Mua đứt một thị trấn và trở thành thị trưởng Việt đầu tiên ở Mỹ, đổi tên thị trấn, liệu tinh thần “không gì không thể” có đưa ông Phạm Đình Nguyên đến với những chân trời mới, như cú “buzz” marketing ngoạn mục mà ông đã thực hiện khiến cho nhiều người phải ngỡ ngàng?
Ông Phạm Đình Nguyên trả lời truyền thông nước ngoài.
Mua đứt một thị trấn và trở thành thị trưởng Việt đầu tiên ở Mỹ, đổi tên thị trấn, liệu tinh thần “không gì không thể” có đưa ông Phạm Đình Nguyên - thị trưởng thị trấn Buford (Mỹ), Chủ tịch HĐQT Công ty PhinDeli - đến với những chân trời mới, như cú “buzz” marketing ngoạn mục mà ông đã thực hiện khiến cho nhiều người phải ngỡ ngàng?

“Không liều, sẽ không dám chơi trò cảm giác mạnh”

Từ một doanh nhân sở hữu công ty nhỏ ở Việt Nam, sau một đêm bỗng trở thành chủ sở hữu kiêm thị trưởng thị trấn Buford với dự án PhinDeli đang triển khai, tâm trạng của anh bây giờ như thế nào?

Không lùi được, tôi giống như cưỡi trên lưng hổ, đang phóng với tốc độ điên cuồng. Không thể nói là không lo lắng, nhưng tôi thấy hứng khởi với chuyện đó, và có niềm tin mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Tôi nghe kể, anh đã đi lên từ vị trí nhỏ nhất ở Coca Cola…

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM khoa Marketing, việc 7 năm ở Coca Cola, trải qua nhiều vị trí, từ giám sát, bán hàng, marketing, trải qua rất nhiều đời sếp, vào đúng thời điểm mà cuộc chiến giữa Coca Cola và Pepsi trở nên khốc liệt nhất, đã tạo cho tôi bản lĩnh không biết sợ gì hết.

Lúc đó mình còn trẻ, lại có môi trường cực kỳ khắc nghiệt để học, nên chẳng ngại việc gì dù là nhỏ nhất, từ khuân vác, xuống hàng với anh em, đến những sự kiện ca nhạc mười mấy ngàn người khắp các tỉnh thành từ Nam chí Bắc…

Một trong những chuyện điên rồ nhất mà tôi không bao giờ quên. Đó là lần giám đốc cấp cao của Coca Cola toàn cầu sang thăm Việt Nam. Con đường đầu tiên mà ông xuống sân bay là đường Trường Sơn, có rất nhiều quán ăn uống bên đường trưng bảng hiệu của các hãng nước giải khát. Pepsico dường như biết trước chuyện này, nên đã “phủ xanh” hết con đường bằng bảng hiệu Pepsi.

Sếp nói với tôi: “Anh muốn em đêm nay phải biến đường Trường Sơn thành màu đỏ của Coke hết”. Trong một đêm, tôi huy động toàn bộ lực lượng thuyết phục từng của hàng gỡ hết biển xanh, chuyển sang biển đỏ. Sáng hôm sau cả con đường đỏ rực bảng hiệu của Coca Cola. Việc này có lẽ đã khiến cho vài bạn ở Pepsi bị khiển trách, vì họ không nghĩ trong một đêm chúng tôi có thể làm được chuyện đó.

Nay, trở thành thị trưởng, nhưng tôi vẫn cùng anh em làm náo động cả chợ Bến Thành để tiếp thị giới thiệu sản phẩm cà phê hòa tan mới của PhinDeli. Tôi muốn mọi người biết nhiều hơn về PhinDeli và có cơ hội thưởng thức nó, nên chẳng có gì ái ngại. Đó là cách làm hiệu quả với chi phí hợp lý nhất.

Vốn là người hơi nhút nhát, công việc kinh doanh dường như đã thay đổi hẳn con người anh?

Tôi rất thích đọc sách và xem cách làm marketing của những thương hiệu lớn thế giới cũng như Việt Nam như Coca Cola, Nokia. Còn Number One, X-Men nhìn vào cứ tưởng đó là thương hiệu 100% của nước ngoài, tìm hiểu mới biết đó là thương hiệu Việt.

Marketing đóng vai trò quan trọng với bất kỳ thương hiệu nào, mặc dù tiêu chí đầu tiên vẫn là chất lượng. Ai cũng thích sự bất ngờ, kỳ diệu, nhưng nếu không liều lĩnh sẽ không dám chơi những trò cảm giác mạnh.

Môi trường kinh doanh vốn rất khắc nghiệt. Bất kỳ ai cũng chỉ có hai lựa chọn, một là phải vượt qua thách thức, hai là bị đào thải. Có lẽ những trải nghiệm trong kinh doanh đã thấm vào tôi từ từ, biến đổi hẳn con người mình. Tôi chọn cách bước qua sự cẩn trọng của mình để tiến lên.

Sự nhạy cảm về marketing của anh được hình thành do đâu?

Thời ở Coca Cola và Nokia đã giúp tôi học được rất nhiều về cách quản lý, cách xây dựng hệ thống phân phối, cách biến những mục tiêu lớn khiến cho mọi người đi theo mục tiêu đó. Các công ty nước ngoài rất mạnh về điều đó, mục tiêu rất kiên định.

Thời ở ICP lại giúp tôi hiểu sự vận hành toàn bộ hệ thống một công ty Việt Nam chuyên nghiệp. Lúc đó ICP chưa là một công ty lớn nhưng minh bạch, có bản sắc riêng.

Tôi ấn tượng mạnh bởi cách sáng tạo đặc biệt của anh Phan Quốc Công, khả năng truyền cảm hứng và tầm nhìn của anh đã đưa X-Men từ một thương hiệu nhỏ trở thành thương hiệu dẫn đầu trong ngành dầu gội nam giới.

Trong khi đó, Kinh Đô lại mang phong cách kinh doanh rất đặc trưng của người Hoa. Anh Trần Kim Thành là người có khả năng giải thích những vấn đề phức tạp bằng những cách đơn giản nhất, khả năng dẫn dắt thị trường trong mùa Trung Thu của anh thật tuyệt vời..

Cả hai đều là linh hồn của thương hiệu. Hai người anh, hai người thầy này đã cho tôi những góp ý thiết thực mỗi khi khó khăn. Những mối quan hệ, những bài học, và sự quý mến của mọi người đã giúp tôi đỡ tốn “học phí” rất nhiều khi lập công ty riêng.

“Có những chuyện thuộc về định mệnh”

Làm thế nào anh tìm được cách đi khác biệt cho riêng mình?…

Cơ duyên dẫn tôi đến quyết định mua thị trấn Buford chính là cuốn sách BUZZ marketing, viết về cách “tạo sóng” cho thương hiệu qua những chuyện “không gì là không thể”. Đó là chiêu gây sốc như đổi tên thị trấn…

Đây cũng là cuốn sách tạo nền cho tôi đeo đuổi ý tưởng điên rồ mua thị trấn Mỹ, rồi đổi tên sang thị trấn cà phê Việt PhinDeli.
Tháng 4/2012, tôi lên đường tham gia đấu giá mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ. Đây chính là cơ hội ngàn năm có một cho tôi làm “buzz marketing”. Trong thời đại Internet, câu chuyện một người Việt thắng cuộc đấu giá với hàng chục quốc gia tham dự đã lan truyền khắp thế giới.

Ít ai biết trước khi đi, bạn bè tôi đều cản, nghĩ tôi không thể thắng được cuộc đấu giá này, vì thị trường Mỹ rất phức tạp, có thể vừa mất tiền, vừa mất công.

Tôi cũng chưa bao giờ đi Mỹ, khi tôi mua vé đến Buford (thuộc thành phố Cheyenne, bang miền tây Wyoming), chính cô bán vé còn hỏi có chắc anh muốn đến Wyoming không? Có những chuyện thuộc về định mệnh.
Trong 900 ngàn USD mua thị trấn, anh đã phải vay mượn không ít? Sau khi mua, áp lực lớn nhất với anh là gì?

Đúng vậy, và vẫn còn nợ chưa trả hết. Nhưng theo cảm nhận của riêng tôi, những sự kiện như thế bỏ rất nhiều tiền cũng không mua được.

Sau khi mua thị trấn, có lẽ áp lực lớn nhất của tôi chính là sẽ làm gì với nó. Ban đầu tôi tính làm nông sản, nhưng mới phác thảo thấy không khả thi. Cà phê đến khá tình cờ, đọc một báo cáo nước ngoài thấy thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới là Mỹ, thị trường cà phê xuất khẩu lớn thứ nhì thế giới là Việt Nam, tôi thấy đây chính là điều mình phải làm.

Dù lúc đó không biết nhiều về cà phê, nhưng tôi nghĩ không gì là không thể nếu mình thật sự muốn.

Đổi tên thị trấn là cách giới thiệu cà phê ra thị trường Mỹ rẻ nhất, hiệu quả nhất, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. "Phin" trong PhinDeli là cái phin để pha cà phê, biểu tượng của cách chế cà phê độc đáo chỉ có ở Việt Nam. "Deli" là chữ viết tắt của "Delicious", nghĩa là ngon. Ghép lại có nghĩa là “cà phê phin ngon”.

Người dân địa phương bang Wyoming không muốn đổi tên một thị trấn đã có hơn 145 năm lịch sử! Họ lên diễn đàn viết thư phản đối. Có người còn dọa “lấy súng ra lau”. Tôi đã tìm tới thị trưởng cũ Don Sammons nhờ ông làm đồng thị trưởng, giao cho ông việc vận động người dân và quản lý kinh doanh.

Ông từng là cựu chiến binh ở Việt Nam, theo đạo Phật, hiểu rất rõ cuộc chiến tranh phi nghĩa, và đã từng viết sách bán rất chạy. Ông giống như một người bạn, giỏi marketing và rất tài hoa. Nhờ sự vận động của ông mà thị trấn đã mang tên PhinDeli Town Buford, vừa gìn giữ được lịch sử, vừa rất mới mẻ.

“Thắng thì cùng cười, thua thì cười trừ”

Phải chăng việc tiếp thị ở Mỹ chính là để phục vụ cho thị trường Việt Nam?

PhinDeli mới một năm tuổi, tham vọng của tôi là tạo dựng một thương hiệu mang tầm khu vực. Đây là giấc mơ lớn, vì phần lớn cà phê Việt chỉ xuất thô, xuất qua tiểu ngạch, hiếm có thương hiệu nào bước ra thế giới…

Nhiều doanh nghiệp cũng liên hệ với tôi để tấn công vào thị trường Mỹ, nhưng hãy để tôi có thời gian, cho cái cây của mình “mọc rễ” vững vàng đã. Kinh doanh phải biết cái gì cần liều lĩnh, cái gì cần cẩn trọng, không thể bốc đồng.

Hình như Kinh Đô đã mua đứt PhinDeli?

Chúng tôi có ký hợp đồng hợp tác nguyên tắc, nhưng sau một thời gian thấy còn nhiều điểm chưa phù hợp. PhinDeli cần triển khai phát triển sản phẩm mới và một hệ thống phân phối có thể tập trung để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất. DKSH là một lựa chọn, và tôi hy vọng chúng tôi có thể giới thiệu thành công sản phẩm của mình.

Slogan “Không gì là không thể” có làm cuộc sống của anh trở nên ngột ngạt vì áp lực?

Đó là tinh thần đột phá, có thể vượt qua chính bản thân mình. Nó tạo động lực để tôi vượt qua khó khăn và truyền cảm hứng cho tất cả nhân viên…

Tôi vốn là người rất bình thường, sinh ra trong một gia đình bình thường, khi đi lên từ khó khăn, khắc nghiệt, để rèn luyện tính cách của mình thì chính niềm tin đã giúp tôi vượt qua những giới hạn.

Sống hết mình, sống đàng hoàng thì một lúc nào đó cuộc sống sẽ trả lại mình, đó là niềm tin cho tôi sức mạnh bên trong, đó cũng là giá trị cốt lõi. Tôi có cơ hội trải nghiệm khóa học Landmark Leadership. Nó giúp tôi biến đổi, giúp tôi hiểu được bản thân mình, cuộc sống.

Tất cả sức mạnh là tìm ra sự cân bằng nơi tâm. Có những khi nào hoang mang, cô độc, không vui, tôi ngồi xuống, viết ra tất cả những hoang mang đó và tự hỏi nó có thật không? Có ghê gớm như mình nghĩ không? Câu trả lời sẽ đến. Nó không có thật, do mình tự diễn giải ra thôi.

Đó là cách tôi tự thoát ra những cái bẫy không có thật trong cuộc sống.

Trước những quyết định khá “điên rồ” của anh, vợ anh có phản ứng gì không?

Nhiều khi cũng không đồng ý nhưng cuối cùng cô ấy vẫn tin là tôi sẽ làm được. Làm ăn có thắng, có thua, thắng thì cùng cười, thua thì cười trừ, đứng lên “hít sâu thở mạnh” và làm cái khác thôi.
Kim Yến (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Phạm Đình Nguyên: Mua thị trấn ở Mỹ là một định mệnh

    Phạm Đình Nguyên: Mua thị trấn ở Mỹ là một định mệnh

    24/06/2015 8:07 AM

    Phạm Đình Nguyên – Tổng giám đốc Công ty PhinDeli Việt Nam, cách đây ba năm đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước khi đấu giá thành công Buford – thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ thuộc bang Wyoming. Không ít người nghĩ anh cố tình “gây sốc” để nổi tiếng.

  • Gặp người Việt mua thị trấn Mỹ

    Gặp người Việt mua thị trấn Mỹ

    28/04/2015 4:31 PM

    Tháng tư này, chàng trai sinh năm 1975 Phạm Đình Nguyên tròn 40 tuổi. Ra đời vào thời khắc đất nước thống nhất, ở tuổi 40 chàng trai gốc Sài Gòn này đã làm được nhiều điều khiến không ít người mơ ước. Không chỉ nổi danh ở quê hương, ông giờ là chủ nhân của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ Buford sau khi đấu giá thành công với số tiền gần 1 triệu USD.

  • Phạm Đình Nguyên không gì là không thể!

    Phạm Đình Nguyên không gì là không thể!

    16/02/2015 10:12 AM

    Tinh thần “Không gì không thể” đã giúp Phạm Đình Nguyên vượt mặt nhiều "ông lớn" để trở thành thị trưởng người Việt đầu tiên của một thị trấn Mỹ. Tinh thần dám thách thức ấy đang tiếp lửa cho anh trong cuộc khởi nghiệp với cà phê PhinDeli.

  • Thị trưởng Việt đầu tiên tại Mỹ: “Có những chuyện thuộc về định mệnh”

    Thị trưởng Việt đầu tiên tại Mỹ: “Có những chuyện thuộc về định mệnh”

    03/12/2014 10:43 AM

    Mua đứt một thị trấn và trở thành thị trưởng Việt đầu tiên ở Mỹ, đổi tên thị trấn, liệu tinh thần “không gì không thể” có đưa ông Phạm Đình Nguyên đến với những chân trời mới, như cú “buzz” marketing ngoạn mục mà ông đã thực hiện khiến cho nhiều người phải ngỡ ngàng?

  • Kinh Đô bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại

    Kinh Đô bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại

    11/11/2014 1:41 PM

    Nếu được các cổ đông thông qua, đây sẽ được coi là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử ngành bánh kẹo Việt Nam.

  • Phạm Đình Nguyên bắt tay Trần Lệ Nguyên: Liệu có còn nguyên?

    Phạm Đình Nguyên bắt tay Trần Lệ Nguyên: Liệu có còn nguyên?

    08/07/2014 2:04 PM

    Khi ông chủ thương hiệu cà phê Phindeli Phạm Đình Nguyên quyết định bắt tay hợp tác với Trần Lệ Nguyên của bánh kẹo Kinh Đô, vị thế thương hiệu cà phê PhinDeli trên thị trường ra sao vẫn là một ẩn số. Nhưng với vai trò là cổ đông chiến lược nắm cổ phần chi phối, khả năng Kinh Đô “ẵm trọn” PhinDeli là rất lớn.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.