Sau khi đã “thổi bay” cả trăm tỷ đồng của công ty, nhiều sếp lớn hoặc thừa nhận thất bại hoặc qua loa xin lỗi cổ đông.

Thừa nhận thất bại

Dù không phải là sự kiện lớn nhưng việc đại gia Đặng Thành Tâm một lần nữa hủy niêm yết cổ phiếu cũng gây được sự chú ý của nhà đầu tư chứng khoán.

Trong đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 16/6 vừa qua, Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - Saigontel (SGT) của ông Tâm đề xuất thông qua phương án hủy niêm yết tự nguyện. Phương án này sau đã đã được thông qua với đồng thuận cao.

SGT đang phải đối mặt với khoản thua lỗ liên tiếp. Khoản lỗ lũy kế của công ty này đã lên tới hơn 330 tỷ đồng. Từ cuối tháng 5, cổ phiếu SGT bị đưa vào diện kiểm soát do vi phạm công bố thông tin. Hiện SGT đang giao dịch ở mức giá rất thấp, chỉ 2.600 đồng/CP sau 8 phiên giảm sàn liên tiếp.

Trước đó cổ phiếu SQC (Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn) của ông Tâm cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Không chỉ có vậy, các cổ phiếu lớn khác mà ông Tâm nắm giữ như ITA (Tập đoàn Tân Tạo), KBC (Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc) cũng lao đao vì khó khăn.

Thất bại nặng nề khiến đại gia Đặng Thành Tâm đổ bệnh

Nguyên nhân khiến ông Tâm lao đao, bệnh tật chính là việc đầu tư vào ngân hàng. Thất bại này đã được ông thừa nhận nhiều lần.

Ông rất thật thà với với báo giới khi phát biểu: “Ở Việt Nam, ai nghe tới ngân hàng cũng thích lắm, mình cũng thế thôi, cứ thấy người ta ăn khoai thì mình vác mai đi đào. Có một thời kỳ người ta đổ xô mua cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán và cứ nhắm mắt mua là lãi. Đến giờ thì không ai dám tham gia nữa, cả nền kinh tế hôm nay gánh hậu họa vì đã mù quáng lao như vậy, tôi cũng thế thôi”.

“Bài học chúng tôi tự rút ra cho mình là lĩnh vực gì mình hay nhất thì nên tập trung cho nó, dù nó có lời nhiều lời ít nhưng bao giờ cũng chắc ăn, vì mình kiểm soát được, mình biết được. Còn những lĩnh vực khác không hiểu thì không nên ham. Chẳng hạn đầu tư tài chính, mình không hiểu nên rót vốn xong cứ phải ngồi chết khô chờ ông khác. Để mình phải phụ thuộc người khác như vậy thì chẳng còn cái dại nào bằng” - Ông chia sẻ thêm.

Vị đại gia này thừa nhận thất bại với sự chua xót: “Chả ai muốn nói mình là thất bại, nhưng nói không thành công cũng chỉ là lịch sự thôi. Không riêng gì ngân hàng, mà hoạt động đầu tư tài chính nói chung của chúng tôi hoàn toàn không thành công, thậm chí lỗ nặng.

Nói thật, nếu không vướng ngân hàng thì chúng tôi không khổ thế này. Khu công nghiệp dù khó khăn chúng tôi vẫn thu tiền đều đều, dù ít vẫn có lãi, vẫn ung dung hơn nhiều. Tự dưng sa đà vào cái đó, giờ thì thất bại, phải tự rút kinh nghiệm thôi”.

Thừa nhận thất bại một cách nhẹ nhàng hơn khi Habubank sáp nhập vào SHB nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị Habubank Nguyễn Văn Bảng vẫn không giấu được tiếc nuối, xót xa.

Ông chia sẻ: "Dù tôi rất hối tiếc về lịch sử và thương hiệu của Habubank trong hơn 20 năm qua nhưng nếu chỉ vì luyến tiếc mà không dám nhìn thẳng vào thất bại thì không tiến lên được. Cá nhân tôi phải đặt lợi ích của cổ đông lên trên hết. Một khi Habubank đã ở vào vị trí và mức độ cần phải biến đổi thì phải dũng cảm làm vậy".

Trong khi đó, dù không “thổi bay” đồng vốn nào của FPT nhưng ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn này lại thừa nhận thất bại trong chuyển giao thế hệ.

Sau khi thực hiện chuyển giao thế hệ thông qua việc cho các “tướng” trẻ như ông Nguyễn Thành Nam, ông Trương Đình Anh nắm giữ cương vị Tổng giám đốc không thành công, ông Bình thừa nhận rằng, FPT đang nhỡ nhàng trong các kế hoạch chuyển giao thế hệ lãnh đạo.

“Nếu không chuyển giao lãnh đạo, FPT không thể trường tồn được. Tiếc là, FPT nhận thức vấn đề này hơi muộn, nếu mọi việc được thực hiện từ 10 năm trước, kết quả sẽ tuyệt vời” - ông Bình nuối tiếc.

“Rủ nhau” xin lỗi cổ đông

Ông Đặng Thành Tâm, Nguyễn Thành Phương, Đoàn Đức Vịnh đều thừa nhận thất bại

Ở mức độ “cao” hơn, sau khi đem về cho công ty khoản lỗ khủng cho công ty, nhiều sếp lớn đã lên tiếng xin lỗi cổ đông. Tuy nhiên, những lời xin lỗi đều khá chung chung, “đổ lỗi” cho điều kiện kinh tế khó khăn.

Trong đại hội cổ đông thường niên 2013 của Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam- Vinaconex (VCG) sáng 25/4, Tổng giám đốc Vũ Quý Hà cho biết doanh lỗ hơn 619 tỷ năm 2012. Chủ tịch hội đồng quản trị đã xin lỗi vì vì đặt mục tiêu kinh doanh quá cao nhưng lại chưa thực hiện được.

Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) cũng chỉ gửi tới toàn thể cổ đông lời xin lỗi chân thành nhất vì đã cố gắng, nỗ lực hết mình nhưng vẫn không hoàn thành nhiệm vụ ĐHCĐ giao phó. Năm 2012, TSC lỗ 59 tỷ đồng.

Trong quá trình giải thể công ty chứng khoán Âu Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đoàn Đức Vịnh đã thay mặt công ty gửi lời xin lỗi tới cổ đông vì không làm tròn bổn phận chủ tịch của một công ty chứng khoán, để công ty thua lỗ nhiều năm, kinh doanh không hiệu quả

Trong khi đó, lãnh đạo Công ty chứng khoán Vndirect tỏ ra “dũng cảm” hơn cả khi thẳng thắn thừa nhận kết quả kinh doanh yếu kém là do lãnh đạo từng mắc nhiều sai lầm trong quá khứ gây nên tổn thất. Tuy nhiên, đây chính là kinh nghiệm quý báu để công ty tìm ra hướng đi đúng đắn và an toàn trong thời gian tới.

Thanh Hà (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.