Bứt phá ngoạn mục, lọt vào top dẫn đầu ngành nhờ chiến lược tăng trưởng qua M&A, song Thủy sản Hùng Vương vẫn có nguy cơ gặp khó.

Rủi ro mà Thủy sản Hùng Vương (HVG) đối diện đến từ chính những nguyên nhân chủ quan và cả khách quan. Tập trung vào sản phẩm mũi nhọn, tập đoàn này có thể thu trái ngọt, nhưng cũng không tránh được trái đắng.

Hạn với con cá tra

Năm 2012, HVG cũng như nhiều doanh nghiệp thủy sản khác, đón mức thuế chống bán phá giá lần thứ 8 đối với mặt hàng cá tra – basa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong ấm ức. Riêng HVG, mỗi ký cá tra – basa đông lạnh mà HVG “mẹ” xuất sang Mỹ phải gánh thêm 1,29 USD tiền thuế. Nhưng tại thời điểm đó, qua cửa công ty con là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (AGF), sản phẩm của HVG vẫn vào Mỹ khá thuận lợi và đạt biên lợi nhuận cao, do mức thuế cùng sản phẩm chủng loại AGF được hưởng rất thấp, chỉ 0,02 USD/kg.

Nhưng giờ đây, sự thuận lợi khi đưa hàng vào Mỹ – thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm tới 45% doanh thu của AGF và 19% của Hùng Vương, đã không còn. Tháng 9 vừa qua, trong đợt rà soát hành chính lần thứ 9, Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá cá tra – basa Việt Nam với mức thuế cao gấp đôi so với đợt rà soát trước. Theo đó, HVG sẽ phải chịu mức thuế cao nhất với 2,15 USD/kg, tăng 2,8 lần. Bà Đặng Kim Thoa, chuyên viên phân tích ngành thủy sản CTCK Maybank KimEng Việt Nam cho rằng, mức thuế này sẽ “ăn” hết lợi nhuận của công ty khi giá xuất khẩu trung bình vào thị trường này chỉ vào khoảng 3-3,5 USD/kg. Trong khi đó, có khả năng AGF phải theo mức thuế chống bán phá giá của công ty mẹ HVG từ năm 2014.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc HVG kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nhiều doanh nghiệp đã phải treo ao, còn HVG tìm cách bù thuế bằng tăng giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ thêm 20 cent/kg. Thế nhưng, khó có thể duy trì đà tăng giá bắt kịp với xu thế hàng rào kỹ thuật và bảo hộ thương mại được dựng lên ngày càng dày đặc ở những thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn trên thế giới, như Mỹ hay EU… Chưa kể các doanh nghiệp Việt Nam vốn có thói quen cạnh tranh, phá giá của nhau. Cho dù HVG có xuất khẩu cá tra lớn bậc nhất, nhì nước thì thẩm quyền để đưa ra các hợp đồng với các điều khoản có lợi, trong đó có giá, phần lớn vẫn thuộc về “thượng đế”.

Tái cấu trúc thị trường xuất khẩu, không dễ…

Để “giải hạn” cá tra, dường như HVG đang lên phương án bán công ty con thuộc AGF. Công ty này có tên là M&T Seafood’s Corp, trụ sở tại Hoa Kỳ. Giá trị chào bán không cao, song nó cho thấy HVG đã bắt đầu toan tính tái cấu trúc thị trường xuất khẩu của mình.

Vậy, nếu tăng tỷ trọng xuất khẩu ở các thị trường truyền thống khác như EU, Đông Âu và Nam Mỹ, liệu HVG có thể phát huy được thế mạnh tăng trưởng đột phá của mình? Câu trả lời e rằng không đơn giản.

Chuyên viên phân tích Phan Nguyễn Trung Hưng, CTCK FPT chỉ ra, đối với ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam, năm 2012, nhập khẩu từ EU sụt giảm mạnh tới 19,6%. Giá xuất khẩu cá tra sang EU cũng thấp hơn Mỹ (bình quân từ 2,1 -2,7 USD/kg so với mức trên 3 USD/kg của thị trường Mỹ). Hiện tại, người tiêu dùng EU đang có xu hướng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm có chứng nhận ASC (với giá cao hơn khoảng 10-15% so với sản phẩm thông thường). Đây sẽ là yếu tố sàng lọc mạnh các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU. Cơ hội sẽ chủ yếu tập trung vào những doanh nghiệp lớn, đầu tư bài bản các vùng nuôi theo tiêu chuẩn ASC như: Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Nam Việt, Việt An…

Cứ cho là HVG sẽ bán công ty con ở chỗ này để tăng chi phí đầu tư khai thác thị trường xuất khẩu ở chỗ kia, thì hiệu quả đến đâu vẫn là một ẩn số. Trong khi đó, nếu nhìn vào đối thủ đứng ngay trước HVG về giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2012 là Vĩnh Hoàn, thì công ty này lại đang có khá nhiều thế mạnh để tiếp tục vượt lên HVG như: thuế suất tại Mỹ thấp hơn, có chuỗi khép kín hoàn hảo về vùng nuôi cá tra và đặc biệt là không bị phân tán nguồn lực bởi tham vọng đột phá và tăng trưởng mạnh nhờ M&A. Trong khi HVG đang mải loay hoay với hoạt động M&A thì Vĩnh Hoàn đã có thể đi tới và lấn sâu vào những thị trường “ruột” của HVG.

Ngoài ra, ở góc độ thị trường, sự phân chia lại tỷ trọng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu vào các nước của HVG cũng đòi hỏi không ít thời gian. Nga, thị trường mà HVG có sản lượng thủy sản xuất khẩu lớn nhất, giá bán cũng rất thấp, chỉ 2,04USD/kg nên lợi nhuận không cao. “Mối ruột” của HVG là Tây Ban Nha lại đang lâm vào khủng hoảng nặng nhất khối Eurozone.

Đường xa vướng… nợ

Ngoài những rủi ro nói trên thì HVG cũng đang có những rủi ro xuất phát từ chính chiến lược và hoạt động kinh doanh nội tại của mình. Do đặc thù của ngành đòi hỏi phải bổ sung vốn lưu động thường xuyên, rồi đang trong giai đoạn không ngừng tính chuyện hợp nhất, nên vốn liếng hay nợ nần trở thành rủi ro đáng kể đối với HVG.

Ước tính của giới chuyên môn cho thấy, HVG hiện đang nằm trong nhóm doanh nghiệp thủy sản có tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu cao. Chỉ tính riêng dư nợ vay ngân hàng của công ty này đã hơn 3.570 tỷ đồng, tính đến cuối quý 2/2013. Chưa nói đến chuyện biến động lãi suất sẽ tác động mạnh đến chi phí hoạt động của công ty, làm thay đổi lớn lợi nhuận, thì áp lực trả nợ của HVG cũng đủ làm các nhà quản lí tài chính phải đau đầu.

Trong tình huống như vậy, liệu có sáng suốt khi tiếp tục gọi vốn ngoại, lấy lực ngoài để mua bài trong – tăng tỷ lệ sở hữu ở những công ty đang được đặt mục tiêu sẽ mang về doanh thu lớn như AGF?

Dẫu vậy, HVG đã và vẫn đang là ngôi sao sáng giá của ngành thủy sản. Những bước đi trong chiến lược M&A của HVG đã giúp họ đạt được những thành công ban đầu. Tuy nhiên, lúc này HVG đang cần cả những chiến thuật tiến một, lùi hai để lấy lại đà đột phá cho chính mình!

Trung Nhật (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.