Các thương hiệu của Phương Tây đã học được một bài học đắt giá khi bước chân vào thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Đó là: Hoàn toàn không có đường tắt.

Kyle Berner là nhà đồng sáng lập Raleigh, công ty sản xuất dép sandal nhãn hiệu Feelgoodz.Ông từng kỳ vọng sẽ nhanh chóng thu hút số lượng khách hàng đông đảo khi đưa hàng lên chợ trực tuyến Tmall của Alibaba, vào tháng 4/2012.

Tuy nhiên 6 tháng sau khi mở gian hàng, Berner chỉ bán được 50 đôi sandal, và doanh số "trượt dốc không phanh từ đó", ông trả lời Nhật báo phố Wall.

"Bài toán khó nhất không phải là mở được gian hàng, mà là làm gì sau đó", ông cho hay.

Màu mỡ nhưng khó ăn

Ngành kinh doanh thương mại điện tử tại Trung Quốc là một mảnh đất màu mỡ. Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ, chiếm ngôi vương thị trường bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới tính theo giá trị vào năm 2013.

Số lượng người dùng Internet Trung Quốc tăng 8,5% lên gần 680 triệu người.

Tuy nhiên, gặt hái trái ngọt từ mảnh đất phì nhiêu này không dễ như các công ty phương Tây dự đoán.

Môi trường cạnh tranh với các công ty nội dần trở nên khắc nghiệt. Những doanh nghiệp này thường xuyên tung hàng loạt chương trình giảm giá kịch liệt, khiến nhiều công ty nước ngoài e dè khi bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc.

"Chúng tôi nhận được hàng trăm thư cầu cứu từ các doanh nghiệp ngoại, họ nghĩ chỉ cần mở được hàng là tự khắc có người mua. Thực tế, tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc rất phức tạp", ông David Matthieu, nhà đồng sáng lập công ty tư vấn Daxue cho hay.

Chịu lỗ

Giờ đây, khi tiếp cận các công ty tư vấn, giới doanh nghiệp phương Tây thường nhận được câu hỏi đầu tiên: Các vị có nghiêm túc về thời gian cũng như quỹ vốn đầu tư vào bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc không?

Export Now là một công ty chuyên trợ giúp thương hiệu phương Tây bán hàng trên chợ Alibaba. Ông Frank Lavin, nhà sáng lập công ty, khuyên những thương hiệu chưa có mặt tại Trung Quốc nhưng vẫn muốn bán hàng trên mạng nên chuẩn bị số vốn ít nhất 10.000USD/tháng.

Môi trường cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều công ty nước ngoài e dè khi bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc.

"Đây là bài học xương máu của chúng tôi trong năm đầu. Nếu chỉ dựng sạp, bán hàng, sẽ chẳng ai thèm ngó ngàng. Kênh phân phối không thể thay thế vai trò của marketing", ông chia sẻ.

Ông Scot Wingo, Giám đốc điều hành ChannelAdvisor, cũng có lời khuyên tương tự. Theo ông, sai lầm lớn nhất của các công ty phương Tây là mang 10 sản phẩm nổi tiếng nhất lên mạng Trung Quốc và bày bán, ngỡ rằng sẽ có người hỏi mua.

Trên thực tế, các nhà bán lẻ phải tạo dựng màu sắc riêng bằng các sản phẩm "độc", thay vì bày bán hàng loạt.

Kể cả khi một công ty thực hiện nghiêm chỉnh theo kế hoạch lý tưởng, vẫn chẳng có gì đảm bảo anh ta sẽ lấy được đà trên chợ trực tuyến Trung Quốc, nhiều chuyên gia cảnh báo.

"Tôi thường khuyên họ chuẩn bị tinh thần chịu lỗ trong 12 tháng đầu, trước khi nhìn thấy đồng lãi đầu tiên", Lac Tran, CEO công ty tư vấn Web2Asia cho biết.

Dương Long (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.