú ý như "Want to go somewhere, but don't know where?" (Bạn muốn đến một nơi nhưng không biết đó là nơi nào?) hay cuộc thi "My Ultimate Bucket List" - lên danh sách những việc cần làm trước khi chết.

Tuy nhiên các chiến dịch này đã khiến nhiều người phẫn nộ bởi chúng gợi lại cho người ta những ký ức đau buồn từ hai vụ thảm kịch trước. Hình ảnh của Malaysia vì thế mà ngày càng trở nên méo mó, tồi tệ hơn.

Nhận ra bước đi sai lầm, Malaysia Airline đã nhanh chóng tháo bỏ mọi quảng cáo về những chiến dịch này.

Đến tháng 12, Malaysia Airlines rút niêm yết khỏi thị trường chứng khoán và chuyển sang cho quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasional quản lý sau khi quỹ này chi thêm 436 triệu USD mua nốt 30,6% cổ phần còn lại để quốc hữu hóa hoàn toàn hãng hàng không này.

Bắt đầu lại từ đầu

Một tuần trước ngày kỷ niệm một năm MH370 mất tích, quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasional đã bổ nhiệm ông Christoph Mueller lên làm giám đốc.

Ngày 1/6, lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng với tư cách là tân giám đốc của Malaysia Airlines, ông Mueller đã thẳng thắn tuyên bố rằng: "Chúng tôi đã phá sản về mặt lý thuyết, kết quả hoạt động kinh doanh cũng đi xuống từ lâu từ trước khi xảy ra các thảm kịch trong năm 2014."

Ông đã xác nhận việc thực hiện kế hoạch sa thải 6.000 nhân viên, tức 1/3 nhân sự của hãng và chỉ còn giữ lại 14.000 người để tiếp tục làm việc.

Ngoài ra ông cũng muốn bán hai trong số các máy bay A380, cắt giảm khoảng 20% chi phí điều hành của hãng và "hợp lý hóa các tuyến bay", trong đó bỏ bớt các tuyến bay đắt đỏ tới châu Âu mà chỉ tập trung hơn vào các tuyến bay nội địa và trong khu vực.

Chân dung vị CEO mới của Malaysia Airlines - Christoph Mueller

Ông Mueller đã từng có thành tích vực khủng khi vực dậy một loạt các hãng hàng không tên tuổi Aer Lingus của Ireland, Sabena của Bỉ và Lufthansa của Đức.

Dưới nhiệm kỳ của ông, Malaysia Airlines dự kiến tái định vị thương hiệu vào ngày 1/9 với nhiệm vụ ưu tiên trước mắt là ngừng thua lỗ trong năm 2015 và bắt đầu sinh lời vào năm 2017, sau đó sẽ nhanh chóng trở lại niêm yết trên thị trường chứng khoán Kuala Lumpur.

Theo Reuters, ông Christoph Mueller cho biết hãng sẽ công bố kế hoạch tái cơ cấu toàn diện vào tuần tới và sẽ bắt đầu lại từ con số 0. Ông khẳng định: "Đây sẽ không phải là kiểu thay đổi bình mới rượu cũ, mà mọi thứ sẽ đều mới mẻ hoàn toàn”.

Vị tân giám đốc cũng sẽ phải quyết định về cái tên mới cho hãng bởi sau thảm họa kép năm ngoái, "Malaysia Airlines" đã trở thành cái tên quá ám ảnh đối với các hành khách. Màu sơn máy bay cũng như đồng phục của phi hành đoàn dự tính cũng sẽ được đổi mới hoàn toàn.

Nhiều người cũng hy vọng rằng nếu có khả năng quản lý tốt để giảm chi phí, nâng cao được hiệu quả hoạt động, tạo ra một mạng lưới có thể sinh lợi, biến Kuala Lumpur trở thành trung tâm của khu vực và hợp tác với các hãng hàng không khác thì Malaysia Airlines sẽ sớm khôi phục lại như ban đầu.

Huyền Trân (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.