Chiến dịch tìm kiếm được mở rộng sang hướng Tây Bắc đến biển Andaman, cách đường đi dự kiến ban đầu của chiếc máy bay hàng trăm km.

Nhà chức trách Malaysia đang đối mặt nhiều chỉ trích do tình trạng thiếu điều phối trong hoạt động tìm kiếm và cứu hộ chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia (MAS) đang mất tích.

Thừa nhận có tín hiệu ở Malacca

Trong cuộc họp báo chiều 12-3, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết cuộc tìm kiếm đã và đang diễn ra ở cả 2 khu vực eo biển Malacca và biển Đông với sự tham gia của 12 quốc gia, 42 tàu và 39 máy bay. Ông Hussein hy vọng hành khách vẫn sống sót và bác bỏ thông tin phát hiện thi thể trôi trên biển.

Người thân của các hành khách đặt câu hỏi tại cuộc họp với đại diện chính phủ Malaysia ở Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 12-3 Ảnh: REUTERS

Còn Tư lệnh Không quân Malaysia Rodzali Daud chính thức thừa nhận radar quân sự nước này đã bắt được một tín hiệu vào lúc 2 giờ 15 phút ngày 8-3 (giờ địa phương) ở điểm cách đảo Penang 321 km về phía Tây Bắc và nằm ở phía Bắc eo biển Malacca. Nếu đây đúng là tín hiệu của MH370 thì nó xảy ra sau khoảng 45 phút và cách xa hàng trăm dặm so với thời điểm và địa điểm mà máy bay mất tín hiệu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hussein nói rằng thông tin máy bay quay trở lại eo biển Malacca mới chỉ là khả năng và không chắc chắn tín hiệu máy bay đó là của MH370.

Theo mô tả của The Straits Times, cuộc họp báo diễn ra trong bầu không khí gần như hỗn loạn vì quá đông phóng viên truy vấn giới chức Malaysia.

Chính phủ Malaysia hôm 12-3 mở rộng chiến dịch tìm kiếm sang hướng Tây Bắc đến biển Andaman, cách đường đi dự kiến ban đầu của chiếc máy bay hàng trăm km. Tàu hải quân Ấn Độ đang làm nhiệm vụ tuần tra trên eo biển Malacca cũng tham gia vào chiến dịch tìm kiếm. Bên cạnh đó, vệ tinh Rukmini (GSAT-7) của hải quân Ấn Độ được kích hoạt để thu thập manh mối.

Có điều che giấu?

Trang tin tức The Malaysian Insider hôm 12-3 dẫn lời người dân và các nhà phân tích chỉ trích việc xuất hiện những thông tin trái ngược nhau về quá trình tìm kiếm. Anh Syed Faris Hakem, 26 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Kuala Lumpur, bày tỏ: “Tôi cảm thấy thất vọng khi nỗ lực tìm kiếm vẫn chưa mang lại kết quả nào. Việc thiếu thông tin hoặc đưa ra những thông tin trái ngược nhau cho thấy chính phủ có thể đang che giấu điều gì đó”.

Sáng cùng ngày, 400 thân nhân của những hành khách trên chuyến bay MH370 đã tham dự cuộc họp kéo dài 2 giờ với đại diện chính phủ Malaysia ở Bắc Kinh - Trung Quốc. Dù vậy, vẫn còn nhiều thắc mắc chưa được giải đáp tại cuộc gặp khiến mọi người thất vọng và tức giận. Một số người thậm chí còn cho rằng có thể đang diễn ra cuộc đàm phán bí mật với những kẻ cướp chiếc máy bay bởi chính phủ Malaysia trước đó bày tỏ hy vọng các hành khách “vẫn còn sống”.

Trong khi đó, báo New Strait Times (Malaysia) hôm 11-3 cho biết 2 người đàn ông ở 2 vị trí khác nhau tại bang Kelanta cho biết họ đã nhìn thấy chiếc máy bay của MAS trước khi nó mất tích. Cũng trong ngày này, một nhóm ngư dân Malaysia phát hiện một tấm phao cứu sinh có dòng chữ “Boarding” cách thị trấn cảng Dickson (Malaysia) khoảng 19 km lúc 12 giờ (giờ địa phương). Họ đã gọi Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) ở eo biển Malacca để trục vớt tấm phao lên vì nó quá nặng. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của MMEA lại nói rằng cái phao đã chìm xuống biển khi họ đang cố đưa nó lên tàu.

Đã xuất hiện giả thuyết máy bay MH370 có một số điểm tương đồng với thảm kịch phi công lái máy bay lao xuống sông ở Indonesia năm 1987. Các chuyên gia hàng không cho rằng một thành viên của phi hành đoàn đã biết cách tắt mọi thiết bị và hệ thống liên lạc với mặt đất. Một nhà thiết kế đồ họa hàng không của Anh nhận xét: “Chỉ không tặc hoặc là phi công cố tình đánh rơi máy bay mới có thể giải thích vì sao các thiết bị và hệ thống liên lạc không hoạt động”.

Giảm nhiệt

Sau 5 ngày quyết liệt tung nhiều lực lượng, phương tiện tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia, những người có trách nhiệm của Việt Nam cho biết chiến dịch này sẽ duy trì nhưng cần điều chỉnh.

Gặp mặt báo giới vào đầu giờ sáng 12-3 tại Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại Phú Quốc (Kiên Giang), Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu cho biết công việc vẫn tiếp tục, chỉ có điều là hạn chế số lượng máy bay và tàu thủy tham gia.

Đến chiều tối cùng ngày, Chuẩn đô đốc Lê Minh Thành, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam, đã chủ trì cuộc họp báo tại Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại Phú Quốc. Thông tin cũng không có gì thay đổi so với những ngày trước: Chưa thu được kết quả gì! Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, 4 ngày qua chưa có bất kỳ một manh mối nào thể hiện máy bay đã rơi ở vùng biển đang tìm kiếm song việc tìm kiếm chỉ kết thúc khi máy bay được tìm thấy vì hiện nay chưa xác định được trên biển hay đất liền.

Lực lượng không quân đã sử dụng 4 máy bay (1 CASA-212, 1 AN26, 2 trực thăng Mi-171) tìm kiếm tại khu vực phía bên phải và 3 máy bay (1 DHC6 của Hải quân, 1 trực thăng Mi-171, 1 CASA) tìm kiếm khu vực phía bên trái của đường bay L637 (đường bay của chiếc MH370) theo hướng Kuala Lumpur - Bắc Kinh. Trên biển sử dụng 8 tàu di chuyển về các vị trí phân công để kết hợp tìm kiếm và phối hợp nắm tình hình hoạt động của các lực lượng nước ngoài. Hiện đã có 2 tàu nhỏ được thay thế bằng tàu có dung tích khoang chứa nhiên liệu lớn hơn. Đặc biệt, còn có thêm tàu nghiên cứu biển HQ 888 Trần Đại Nghĩa - trang bị rất nhiều thiết bị chuyên dụng cho hoạt động khảo sát đại dương - tham gia.

Trong buổi làm việc tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vào chiều 12-3, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - tiếp tục khẳng định chủ trương sẽ đi tới cùng trong việc tìm kiếm chiếc máy bay Boeing MH370. Tuy nhiên, theo Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, những ngày tới quân số vẫn giữ nguyên song không cần tần suất lớn như trước nữa. Mỗi ngày chỉ cần cất cánh từ 2-3 chiếc bay cùng lúc, các máy bay còn lại thì chờ ở căn cứ vì thời điểm này đã có nhiều quốc gia tham gia. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đồng ý để tàu HQ 888 Trần Đại Nghĩa trở về, khi nào phát hiện nghi vấn sẽ điều động sau. N.Quyết - C.Linh - T.Hà

Xuân Mai (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.