Mặc dù, theo Bộ Y tế, thuốc sản xuất trong nước hiện đã đa dạng về chủng loại và số lượng, tuy nhiên, thực tế hiện nay, thuốc nhập khẩu vẫn chiếm lĩnh mọi “mặt trận” từ thuốc phổ thông đến biệt dược.
Số lượng DN đầu tư vào thị trường dược phẩm chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại 70% DN ngoại được cấp phép hoạt động tại VN chỉ tham gia hoạt động nhập khẩu.

Theo số liệu của Bộ Y tế, cả nước hiện có 178 DN sản xuất thuốc, trong đó có 98 DN sản xuất thuốc tân dược, 80 DN sản xuất thuốc đông dược, ngoài ra có trên 300 cơ sở sản xuất thuốc đông dược. Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được 234/314 hoạt chất trong danh mục thuốc thiết yếu của VN và đầy đủ 29 nhóm tác dụng dược lý theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, theo Hiệp hội DN dược VN, tỉ lệ % tiền mua thuốc sản xuất trong nước rất thấp, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, lần lượt là 11,9% và 33,9%.

Mở cửa chưa như kỳ vọng

Thực hiện cam kết của WTO, từ năm 2009, ngành dược đã mở cửa cho các DN nước ngoài mở chi nhánh, nhà máy tại VN. Kể từ đó, bên cạnh các Cty nhà nước đã xuất hiện nhiều Cty liên doanh và văn phòng đại diện của Cty nước ngoài. Tuy nhiên, kỳ vọng vào sự phát triển đối với nền công nghiệp dược trong nước đã không diễn ra như mong muốn khi số lượng DN đầu tư vào thị trường chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại 70% DN ngoại được cấp phép hoạt động tại VN chỉ tham gia hoạt động nhập khẩu. Hơn nữa, 90% nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho ngành dược vẫn phải nhập khẩu.

Các dự án đầu tư nước ngoài tại VN cũng chỉ sản xuất những chế phẩm thông thường hay tham gia các liên doanh để cung cấp các dịch vụ hậu cần cho ngành dược, chưa đi sâu hoạt động sản xuất các loại thuốc đặc trị, nên hàng năm VN vẫn phải chi hàng tỉ USD để nhập khẩu dược phẩm từ nước ngoài và không có nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất thuốc của thế giới.

Đấu thầu thuốc bất cập

Nếu chỉ dừng lại ở việc nhập công nghệ, nguyên liệu, gia công thuốc thì công nghiệp dược của VN khó có thể phát triển.

Thời gian qua, một trong những giải pháp nhằm đưa giá thuốc về mức hợp lý, tránh tình trạng thuốc đi vòng vo qua nhiều tầng lớp trung gian, làm giá thuốc đội lên, đồng thời cũng là cơ hội cho thuốc Việt đến với bệnh nhân là đấu thầu thuốc Tuy nhiên, thực tế, việc trúng thầu các loại thuốc phổ thông tại các bệnh viện và cơ sở y tế công lập tuyến trung ương và địa phương lại thường rơi vào tay các hãng sản xuất thuốc giá rẻ của Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.

Theo Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế có hiệu lực từ 01/6/2012, thuốc được chọn phải “có giá đánh giá thấp nhất” so với thuốc cùng loại, cùng hàm lượng, nồng độ. Do đó, nhiều thương hiệu thuốc Việt không thể cạnh tranh nổi về giá. PGS TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, không ít Cty dược có uy tín về chất lượng đã rớt thầu ở nhiều bệnh viện trong đợt đấu thầu năm 2013.

PGS TS Trương Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TP HCM nhận xét, với tiêu chí “chọn giá đánh giá thấp nhất” của Thông tư 01 đã khiến các hãng thuốc Việt không cạnh tranh nổi tuy chất lượng được đánh giá cao. Đó là thiệt thòi cho người bệnh bởi không được tiếp cận thuốc chất lượng, trong khi so sánh cặn kẽ, chưa hẳn giá đã cao so với thuốc nhập ngoại.

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội VN, qua so sánh cho thấy hàng loạt thuốc có nguồn gốc Trung Quốc, Ấn Độ giảm giá 20% - 166% so với giá trúng thầu năm 2012. Tuy nhiên, điều đáng ngại là mới đây, Cục Quản lý dược công bố đợt khảo sát về chất lượng thuốc và cho biết nhiều DN Ấn Độ có thuốc vi phạm chất lượng. Theo ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, từ đầu năm 2011 đến nay, cục đã phát hiện 37 Cty của 10 quốc gia có thuốc vi phạm chất lượng. Trong đó, 25 Cty dược phẩm của Ấn Độ có sản phẩm vi phạm chất lượng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải:
Phát triển năng lực DN

Công nghiệp dược nói chung là ngành có lãi, thậm chí siêu lợi nhuận. Nhưng nếu không có tích lũy để đầu tư nghiên cứu phát triển lâu dài thì không thể tiến lên trên bậc cao. Nếu chỉ dừng lại ở việc nhập công nghệ, nguyên liệu, gia công thuốc thì công nghiệp dược của VN khó có thể phát triển được, thậm chí sẽ có nguy cơ để các tập đoàn dược lớn của nước ngoài chiếm lĩnh thị trường trong nước. VN là một thị trường thuốc lớn nên cần chú trọng phát huy năng lực sản xuất, cung cấp trong nước. Do đó, cơ quan quản lý cần có những chính sách giúp phát triển tối đa năng lực của DN để DN có lãi. Tuy nhiên, chính DN có trách nhiệm phải cung cấp cho xã hội những sản phẩm tốt nhất, phải chứng minh được tác dụng tốt để người dân thấy yên tâm khi dùng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:
Giải pháp “tam giác”

Muốn thực hiện thành công cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng thuốc VN” phải dựa vào “ba góc tam giác”, gồm người dân, thầy thuốc kê đơn và chính các nhà sản xuất thuốc. Tuy nhiên, để làm được điều này thì các bác sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc phải thay đổi tư duy khi kê đơn thuốc; Bản thân các DN dược trong nước cũng phải tự làm mới mình, nâng cao trình độ cán bộ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thuốc và tăng cường tuyên truyền, quảng bá để người dân hiểu được những thế mạnh của thuốc sản xuất trong nước. Muốn người dân và cả thầy thuốc tin tưởng, lựa chọn thuốc nội thì thuốc nội phải khẳng định được chất lượng.

Bá Minh (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.