Nước Nga phục hưng bắt tay với Trung Quốc thiên triều đã đẩy G7 sát gần nhau như một liên minh kinh tế, sự đối đầu xác lập trên mọi phương diện!

Trung Quốc diễn kinh kịch trên Biển Đông

Bất chấp sự phản đối, sự đấu tranh trong hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam, Trung Quốc vẫn ngang ngược duy trì quan điểm của mình. Họ cho rằng vùng biển này không có tranh chấp, và Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam, lại là vùng lãnh thổ của Trung Quốc.

Và khi đã tước đoạt vùng lãnh thổ đó, Trung Quốc tự cho rằng họ có quyền làm mọi thứ theo ý họ, tất nhiên, với cái giàn khoan, họ muốn khoan đâu thì khoan.

Việc triển khai số lượng đông đảo các tàu bán quân sự, và thậm chí là các khí tài quân sự như tàu khu trục, tàu tên lửa, chiến đấu cơ… của Trung Quốc đã khiến tình hình diễn tiến theo một chiều hướng khác.

Thế giới sẽ không chú ý đến Biển Đông như vậy nếu như Trung Quốc không gia tăng các động thái độc đoán, vô nhân đạo của mình. Những hành động đâm húc, bắn vòi rồng, những việc đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam của Trung Quốc đã không qua được con mắt quan sát của các phóng viên quốc tế.

Dư luận thế giới đều đang nhìn thấy một sự thật: nhân quyền, nhân đạo đang bị vi phạm nghiêm trọng và chủ trò là một cường quốc có nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.

Tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam

Nhưng trên tất cả các diễn đàn quốc tế, Bắc Kinh luôn kêu gào một luận điệu lố bịch đến đáng cười: Trung Quốc đang đúng, không phải Trung Quốc gây hấn… nào là tàu cá Việt Nam cố tình làm hại giàn khoan khổng lồ, tàu cá Việt Nam tự đâm vào tàu Trung Quốc mà chìm, nào là lực lượng chấp pháp Việt Nam đâm tàu Trung Quốc cả nghìn lần.

Những luận điệu ấy, nhẹ nhàng thì có thể coi là xuyên tạc, chống chế, nhưng nhìn nhận nghiêm khắc thì đó là một trò lố bịch, mồm loa mép giải, không khác gì cái trò cào mặt ăn vạ của con nít.

Vì sao vậy? Có thể thấy rằng, họ đang tự lừa phỉnh mình, tự tạo cho mình những lý do để thêm quyết tâm theo đuổi những hành động sai trái. Để có thể xóa mờ những mâu thuẫn nội tại, gợi lên sự đồng lòng của các phe phái chính trị nhằm giải quyết một vấn đề chung.

Trong lịch sử Trung Hoa, cũng không ít lần quốc gia này phải dùng đến chiêu bài chiến tranh xâm lược để tạo sự đồng thuận trong bộ máy chính quyền.

Ngoài ra, qua việc xây dựng Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào trở thành một thế lực đối đầu, Bắc Kinh mong muốn tạo được sự ủng hộ từ phía nhân dân, vốn đang có nhiều bất mãn với chính quyền và xã hội.

Tàu cá của ngư dân Lý Sơn - Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm đến suýt chìm

Phải nói rằng, Trung Quốc đang diễn một màn kinh kịch – thứ trò diễn mà chỉ họ xem được và hiểu được, còn thế giới, dù có chăm chú nhìn vào cũng không thể hiểu nổi Trung Quốc đang làm cái gì trên sàn diễn ấy.

Vì sao G7 tham gia vào cục diện Biển Đông?

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, các nước trong nhóm G7 đã bắt đầu có những động thái quyết liệt hơn với Trung Quốc.

Cần phải chú ý rằng G7 ở đây không phải tập hợp 7 bộ trưởng kinh tế Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Canada và Mỹ, mà là tập hợp cấp thượng đỉnh của 7 quốc gia kể trên trừ Nga, sau khi khai trừ nước này ra khỏi nhóm G8. G8 do nguyên thủ các quốc gia tham dự, thường cân nhắc những vấn đề chính trị.

Trong hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 tại Brussels, Bỉ hôm 4/6/2014, những nguyên thủ quyền lực bậc nhất thế giới đã ra một bản thông cáo chung bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về vấn đề Trung Quốc tại Biển Đông. G7 phản đối những hành động mà quốc gia này đang thể hiện tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Vì sao G7 phải cứng rắn với Trung Quốc? Đầu tiên là lợi ích kinh tế, biến động Biển Đông hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến tuyến hàng hải Đông – Tây qua eo Malacca. Các quốc gia kinh tế phát triển, tạo ra nhiều hàng hóa không hề thích điều này.

Đồng thời, G8 đã loại trừ Nga ra khỏi nhóm bởi sự can thiệp của Moscow vào vấn đề Ukraine và hành động sáp nhập Crimea, lãnh thổ của quốc gia khác vào làm lành thổ của mình. Hành động đó bị nhóm G7 khẳng định là cướp đất, một hành động không thể chấp nhận trong thế kỷ 21.

Song song với việc khai trừ, G7 đã bàn thảo về hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Tuy nhiên, những động thái như vậy của G7 đã đẩy Nga tiến sát với Trung Quốc. Dù Tổng thống Nga Putin nhận định mối quan hệ với cường quốc châu Á này chỉ dựa trên nền tảng kinh tế, nhưng từ đó đã có thể thấy rằng liên minh kinh tế Nga – Trung sẽ là nền móng cho những quan hệ liên minh toàn diện sau này.

Cần nhắc thêm rằng, nước Nga của Putin đang không che giấu tham vọng phục hưng địa vị Liên Xô, dẫn đầu một thái cực của thế giới. Còn Trung Quốc đang khao khát biến giấc mơ về một đại dân tộc thống lĩnh thế giới trở thành hiện thực. Và đối thủ chung của cả hai quốc gia này đều là nước Mỹ.

Khi hai kẻ có chung một mục đích, chung đối thủ mà liên kết lại, trật tự thế giới sẽ có nhiều xáo trộn và lợi ích không thể thuộc về những thế lực đối kháng.

Các vị nguyên thủ của G7 ngồi lại nhóm họp hôm 4/6/2014

Bối cảnh này buộc G7 phải sát lại gần nhau. Không chỉ dừng ở vấn đề hợp tác trong một liên minh kinh tế, những quan điểm chính trị, quân sự của G7 cũng sẽ phải đi đến sự nhất quán. Hơn bao giờ hết, G7 cũng hiểu rằng sự chia rẽ, mất đoàn kết lúc này là hình thức tự suy giảm sức mạnh một cách nhanh chóng nhất.

Một khi đã nhất quán trong hành động tại Ukraine với Nga, thì tại châu Á – Thái Bình Dương, cụ thể là Biển Đông, G7 buộc phải có thái độ tương tự với Trung Quốc. Bởi hơn bao giờ hết, Trung Quốc đang đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của nhóm.

Đông thời, Bắc Kinh cũng vô tình tạo ra cơ hội ngàn vàng để một số thành viên như Mỹ, Nhật Bản gây dựng những mối quan hệ thân tín với các quốc gia trong khu vực.

Phải nói rằng, Biển Đông đang được quốc tế hóa với tốc độ cao nhất, và người làm nên cục diện này, không phải là chiến lược của Việt Nam, Philippines hay bất kỳ quốc gia nào, mà chính là Trung Quốc.

Hành động của Trung Quốc vô tình đã buộc nhiều gã khổng lồ đang ngủ yên khác phải thức giấc.

Trung Quốc có thể là một người khổng lồ của châu Á, nhưng để đối chọi với một liên minh toàn những người khổng lồ, có lẽ quốc gia này chưa đủ tầm, hoặc không bao giờ đủ tầm. Một khi G7 có khả năng trừng phạt Nga, thì không gì là không thể nếu muốn trừng phạt Trung Quốc.

Tuy nhiên, để cục diện Biển Đông như ngày hôm nay, phải kể đến Việt Nam, quốc gia đã kiên quyết chứng tỏ sự tôn trọng luật pháp thế giới, sự yêu chuộng hòa bình. Đứng về phía Việt Nam, dù sao G7 cũng được tôn xưng như một người quân tử khi đứng về chính nghĩa.

Đỗ Minh Tú (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.