Trong lúc đối mặt với nhiều vụ tai tiếng liên quan tới những vấn đề quốc tế, Trung Quốc tận dụng các mối quan hệ kinh tế để giành lại vị thế.

Kinh tế vẫn là con bài quan trọng của Trung Quốc chi phối các mối quan hệ ngoại giao. Nguồn: Hinrich Foundation

Phán quyết bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) lúc này đã có phần "nguội" trên truyền thông. Tuy nhiên, không thể chối bỏ rằng phán quyết ấy cộng thêm một số diễn biến mới trong năm nay như vụ Anh rời EU (Brexit) hay việc ông Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống Philippines đã ảnh hưởng khá nhiều đến chính sách ngoại giao, chính trị lẫn kinh tế của Trung Quốc.

Lấy kinh tế bù ngoại giao

Có những ý kiến cho rằng phán quyết của PCA sẽ làm Trung Quốc mất uy tín trên trường quốc tế, cũng như việc "hục hặc" với Mỹ và các đồng minh của Washington như Úc, Nhật, Hàn Quốc sẽ giáng đòn mạnh vào Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn toàn đơn giản như vậy.

Thời gian qua, mối quan hệ của Úc và Trung Quốc căng thẳng liên quan tới các vùng biển và an ninh khu vực. Tuy nhiên, trong bài viết ngày 11/8, đài CNBC (Mỹ) lại dẫn ý kiến của các chuyên gia khẳng định hãy quên đi những biểu hiện khác biệt về quân sự, ngoại giao, giữa Úc và Trung Quốc vẫn còn một sợi dây vô cùng vững chắc: kinh tế.

Số liệu từ Cục Thống kê Úc cho thấy, giai đoạn tháng 9/2015 tới tháng 6/2016, Úc đã xuất khẩu 50,72 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc, và ngược lại nhập khẩu trị giá 51,06 tỷ USD, qua đó khiến Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Úc.

Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích cho rằng việc Úc có thể đánh mất lợi thế xuất khẩu khoáng sản và các mặt hàng từ khoáng sản do Trung Quốc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang dịch vụ, vẫn chưa phải là điều đáng lo lắng. Bắc Kinh vẫn cần thời gian để thực hiện sự chuyển dịch đó, đồng nghĩa ít nhất tới thời điểm này, họ vẫn là đối tác số 1 của Úc.

Tận dụng mối quan hệ kinh tế song phương cũng là cách Trung Quốc muốn đàm phán cùng Philippines, bất kể hai bên có nhiều khác biệt sau vụ Manila kiện Bắc Kinh về yêu sách "đường chín đoạn". Với Tổng thống Duterte, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 7%/năm là điều ông đã hứa khi nhậm chức, và rõ ràng Trung Quốc vẫn là đối tác lớn nhất của Philippines.

Đường sắt nối Manila với tỉnh Pampanga, vùng Luzon là một trong những hợp đồng Bắc Kinh đang đề nghị hoàn tất sau 2 năm, cũng là một biểu hiện cho thấy Philippines vẫn chào đón Trung Quốc về mặt kinh tế.

Vẫn "đi trên dây"

"Sau khi tách khỏi EU, Vương quốc Anh càng không thể "khờ dại" từ chối việc thắt chặt quan hệ thương mại với Trung Quốc, nơi thị trường nội địa vẫn tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp" - Tân Hoa xã tuần trước đăng tải bài viết của cây viết Zhu Junqing. Đó là cách Bắc Kinh tiếp tục đánh tiếng với London, sau khi tân Thủ tướng Anh, bà Theresa May, bất ngờ trì hoãn quyết định đón vốn đầu tư của Trung Quốc để xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân.

Đó cũng là một biểu hiện nữa cho thấy Trung Quốc đang cố tận dụng lợi thế kinh tế và thị trường khổng lồ 1,3 tỷ dân nhằm giành thế "cửa trên" trong các cuộc đàm phán. Trước đó, Trung Quốc cảnh báo người Anh không nên phá hoại "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Anh - Trung có từ thời Thủ tướng David Cameron. Trong bối cảnh không EU, nước Anh cần phải đặt nặng quan hệ với Trung Quốc hơn.

Tuy vậy, trong quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước, đài CNBC cũng cho thấy một điểm chung, trùng với "gợi ý” của bài viết trên Tân Hoa xã rằng: Trung Quốc là một thị trường rộng lớn, nhưng nó có còn phù hợp hay không?

Lấy ví dụ Ấn Độ - nước cũng đang có quan hệ tương tự như Úc với Trung Quốc. Bản thân Ấn Độ và Trung Quốc tồn tại nhiều khác biệt về chính trị. Thế nhưng họ vẫn tìm thấy tiếng nói chung về kinh tế. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của người Ấn, nhưng lại đang có biểu hiện lệch cán cân.

Thương mại song phương hai nước đã tăng lên hằng năm ở mức 15% từ 2007 tới nay, nhưng người Ấn lại nhập nhiều hơn xuất vào Trung Quốc. Kết thúc năm tài chính ngày 31/6/2016 qua, Ấn Độ chỉ xuất khẩu 9 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc, nhưng lại nhập khẩu tới 61,7 tỷ USD, tạo ra một khoản thâm hụt thương mại đến 52,7 tỷ USD.

Trong diễn biến tương tự, nước Đức cũng xem Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất. Theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất của nước này, nhưng về xuất khẩu thì Bắc Kinh chỉ xếp thứ 5 sau Mỹ, Pháp, Anh và Hà Lan. Một thực tế là đầu tư của các công ty Đức vào Trung Quốc vẫn hạn chế do rào cản về bảo hộ trong nước, rủi ro tiền tệ, chất lượng tay nghề.

CNBC cho rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch "Made in China 2025" cùng với việc kinh tế trì trệ từ 2 năm nay đã khiến thị trường nước này không béo bở như tưởng tượng. "Con bài" chiêu dụ các nước vì thế cũng bị giáng điểm trừ khá nặng, trong khi Trung Quốc vẫn dựa nhiều vào nó trên bàn đàm phán...

Thái Duy (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.