CEO của Apple Tim Cook đã có một năm làm việc tuyệt vời và ông vừa được CNN Money bầu chọn là CEO tốt nhất của năm, trong khi các CEO khác trong danh sách mỗi người lại xứng đáng với một danh hiệu riêng.
1. Tim Cook: CEO của năm

Người dùng Apple trong năm qua có một năm mỹ mãn với hàng loạt sản phẩm mới ra đời từ iPhone màn hình lớn (iPhone 6/6 Plus) cho tới iMac màn hình Retina hay sắp tới là Apple Watch.

Cổ phiếu của hãng đã tăng hơn 40% trong năm 2014, mức tăng gần như cao nhất từ trước đến nay. Vào thời điểm hiện tại, Apple là công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới với 670 tỷ USD, vượt hơn 250 tỷ USD so với vị trí thứ hai của Microsoft.

Tim Cook đã khiến những người cho rằng ông không phù hợp với vị trí mà Steve Jobs để lại phải ngã mũ thán phục và im lặng. Với những lí do đó, Tim Cook hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu CEO của năm.

2. John Chen: CEO đưa BlackBerry trở lại ấn tượng nhất

BlackBerry (BBRY) đã từ "cõi chết" trở về và người làm nên phép màu đó không ai khác chính là Giám đốc điều hành John Chen.

John Chen đảm nhận vị trí CEO BlackBerry trong vòng chưa đầy một năm nhưng đã trở thành niềm kiêu hãnh của cả Canada. Ông đã tạo nên một cú "lội ngược dòng" thần kì với công ty này.

Một vài nhà đầu tư đã không còn lo lắng về việc hết ngân sách. Chen đã tập trung vào mảng phần mềm cũng như đầu tư vào dự án Internet of Thing (IoT), kết nối giữa nhà, xe hơi và các dụng cụ khác với nền tảng QNX, thay vì cố gắng để giành thị phần điện thoại thông minh với những "gã khổng lồ" khác.

Cổ phiếu BBRY đã tăng 35% trong năm 2014 và làm yên lòng các nhà đầu tư trước nguy cơ "thoi thóp" bên bờ vực phá sản của công ty này.

3. Satya Nadella: CEO giải quyết "vạ miệng" tốt nhất


Đảm nhận vị trí CEO của gã khổng lồ công nghệ Microsoft (MSFT) đã đặt cho Satya Nadella áp lực không hề nhỏ, nhưng ông đã chứng minh ông có thể làm được.

Cổ phiếu MSFT đã tăng 26% trong năm qua khi các nhà đầu tư tỏ ra rất có hứng thú với chiến lược tập trung vào điện toán đám mây và mảng di động mà Nadella vạch ra. Chính điều đó đã giúp vụ lùm xùm xung quanh phát ngôn phân biệt đối xử với nhân viên nữ của ông dần lắng xuống.

Trước đó, với tuyên bố phụ nữ không nên đấu tranh đòi được tăng lương, Nadella đã nhận không ít chỉ trích vì sự "vạ miệng" này. Tuyên bố của CEO Microsoft thậm chí còn bị xem là đáng xấu hổ hơn cả những trò điên rồ của cựu Giám đốc điều hành Steve Ballmer trước đó.

4. Mary Barra: CEO chịu áp lực giỏi nhất
Trở thành CEO nữ đầu tiên của Gerneral Motor (GM) đã khiến cho Mary Barra đối mặt với không ít áp lực, nhất là trong năm đầu làm việc với những khó khăn chồng chất.

Barra dường như có quá ít thời gian để ăn mừng sự kiện trở thành nữ CEO của một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Ngay khi bắt tay vào công việc bà đã bị ngập trong một cuộc khủng hoảng thu hồi khổng lồ nhất từ trước đến nay. Chính bà cũng thừa nhận rằng 2014 là một năm khó khăn nhất với GM.

Dù trong quá trình điều hành Barra đã vấp phải một số sai lầm nhưng không thể phủ nhận rằng bà đã dũng cảm nhận trách nhiệm đối với các vấn đề của GM và đang nỗ lực buộc công ty phải nhìn nhận lại văn hóa doanh nghiệp của mình.
5. Marissa Mayer: CEO may mắn nhất
Cổ phiếu Yahoo (YHOO) đã tăng trưởng ấn tưởng hơn đối thủ chính Google. Nhưng CEO Marissa Mayer không tạo nên thành tích đó chỉ nhờ năng lực mà còn có cả yếu tố may mắn.

Lý do chính khiến YHOO tăng lên 25% là do Yahoo được hưởng lợi sau đợt IPO kỷ lục của công ty thương mại điện tử khổng lồ Alibaba (BABA), Trung Quốc nhờ việc nắm một lượng lớn cổ phần.

Mayer đã hứa sẽ trả một số cổ tức tiền mặt thu được từ đợt IPO của Alibaba cho cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu. Chính điều này đã làm cho danh tiếng của cô trong mắt các cổ đông tăng lên.
Ngoài 5 CEO trên, CNN Money cũng vinh danh 5 CEO của các doanh nghiệp hàng đầu khác với những danh hiệu khác nhau, như:
6. John Legere: CEO quan hệ công chúng tốt nhất. John Legere hiện là CEO của T-Mobile (TMUS), ông được biết đến là một người có cuộc sống khá phong phú và thường xuyên truy cập vào các mạng xã hội, nhất là Twitter để chia sẻ cùng mọi người những kế hoạch kinh doanh cũng như các quan điểm cá nhân.
7. Meg Whitman: CEO quyết đoán nhất. Meg Whitman đang vực dậy Hewlett-Packard (HPQ), công ty từng là một biểu tượng của Silicon Valley. Khi Whitman về tiếp quản, HP là một mớ hỗn độn và bà đã quyết định chia công ty thành hai: một công ty tập trung vào máy tính, máy in và các tiện ích của người tiêu dùng và một sẽ bán phần mềm, máy chủ và các dịch vụ cho các doanh nghiệp lớn. Nhờ vậy cổ phiếu của HP đã tăng hơn 40% trong năm 2014.
8. Sally Smith: CEO năng động nhất. Với hàng loạt chiến lược mới như phục vụ bia và thức ăn thanh để người hâm mộ thể thao, đầu tư các thiết bị công nghệ cao cho hầu hết các chuỗi ăn uống, Sally Smith đã khiến cái tên Buffalo Wings Wild (BWLD) được nhiều khách hàng biết đến và yêu mến hơn. Nhờ vậy mà cổ phiếu BWLD đã tăng gần 20% trong năm nay.
9. Rodney McMullen: CEO tài năng và kín tiếng. Rodney McMullen không phải là một CEO nổi tiếng nhưng thành tích đưa Kroger trở thành một trong những chuỗi siêu thị sánh ngang những siêu thị hàng đầu của Mỹ như Whole Foods và Trader Joe đã khiến nhiều nhà đầu tư phải để mắt. Cổ phiếu của Kroger đã tăng tới 60% trong năm nay, làm cho nó trở thành một trong những cổ phiếu tốt nhất trong chỉ số S & P 500.
10. Les Wexner: CEO kiêm nhà sáng lập duy trì được quyền lực lâu nhất. Les Wexner, Giám đốc điều hành công ty mẹ của Victoria Secret L Brands (LB) đã trở thành huyền thoại điều hành nhiều tuổi nhất. Wexner thành lập công ty vào năm 1963 và hiện nay ở tuổi 77 ông vẫn tiếp tục làm tốt vai trò này. Cổ phiếu LB đã tăng 40% trong năm 2014 và rõ ràng thành tích trên là nhờ vai trò không nhỏ của Wexner.
Đinh Thơm (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.