Cuộc đua xây công viên phỏng theo những câu chuyện cổ bùng lên kể từ khi Disney rậm rịch khởi động dự án tại Trung Quốc, khiến nhà chức trách phải tạm dừng cấp phép cho dù người dân háo hức chờ đợi.

“Disney có chuột Mickey, còn chúng tôi có Thành Cát Tư Hãn”, Ding Shenqi, nhà đầu tư xây dựng công viên nói. Mắt ông dõi theo bức tượng đồng đang hình thành trong khu công viên vui chơi giải trí xây dựng dựa theo các câu chuyện cổ, tại Thiên Tân, một thành phố phía bắc Trung Quốc.

Công viên sẽ có tên Vương quốc Chiến thắng và sẽ trở thành một trong vài khu giải trí kiểu Mỹ sắp mọc lên tại Trung Quốc, trước khi Walt Disney được xây dựng tại Thượng Hải và dự kiến mở cửa vào cuối 2015.

Công nhân đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng tại Vương quốc Chiến thắng ở Thiên Tân. Ảnh: USA Today

Kể từ khi Disney chuẩn bị xây dựng công viên đầu tiên tại Trung Quốc đại lục, lo ngại nền văn hóa lâu đời của Trung Hoa không cạnh tranh được với chuột Mickey, các nhà đầu tư ở đây đã nhanh chóng chuyển hướng đầu tư vào xây dựng các kiểu công viên dựa trên các câu chuyện cổ của nước này.

Theo ông Chris Yoshii, chuyên gia thuộc công ty tư vấn AECOM đặt tại Hong Kong, gần một phần ba số công viên dựa trên các câu chuyện dã sử ở Trung Quốc bắt đầu mở cửa trong vòng hai năm qua. Hơn 30 công viên tương tự đã công bố kế hoạch mở cửa.

AECOM dự báo vào năm 2020, Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) sẽ vượt qua Mỹ về số lượt khách thăm công viên giải trí. Với một tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, tại Trung Quốc giá vé vào công viên - thường là từ 24 đến 31 USD một lượt, hợp với túi tiền và thị hiếu về hoạt động vui chơi giải trí của người dân, Yoshii nói.

Theo ông Yoshii, không giống như ở Mỹ, nơi hấp dẫn bởi các trò đu quay hoặc tàu lượn cảm giác mạnh, khách đến vui chơi tại các công viên Trung Quốc ưa các buổi trình diễn với sự tham gia của hàng trăm nhân vật. Chủ sở hữu các công viên vui chơi giải trí này đã lên kế hoạch mô phỏng các nhân vật hoạt hình như Smurfs, Hello Kitty, hay Angry Birds. Với vốn đầu tư từ Malaysia, Great Mall of China, một khu mua sắm đang nổi ở phía đông Bắc Kinh sẽ có ba công viên trong nhà phỏng theo các câu chuyện dã sử. Một trong ba công viên này sẽ có xe trượt mạo hiểm trong nhà lớn nhất thế giới, nhập khẩu từ Baltimore.

Tại thủ đô Lhasa của Tây Tạng, nơi được coi là nóc nhà của thế giới, một công viên dựa trên các câu chuyện dã sử cũng đang được xây dựng, và dự kiến sẽ mở cửa tháng 6 năm sau. Để thu hút khách đến thăm, các công viên sử dụng các câu chuyện dã sử Trung Hoa làm chủ đề và xây dựng từ hình tượng Vua khỉ, một nhân vật anh hùng Trung Hoa, và cả các chú khủng long. Theo ông Ding, người điều hành Tập đoàn đầu tư Yu Gui Garden, những người ủng hộ Vương Quốc Chiến thắng tin rằng, chiến binh Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn sẽ giúp họ thu hồi số vốn đầu tư 472 triệu USD trong vòng 6 năm.

Một phần bức tượng Thành Cát Tư Hãn tại công viên Vương quốc Chiến thắng. Ảnh: USA Today

Tại Vương Quốc Chiến thắng, phần nửa trên của bức tượng Thành Cát Tư Hãn cưỡi trên lưng ngựa vẫn đang chờ để nâng tiếp lên bệ.

“Chúng tôi không thể nhập những thiết bị tốt nhất trên thế giới, hay cho khách tới công viên một trải nghiệm tuyệt vời nhất, nhưng vấn đề mấu chốt là cốt lõi văn hóa của các chủ đề ở đây, mà để làm được như vậy chúng tôi cần xây dựng các chủ đề này mang đậm chất phương Đông”, Ding cho biết.

“Chúc may mắn”, Dong Guanzhi, một giáo sư ngành du lịch tại Đại học Tế Nam, người thường chỉ trích cơn sốt xây dựng các công viên dựa trên các câu chuyện dã sử của Trung Quốc. “Trong thời đại thông tin, văn hóa ngoại lai từ nước khác hấp dẫn khách Trung Quốc đến thăm công viên hơn”, giáo sư Dong nói.

Theo báo chí Trung Quốc, ít nhất 70% trong số 2.500 công viên tự xưng là dựa trên các câu chuyện dã sử tại Trung Quốc đang thua lỗ. Tuy nhiên vị giáo sư này cho rằng chỉ có khoảng 60 công viên tại Trung Quốc được xây dựng theo đúng nghĩa công viên dựa trên các câu chuyện dã sử. Yoshii, thuộc AECOM, thì cho rằng có hơn 120 công viên xứng đáng với tên gọi này. Một số dự án công viên phải dựa vào các khu nhà ở để thu lợi.

Các em nhỏ và diễn viên Trung Quốc biểu diễn chào mừng lễ khởi công Disneyland ở Thượng Hải năm 2011. Ảnh: AP

Chính quyền Bắc Kinh đang xem xét để hạn chế cơn sốt xây dựng công viên như cấm các dự án quá nhỏ. Tuy nhiên, theo ông Dong thì các nhà đầu tư và chính quyền địa phương có thể dễ dàng tìm cách lách các quy định này.

Phó giám đốc đối ngoại của dự án khu nghỉ dưỡng Disney cho rằng, dự án này sẽ khác.

“Chúng tôi mang đến cho Trung Quốc những trải nghiệm thú vị và khó quên, tính sáng tạo tuyệt vời, công nghệ mới với cách kể chuyện cổ điển”, King nói. “Công viên này sẽ là một công viên Disney xịn, nhưng lại đặc biệt dành cho khách Trung Quốc, với các lễ hội và đồ ăn bản địa", King cho biết.

Theo dự báo của King, dự án Disney tại Trung Quốc sẽ là một thách thức đối với các đối thủ cạnh tranh, nhưng kinh nghiệm trên toàn cầu cho thấy, sự xuất hiện của Disney ở bất cứ đâu không khác gì “một đợt thủy triều nâng tất cả các con thuyền lên”.

Li Hua, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Công viên Khủng long Trung Quốc tại Thường Châu cho biết: “Chúng tôi lo ngại rằng khi công viên Disney Thượng Hải mở cửa, trước mắt, cuộc cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn. Công viên này rất gần công viên của chúng tôi. Tuy nhiên, về lâu dài nó có thể lại mở ra cơ hội khác. Và sự xuất hiện của công viên này sẽ khiến chúng tôi phải cải thiện các dịch vụ của mình”.

Thường Châu đã bắt đầu cuộc chơi. Vào tháng 4, công viên này đã giới thiệu loại đoàn tàu trượt mạo hiểm được thiết kế tại Utah Mỹ. Người ngồi trên ghế sẽ thấy mình cắm đầu xuống dưới khi ghế ngồi lộn ngược trên đường ray.

Theo Wu Yinan, một học sinh phổ thông tại Bắc Kinh thích chơi trò chơi tàu trượt mạo hiểm, thì việc nâng cao chất lượng đồ ăn và quà lưu niệm cũng sẽ làm cho công viên hấp dẫn hơn. Wu ngóng chờ công viên Disney Thượng Hải mở cửa. Cậu học trò 15 tuổi này phàn nàn rằng: “Tại một số công viên, các thiết bị quá cũ, đồ ăn thì rất chán và đắt đỏ. Đồ lưu niệm thì gần như giống nhau tại tất cả các công viên ở Bắc Kinh: gấu trúc Panda, kiếm và các dây hoa lá bằng nhựa. Thật là chán”,

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.