Những thách thức pháp lý mới nhất chống lại Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra có thể khiến bà bị bãi chức và toàn bộ nội các hiện thời cũng phải ra đi, báo The Nation đưa tin.

Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 2/4 đã bỏ phiếu nhất trí xử lý đơn kiện chống lại Thủ tướng Yingluck về cáo buộc xung đột lợi ích khi cách chức người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia Thawil Pliensri.

Ảnh: Reuters

Thông báo của tòa án cho biết: "Chúng tôi đồng ý xem xét đơn kiện Thủ tướng và yêu cầu bà tự biện hộ trong vòng 15 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của tòa án". Nếu bị cho là vi phạm Hiến pháp, bà Yingluck và toàn bộ nội các sẽ bị sa thải vì phê chuẩn quyết định thuyên chuyển ông Thawill.

Đơn kiện Thủ tướng và nội các do một nhóm các thượng nghị sĩ đứng tên. Đơn kiện được trình dựa trên một phán quyết của tòa án hành chính tối cao cho rằng, việc điều chuyển ông Thawill sang làm cố vấn của Thủ tướng là hành động bất hợp pháp.

Nhóm thượng nghị sĩ trên cáo buộc Thủ tướng cách chức ông Thawill để mở đường cho một trong những người họ hàng là Tướng Priewpan Damapong lên thay.

Các chuyên gia pháp lý nhận định, tòa án sẽ mau chóng có phán quyết về vụ việc. Tòa án cho bà Yingluck 15 ngày để bảo vệ mình, song chắc chắn Thủ tướng sẽ yêu cầu có thêm thời gian,

Các nhà quan sát chính trị cho biết, vụ việc trên có thể là một đòn pháp lý chí tử với bà Yingluck và chính phủ tạm quyền hiện nay, vì nếu bị buộc tội vi phạm hiến pháp, bà sẽ tự động mất vị trí hiện thời và toàn bộ nội các của bà cũng phải ra đi.

Giới quan sát tin rằng, tòa án sẽ ra phán quyết chống Thủ tướng Yingluck dựa trên phán quyết của tòa án hành chính tối cao là việc thuyên chuyển ông Thawiln không hợp pháp.

Bà Yingluck nhiều khả năng sẽ chịu chung số phận như cố Thủ tướng Samak Sundaravej, bị bãi chức năm 2008 sau khi Tòa án Hiến pháp phán quyết ông này vi phạm Hiến pháp khi nhận tiền để dạy nấu ăn trên truyền hình trong khi làm thủ tướng. Do phán quyết chống lại ông Samak, toàn bộ nội các của ông cũng được yêu cầu phải từ chức.

Dẫn điều 172 và 173, đơn kiến nghị của các thượng nghị sĩ cho biết, Hạ viện nên phê chuẩn một người phù hợp làm Thủ tướng trong vòng 30 ngày, kể từ khi thủ tướng hiện thời bị cách chức.

Nếu tòa án ra phán quyết bất lợi với bà Yingluck, nó sẽ dẫn tới một lỗ hổng chính trị vì hiện thời Thái Lan không có Hạ viện. Vì vậy, nếu bà Yingluck và toàn bộ nội các phải ra đi do phán quyết, Thái Lan sẽ không có chính phủ.

Một khoảng trống chính trị như vậy sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho những người biểu tình chống chính phủ, vốn đang muốn bà từ chức để mở đường cho một chính phủ mới không thông qua bầu cử.

Bộ trưởng Giáo dục tạm quyền Chaturon Chaisang nói, đợt tấn công pháp lý mới nhất chống bà Yingluck sẽ diễn ra sớm hơn bất cứ vụ việc nào mà cơ quan chống tham nhũng đưa ra.

Ủy ban chống tham nhũng quốc gia đang cân nhắc các cáo buộc xao lãng nhiệm vụ chống lại bà Yingluck liên quan tới chương trình trợ giá gạo. Nếu bị quy tội, bà Yingluck sẽ phải dừng đảm nhiệm các nghĩa vụ Thủ tướng trong khi Thượng viện sẽ quyết định có luận tội bà hay không.

"Khả năng chính phủ bị lật đổ trong tháng này là 50-50", ông Chaisang cho biết.

Hoài Linh (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.