Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel hôm qua phát biểu rằng Trung Quốc cần phải rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi Hoàng Sa, và việc đe dọa sử dụng vũ lực là không thể chấp nhận được.

Ông Daniel Russel. Ảnh: AP.

"Khuyến nghị của tôi là Trung Quốc nên rút giàn khoan ra khỏi Biển Đông, cả Trung Quốc và Việt Nam nên rút tất cả tàu về. Cách làm đó sẽ giúp tạo nên hòa bình cho quá trình ngoại giao, giải quyết căng thẳng", trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói trong cuộc họp báo qua điện thoại hôm qua.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa từ lâu. Hơn nữa, Việt Nam cũng khai thác dầu khí ở khu vực này, nơi Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế.

Trong cuộc gặp với các quan chức cấp cao Việt Nam và Trung Quốc bên lề hội nghị ARF ở Myanmar, ông Russel đều nhấn mạnh sự cần thiết phải xuống thang tình hình ở Hoàng Sa, hai bên cần kiềm chế trong hoạt động của các tàu thuyền.

Đối với các hoạt động xây dựng cải tạo mà Trung Quốc bị nghi đang tiến hành ở Biển Đông hiện nay, ông Russel bình luận rằng việc xây dựng quy mô lớn đó vi phạm nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng mà Trung Quốc và ASEAN cam kết trong Tuyên bố ứng xử của các bên năm 2002 (DOC). Trong đó các bên tự cam kết không chiếm đóng những thực thể không có người ở.

Tại cuộc họp ARF, ông Russel nói các bên có cơ hội ngồi vào bàn để lắng nghe từ Trung Quốc, Việt Nam và cả Philippines. Đại diện các nước đều bày tỏ mong muốn có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, cần có cách cư xử có trách nhiệm trong khu vực.

Mỹ hiểu được rằng có mối quan ngại lan rộng trong khu vực, khi các nước nhỏ hơn bị hăm dọa. Việc ép buộc hay đe dọa sử dụng vũ lực để đạt được những yêu sách lãnh thổ là không thể chấp nhận được, Russel nêu lại quan điểm của chính phủ Mỹ.

Ông Russel cũng nhắc nhở Trung Quốc về việc tòa án quốc tế tuần trước yêu cầu nước này trả lời vụ kiện mà Philippines đệ trình trước ngày 15/12 tới. Đó là cách để xóa bỏ những mập mờ liên quan đến các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, giúp giảm căng thẳng và bất ổn trong khu vực.

Đối thoại Shangri La vừa qua giữa các nước là cơ hội để các nhà làm chính sách hiểu phản ứng của thế giới như thế nào với cách hành xử của mình, Russel nói. Các thảo luận đem lại cơ hội cho giao thiệp và thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau. Mỹ tin rằng khu vực cần đưa ra một thể chế và đảm bảo các nước tôn trọng tuân theo.

Khẳng định lại việc Mỹ giữ quan điểm trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ, ông Russel nói Mỹ khuyến khích các nước liên quan ở Biển Đông phát huy các phương cách ngoại giao để giải quyết khác biệt.

Hiện Trung Quốc vẫn duy trì hơn 100 tàu để bảo vệ giàn Hải Dương 981, được cắm trái phép tại khu vực nằm sâu trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc từ đầu tháng 5 đến nay triển khai nhiều tàu đâm va, phun vòi rồng, uy hiếp tàu chấp pháp và tàu cá Việt Nam trên Biển Đông.

Đầu tháng này, Philippines cũng công bố các dữ liệu cho thấy họ nghi ngờ các tàu của Trung Quốc đang hiện diện và thay đổi cấu tạo của các bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Gaven và Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa.

Việt Anh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.