Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đang thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, song để biến yếu tố này trở thành nguồn lực lâu dài, đòi hỏi sự cải cách mạnh mẽ trong nước.

Tại diễn dàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Ngoại Giao và Tổ chức Sáng kiến Việt Nam tổ chức hôm nay (7/6), các chuyên gia nhận định trong quá trình toàn cầu hóa, Việt Nam đang thu hút lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài, do nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ổn định và bị ảnh hưởng ít hơn từ các cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, những rủi ro bất định ngày càng tăng khiến Việt Nam cần thêm những giải pháp để giữ chân nhà đầu tư ở lại lâu dài.

Là doanh nhân Việt kiều, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng việc đổi mới cơ chế ban hành văn bản pháp luật là rất cần thiết.

Với tư cách Chủ tịch Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp, Giáo sư Nguyễn Đức Khương có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài. Ông phản ánh mối quan tâm lớn nhất của họ không phải là mức độ rủi ro, bởi điều này có thể quản lý thông qua nhiều kỹ thuật tài chính khác nhau. Điều họ mong mỏi nhất chính là tính minh bạch của môi trường kinh doanh để củng cố lòng tin làm ăn lâu dài.

"Nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích vào doanh nghiệp không hạn chế về mức độ góp vốn theo quy định trong pháp luật. Tuy nhiên, thực tế không như họ mong muốn. Nếu không nắm đa số cổ phần, họ không có quyền quyết định các chính sách của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến khả năng sinh lời", vị này cho biết.

Ông Khương khuyến nghị môi trường pháp lý cần phải thể hiện rõ ràng việc đảm bảo quyền sở hữu, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài, tính thực thi của các hợp đồng pháp lý và việc thực hiện các quyết định của tòa án thương mại.

Là một doanh nhân về nước gần 10 năm và là ông chủ của chuỗi trung tâm thương mại lớn, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất khi ban hành một văn bản pháp luật, cơ quan quản lý nên cho doanh nghiệp một thời gian nhất định để thực thi, có thể 30-60-90 ngày. "Một văn bản không cần thiết là ký ngày hôm nay là có hiệu lực ngay bởi phải 10 ngày sau mới đến đơn vị. Doanh nghiệp bức xúc, trăn trở về điều này nhiều lắm", vị này phát biểu.

Trước vấn đề này, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho hay đây là những nguyện vọng thiết thực của các nhà đầu tư. Trong nội dung về cải cách thể chế, việc minh bạch chính sách, tiên liệu được chính sách cũng đã được nêu rõ.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng các đề xuất cho thấy những nguyện vọng thiết thực của nhà đầu tư.

Ngoài ra, ổn định tài chính cũng là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư ngoại. Do đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam phải xây dựng công cụ quản lý môi trường tài chính vĩ mô hiệu quả để hệ thống tài chính có sức đề kháng tốt với các cuộc khủng hoảng kinh tế. "Rủi ro hệ thống là đáng kể với các ngân hàng Việt Nam, một khi nền kinh tế gặp khó khăn, hoặc có những cú sốc từ bên ngoài ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu", ông Khương nêu.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh khi toàn cầu hóa, ngành ngân hàng cũng phải chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Theo ông, ngay tại thời điểm các Hiệp định thương mại tự do mới chưa đươc thực thi thì nhiều ngân hàng nước ngoài đã mở rộng thị phần tại Việt Nam. Do đó, nếu không có kế hoạch đối phó ngay từ bây giờ, các ngân hàng trong nước dễ dàng đánh mất thị phần.

Ông khuyến nghị biện pháp cấp thiết là hệ thống tài chính cần phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, số lượng ngân hàng thương mại nên rút xuống khoảng 15 đơn vị và có những nhà băng đầu tàu, vốn điều lệ tối thiểu 5 tỷ USD để đủ sức cạnh tranh. Quá trình xử lý nợ xấu cũng phải được giải quyết mau chóng và đi vào thực chất, bản thân các ngân hàng cũng phải xây dựng một chiến lược liên quan đến hội nhập quốc tế...

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận hệ thống ngân hàng đang gặp nhiều thách thức bởi Việt Nam hội nhập từ năm 2007, đúng thời điểm khủng hoảng toàn cầu diễn ra. "Con thuyền Việt Nam ra biển lớn đã gặp phải cơn sóng cả", bà Hồng nói. Tuy nhiên, đại diện ngành ngân hàng khẳng định đây là con đường Việt Nam buộc phải đi và sẽ lựa chọn những chính sách phù hợp nhất để chống đỡ các rủi ro.

Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước cũng được khẳng định là một trụ cột để phát triển kinh tế. Giáo sư Trần Ngọc Anh - Giám đốc nhóm Sáng kiến Việt Nam cho hay cổ phần hóa là động lực giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, chẳng hạn doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động đều tăng lên rõ rệt, số lượng nhân viên tuy giảm nhưng quỹ lương lại tăng..

"Trong quá trình cạnh tranh vốn gay gắt, Việt Nam phải có giải pháp để nhà đầu tư thấy đây là nơi cần đến và không thể thiếu được trong chuỗi giá trị, khi mà các doanh nghiệp đều đang có chiến lược đầu tư toàn cầu", giáo sư Khương khuyến nghị.

Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2014, các trụ cột về sử dụng hiệu quả nguồn lực, thứ hạng của Việt Nam còn thấp. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nhận định sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có nhiều bước tiến nhưng cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, dẫn đến năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế còn yếu.

Do đó, năm 2015, lần đầu tiên Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập được tổ chức, với mục đích tạo cơ hội cho trí thức kiều bào đóng góp ý kiến vào những vấn đề trong phát triển kinh tế của đất nước giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo.

Huyền Thư (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.