Áp lực từ mô hình kinh doanh mới buộc các doanh nghiệp (DN) kinh doanh taxi lớn của Việt Nam như Vinasun, Mai Linh... phải thay đổi.
Sụt giảm doanh số
Mô hình taxi truyền thống đang chịu ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ từ mô hình kinh doanh mới.
Mặc dù kết thúc năm 2014, Vinasun đạt tổng doanh thu 3.770 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2013, lợi nhuận sau thuế đạt 314 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước nhưng lãnh đạo Công ty Vinasun cho biết vẫn rất khó khăn, đặc biệt là sau sự xuất hiện của Uber, Grab Taxi...
Chia sẻ tại đại hội cổ đông Vinasun diễn ra trong tháng 4, Chủ tịch HĐQT Đặng Phước Thành cho biết, trong năm 2014, Công ty gặp nhiều khó khăn khi xăng thay đổi 17 lần, phí đường bộ, bảo hiểm xã hội tăng cùng với sự cạnh tranh không lành mạnh đã tạo áp lực rất lớn cho công ty.
Sự cạnh tranh không lành mạnh mà ông Thành đề cập chính là sự xuất hiện của Uber với việc tung ra chính giá rẻ kèm khuyến mãi đã kéo khách hàng sử dụng dịch vụ.
Theo lãnh đạo của DN này, có 4 nguyên nhân có thể khiến lợi nhuận năm 2015 của Công ty giảm mà một trong số đó đến từ Uber, thương hiệu đang đang phát triển mạnh tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Đó cũng là lý do khiến Vinasun đặt chỉ tiêu doanh thu năm nay chỉ tăng 3% và lợi nhuận giảm 15%.
Cũng như Vinasun, Mai Linh - đơn vị sở hữu hơn 11.000 taxi sau thời gian tái cơ cấu, tăng cường dịch vụ nhưng doanh thu tăng không đáng kể.
Nếu như năm 2013, lợi nhuận hợp nhất của Mai Linh đạt 10,3 tỷ đồng thì năm 2014, dù đã đầu tư thêm hơn 1.400 xe mới, trang bị công nghệ (lắp đặt định vị vệ tinh) nhưng doanh thu hợp nhất cũng chỉ đạt 2.740,7 tỷ đồng và 33,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Theo các chuyên gia trong ngành, với sự đầu tư lớn cộng với việc tái cấu trúc toàn bộ hoạt động thì doanh thu mà Mai Linh đạt được vẫn chưa tương xứng. Và một trong những lý do chính cũng đến từ mô hình kinh doanh taxi hiện đại với ứng dụng công nghệ thông minh từ các đối thủ nước ngoài.
Trong khi hai "ông lớn" trong ngành đang bị chia thị phần bởi các DN kinh doanh taxi trực tuyến thì các thương hiệu nhỏ càng khó hơn. Tại Hà Nội, nhiều hãng đã dừng hợp tác, cấm tài xế sử dụng dịch vụ của Grab Taxi để kết nối với hành khách.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Quân - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại Thiên Phong (Taxi Thành Công) thì nguyên nhân là do gần đây, có rất nhiều xe trong hệ thống Grab Taxi không có logo taxi của hãng làm ảnh hưởng đến uy tín của các DN tham gia vào hệ thống này.
Việc hành khách kết nối với các lái xe thông qua ứng dụng Grab Taxi khiến các hãng mất dần thương hiệu vì hành khách không biết taxi đó của hãng nào mà chỉ nghĩ đó là xe của Grab Taxi.
Chỉa sẻ về vấn đề này, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho rằng, thị trường taxi hiện nay có dấu hiệu bất thường, trong đó vấn đề cạnh tranh thiếu bình đẳng và ranh giới giữa tôn trọng pháp luật và lách luật đang là trở ngại cho sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực này.
Sự ra đời của Uber, Grab Taxi..., xét ở góc độ khoa học - công nghệ đơn thuần thì đó là tín hiệu mừng cho lĩnh vực vận tải nói chung và taxi nói riêng.
Nhưng trên thực tế, cả hai "ông lớn" này đã và đang gây rối loạn thị trường khi cung cấp dịch vụ gắn kết cung cầu cho các xe và lái xe ngoài xã hội - những lái xe không đủ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật.
"Việc kinh doanh thiếu minh bạch là hành vi tước đoạt nguồn khách vốn dĩ đang là của taxi truyền thống. Mặt khác, do né tránh được nhiều nghĩa vụ với Nhà nước, với khách hàng (thuế, bảo hiểm...) đã giúp họ giở chiêu giá rẻ để gây khó cho taxi truyền thống", ông Tạ Long Hỷ nói.
Tăng cạnh tranh
Trước áp lực này, ông Tạ Long Hỷ, cho biết, các thành viên Hiệp hội Taxi TP.HCM một mặt phải nâng cấp chất lượng dịch vụ song song với việc nghiên cứu để từng bước ứng dụng công nghệ số vào việc quản lý, điều hành.
"Các DN kinh doanh taxi phải tự thân vận động để đi lên nhưng các DN cung cấp ứng dụng điều hành taxi phải cung cấp cho đúng đối tượng, sự cạnh tranh phải trên cơ sở pháp luật, bằng pháp luật thì thị trường taxi mới có cơ may phát triển lành mạnh", ông Tạ Long Hỷ nói.
Không muốn mất thị phần trong vận tải, nhiều hãng taxi truyền thống đang phát triển thêm dịch vụ này. Sớm nhất có lẽ là Mai Linh. Nhận thấy sự cạnh tranh khủng khiếp từ các đối thủ ứng dụng công nghệ thông minh, đầu năm nay, Mai Linh đã ra mắt phần mềm Mai Linh Taxi-Vietek.
Phần mềm này được ứng dụng trên điện thoại thông minh và giúp khách hàng gọi taxi nhanh chóng và thuận tiện.
Ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty Mai Linh, cho hay, việc cho ra ứng dụng này giúp Công ty điều hành và quản lý tài xế tốt hơn đồng thời cũng giúp khách hàng và tài xế rút ngắn thời gian trong các khâu gọi xe, thanh toán và kiểm soát số km...
Đua theo xu hướng và cũng để gia tăng sức cạnh tranh, hạn chế thị phần bị chia sẻ, Vinasun đưa vào ứng dụng gọi xe taxi Vinasun App chạy được trên tất cả các hệ điều hành. Khách hàng sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về xe, tài xế, giá cả, giờ đón...
So với những ứng dụng khác, Vinasun App cung cấp nhiều tính năng nổi trội hơn như cho phép khách hàng đặt xe trước (hẹn giờ đón), theo dõi được số tiền cước phí trên Vinasun App nhờ đồng bộ với đồng hồ cước trên xe.
Đặc biệt, khách hàng có thể lựa chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt, coupon, thẻ thanh toán quốc tế (Visa, Master Card...), thẻ thanh toán nội bộ (ATM), thẻ thanh toán của Vinasun...
Chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống hỗ trợ ứng dụng Vinasun Taxi, gồm: server, hệ thống GPS và khoảng 6.000 máy tính bản cho taxi khoảng 60 tỷ đồng và phí thuê bao 3G hằng tháng là 2 tỷ đồng.
Bước đi của Vinasun là khá kịp thời. Công nghệ cho phép họ tiếp cận với khách hàng theo phương thức mới bên cạnh kênh tổng đài truyền thống nhiều năm qua và việc sử dụng phần mềm quản lý taxi thông qua máy tính bảng hay smartphone giúp công ty tăng cường giám sát khâu điều hành xe và quản lý hành trình.
Sau hơn 1 tháng triển khai thí điểm tại Đà Nẵng, Vinasun rất tự tin vào công nghệ mới. Theo đại diện Vinasun, phần mềm này đủ khả năng cạnh tranh, thậm chí còn tốt hơn Uber vì ứng dụng đơn giản cho mọi tầng lớp, ngay cả những người không có điện thoại thông minh.
Cụ thể, khách hàng không có smart phone sẽ gọi đến tổng đài, bộ phận trực này sẽ kết nối với App rồi chuyển lại thông tin chi tiết cần thiết qua tin nhắn cho khách hàng. Dự báo, doanh số từ ứng dụng này sẽ giúp Công ty tăng trưởng mạnh, giá cước cho người dùng cũng sẽ cạnh tranh hơn.
Không chỉ đầu tư công nghệ, cả Vinasun và Mai Linh còn tăng số lượng đội xe. Trong kế hoạch năm 2015, Vinasun tăng thêm ít nhất 1.100 xe mới lên 6.129 xe vào cuối năm nay. Công ty cũng lên kế hoạch tăng tỷ lệ xe 7 chỗ lên 57% trong năm 2015. Trong khi đó, Mai Linh tăng thêm 1.433 xe mới.
"Mai Linh sẽ tăng thêm 603 tỷ đồng vốn điều lệ để bổ sung vốn kinh doanh đồng thời đầu tư phương tiện mới bằng nhiều hình thức, như hợp tác đầu tư, vốn của DN, vốn vay của ngân hàng để chiếm lĩnh lại thị trường", ông Hồ Huy chia sẻ.
Mới đây nhất (vào đầu tháng 9), Hãng taxi Phú Quốc (Kiên Giang) cũng đã ứng dụng mô hình taxi cảm ứng Vrada để phục vụ khách du lịch và người dân địa phương.
Đây là sản phẩm công nghệ kết hợp giữa một công ty công nghệ chuyên về các giải pháp giao thông - vận tải tại TP.HCM cùng nhà mạng Vinaphone triển khai độc quyền cho thương hiệu Taxi Phú Quốc.
Cũng như các ứng dụng đang được các hãng sử dụng, App Vrada tận dụng GPS và công nghệ di động để cung cấp các giải pháp kết nối giữa khách hàng, tài xế và nhà điều hành hãng xe.
Theo ông Peter Nguyễn, đại diện truyền thông của Vrada, ứng dụng này giúp nhà xe tiết kiệm chi phí điều phối, từ đó, đưa ra mức phí rẻ hơn cho khách hàng, và cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ sở pháp lý để kiểm soát do Vrada chỉ hợp tác với các đơn vị đủ điều kiện tham gia vận chuyển theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hồng Nga - Ý Nhi (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Thị trường taxi: Xoay chuyển theo thời cuộc

    Thị trường taxi: Xoay chuyển theo thời cuộc

    14/09/2015 10:37 AM

    Áp lực từ mô hình kinh doanh mới buộc các doanh nghiệp (DN) kinh doanh taxi lớn của Việt Nam như Vinasun, Mai Linh... phải thay đổi.

  • Thị trường taxi: Cuộc đua công nghệ

    Thị trường taxi: Cuộc đua công nghệ

    10/09/2015 10:28 PM

    Ứng dụng đặt taxi qua smartphone đang làm nóng thị trường khi các thương hiệu Uber, Grab Taxi, Easy Taxi... liên tục đầu tư cải tiến công nghệ, buộc các hãng truyền thống như Vinasun, Mai Linh... dù đang thống lĩnh thị trường phải thay đổi phương thức kinh doanh.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.