Vỡ mộng với lợi nhuận từ các kênh đầu tư, kèm theo tâm lý phải nắm chặt tiền trong tay, nhiều triệu phú đang dần rời bỏ ngân hàng và các quỹ quản lý để tự kiểm soát tài sản của mình.

Clinton Ang hiện nắm trong tay số tài sản trị giá gần 80 triệu USD của cả mình và ba anh em khác. Anh thành mục tiêu săn đón của rất nhiều quỹ đầu tư tại Singapore. Tuy nhiên, vị giám đốc 39 tuổi lại thích tự mình quản lý số tiền đó.

Anh nói: “Tôi rất thoải mái với những lời đề nghị của các ngân hàng, nhưng tôi cảm thấy mình làm việc này thì sẽ tốt hơn nhiều”. Ba năm trước, 25% gia tài của Ang được quản lý bởi các chuyên gia, nhưng giờ tỷ lệ này chỉ dưới 5%. Gần đây, anh còn sa thải hai cố vấn tài chính riêng vì nhận thấy họ làm việc không hiệu quả.

Vỡ mộng với lợi nhuận từ các kênh đầu tư đã khiến nhiều triệu phú châu Á như Ang muốn tăng quyền kiểm soát tài sản của chính mình. Theo một báo cáo hồi tháng 6 của Boston Consulting Group (BCG), Credit Suisse Group AG, Citigroup và một số ngân hàng khác tại châu Á chỉ có toàn quyền quản lý 4% danh mục đầu tư của khách hàng, giảm gần một nửa so với tỷ lệ 7% năm 2006. Ngược lại, ở châu Âu, tỷ lệ này lại tăng lên 23% từ 18% sáu năm trước.

Triệu phú tại Singapore và nhiều nước châu Á khác đang dần tăng quyền kiểm soát tài sản của mình. Ảnh: Bloomberg

Ông Peter Damisch - đối tác Thụy Sĩ của BCG cho biết: “Người giàu châu Á đã mất rất nhiều niềm tin vào ngân hàng cũng như các quỹ đầu tư trong cuộc khủng hoảng năm 2008”. Đối với các quỹ quản lý tài sản trông đợi lớn vào sự tăng trưởng ở châu Á, động thái này đã khiến lợi nhuận của họ co lại đáng kể.

Năm 2011, số tài sản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà HSBC hiện nắm nhiều hơn 25% so với 4 năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần của ngân hàng năm 2011 chỉ còn 712 triệu USD trên 33,5 tỷ USD tài sản đang quản lý. Năm 2007, con số này là 748 triệu USD trên 26,6 tỷ USD tài sản. Việc này có nghĩa trừ chi phí, năm 2011, HSBC chỉ kiếm được 2,1 USD trên mỗi 100 USD tài sản quản lý ở châu Á - Thái Bình Dương, giảm 25% so với 4 năm trước.

Ông Akbar Shah - Giám đốc bộ phận quản lý Đông Nam Á và Australia của Citigroup giải thích: “Văn hóa của người châu Á là thích nắm chắc tiền trong tay. Rất nhiều người trong số họ đã kiếm bộn từ thị trường bất động sản châu Á, vì đó đều là những giao dịch có thể được kiểm soát trực tiếp. Chẳng ai bảo được bạn cần làm như thế nào trong tình huống này, mà chính bạn phải tự cảm nhận”.

Theo ông Enrico Mattoli - Giám đốc bộ phận Sản phẩm và Dịch vụ đầu tư cho khách hàng giàu có tại UBS, phần lớn các triệu phú châu Á là tự thân chứ không phải thừa kế. Vì vậy, họ đòi hỏi lợi nhuận cao hơn đối với các khoản đầu tư của mình. Theo một báo cáo hồi tháng 3 của Standard Chartered và Scorpio Partnership, trung bình người giàu châu Á đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hàng năm là 12% trong 10 năm tới.

Easaw Thomas là một triệu phú 67 tuổi người Singapore. Từng lớn lên trong cảnh nghèo khó, Thomas đã kiếm được phần lớn của cải nhờ mua bán bất động sản thông qua các cố vấn tài chính. Tuy nhiên, ông kết luận: “Sau rất nhiều thất bại, tôi nhận ra rằng ngân hàng không phải là sự lựa chọn cả đời của mình”. Thomas hiện chỉ giữ dưới 10% tài sản tại các quỹ đầu tư. Ông cho biết: “Họ chỉ như thư ký hỗ trợ các giao dịch mà bạn muốn thực hiện thôi. Nhưng việc còn lại, tôi muốn kiểm soát 100%”.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.