Dư lượng kháng sinh trong tôm xuất khẩu đã vượt mức cho phép và giá tôm cũng giảm.

Trước đó, thương lái Trung Quốc đã từng thu mua tôm giá cao, không quan tâm đến chất lượng, dư lượng kháng sinh thậm chí còn thực hiện bơm chích tạp chất có mục đích vào tôm.

Tôm hẹp đường xuất khẩu

Cụ thể, thông tin trên Vnexpress, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, 5 tháng đầu năm 2014 có 11 lô tôm Việt Nam bị cơ quan chức năng của EU và Nhật Bản phát hiện có kháng sinh Oxytetraxycline OTC vượt mức giới hạn cho phép.

Thạc sĩ Phạm Minh Truyền - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm ở tỉnh này đang vướng phải rào cản dư lượng OTC.

Việc dư lượng kháng sinh trong tôm xuất khẩu Việt Nam từ lâu đã được các doanh nghiệp ở miền Tây cảnh báo, nhưng người nuôi vẫn lạm dụng. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do nông dân tại các tỉnh miền Tây đã lạm dụng thuốc kháng sinh trong phòng trị bệnh.

Ông Nguyễn Duy Khương ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) là một trong nhiều nông dân bị Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Cửu Long "chê" tôm có dư lượng chất kháng sinh nói: "Tôm bệnh phải trị, mà trị thì phải dùng thuốc. Nông dân mình nuôi tôm mỗi khi có bệnh lo lắm, dùng đủ thử thuốc kháng sinh để trị, mấy ai nghĩ đến dư lượng kháng sinh trong tôm gì đâu".

Dư lượng kháng sinh trong tôm xuất khẩu đã vượt mức cho phép và giá tôm cũng giảm.

Ông Lê Văn Tích ở xã Hiệp Mỹ Đông (huyện Cầu Ngang) cho rằng nông dân chỉ biết nuôi tôm là chính, tôm có bệnh phải mua đủ loại thuốc phòng trị. Việc kiểm soát các chất trong thức ăn, thuốc thú y thủy sản thuộc về trách nhiệm của các nhà máy, cơ quan quản lý Nhà nước nên khi đến đại lý thuốc, nông dân chẳng quan tâm đến các chất bị khuyến cáo không nên lạm dụng.

Việc tôm có hàm lượng kháng sinh cao đã khiến người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở miền Tây bị thiệt hại lớn. Trong khi trước đó, năm 2013 thương lái Trung Quốc đã từng ồ ạt thu mua tôm của Việt Nam với giá cao.

Mức giá mà thương lái Trung Quốc đưa ra cao hơn từ 15-20% so với giá các doanh nghiệp trong nước thu mua. Đặc biệt, giới thương lái lại thu mua và không quan tâm kiểm soát kháng sinh trong tôm nguyên liệu mà còn thực hiện bơm chích tạp chất có mục đích.

Tình trạng này khiến Hiệp hội Thủy sản Vasep đã ra công văn khuyến cáo việc người dân ham giá cao sẽ dễ bị lừa đảo, giật tiền hoặc đầu tư ồ ạt cho lợi ích trước mắt, không theo quy hoạch hoặc không tuân thủ những yêu cầu quan trong khác liên quan đến kháng sinh, chất lượng, tạp chất...

DN Trung Quốc tháo chạy, dân trồng ớt trắng tay

Tình trạng thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua nông sản giá cao, không quan tâm đến chất lượng sản phẩm trong một thời gian sau đó ngừng thu mua đã diễn ra suốt thời gian vừa qua, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thu nhập của người dân.

Thương lái Trung Quốc ký hợp đồng với nhiều hứa hẹn rồi tháo chạy để người dân điêu đứng vì ớt chín đỏ không ai mua

Cụ thể như với ớt, vừa qua tại Nghệ An, doanh nghiệp Trung Quốc đã cung cấp giống ớt cho các hộ dân ở Nam Đàn song cả tháng nay, người dân thu hoạch ớt về chất đầy nhưng công ty vẫn không quay lại thu mua như hợp đồng đã cam kết. Giá bán ra thị trường lại quá rẻ nên nhiều ruộng ớt chín rục nhưng nông dân đành bỏ mặc.

Tại xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cũng có hàng trăm hộ dân trồng ớt nhưng rồi cũng rơi vào tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc chỉ đến thu mua lấy lệ 1,5 tấn vào đầu tháng 5 rồi biến mất tăm.

Thông tin trên tờ NLD cho biết, hợp đồng kinh tế về liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt giữa Công ty Thực nghiệp Dục Dã Thượng Hải và UBND xã Khánh Sơn ký ngày 15/3, phía doanh nghiệp Trung Quốc chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm ớt tươi cho người trồng. Đầu tháng 5, khi người dân bắt đầu thu hoạch ớt, đại diện Công ty Dục Dã Thượng Hải có đến thu mua nhưng với số lượng rất ít.

“Ngày 10 và 11/5, công ty cử đại diện đến thu mua. Bình quân người dân đem 5 kg ớt thì họ loại mất 4 kg vì cho rằng không bảo đảm chất lượng. Sau khi thu mua một ít ớt, họ bỏ chạy, không quay lại nữa. Người dân đành hái ớt về phơi khô hoặc bỏ chín rục ngoài đồng”, ông Phạm Việt Hùng, Ban Nông nghiệp xã Khánh Sơn nói.

Hà Anh (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.