Thị trường điện máy đang chứng kiến nhiều đại gia liên tiếp mở thêm siêu thị mới. Liệu đây có phải là động thái đón đầu do kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường hay các DN phải cố chạy theo đối thủ ?
Nhiều DN kinh doanh bán lẻ điện máy đang rơi vào thế nguy hiểm do thua lỗ kéo dài

Theo một số điều tra, thị trường công nghệ - điện tử trong quý III/2013 đạt mức tăng trưởng 17,9%. Nhưng cũng không khó để nhận thấy việc mở thêm nhiều siêu thị mới của một số DN không hẳn vì tài chính dư dả hay nhu cầu tăng cao...

Buộc phải mạo hiểm

Nửa cuối tháng 10/2013, tại miền Bắc, ba DN điện máy lớn là Pico, Media Mart và Trần Anh liên tục khai trương siêu thị mới. Trong khi Pico mở siêu thị thứ 6 tại Giảng Võ (Hà Nội), thì Media Mart mở siêu thị thứ 7 tại đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) và bắt đầu tấn công vào thị trường Hải Phòng với siêu thị thứ 8, còn Trần Anh mở siêu thị thứ 9 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Trong cuộc đua này, Trần Anh là DN mở nhiều siêu thị nhất năm 2013. Trước đó, quý II, Trần Anh đã mở thêm ba siêu thị mới.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc maketing của Media Mart cho biết, dù mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhưng chưa có nhà bán lẻ nào chiếm quá 10% thị phần điện máy ở thời điểm hiện tại. Vì thế, cơ hội vẫn đang rộng mở cho các DN vươn lên chiếm lĩnh thị phần.

Tuy nhiên, một số quan điểm khác lại cho rằng, nếu đối thủ mở siêu thị ở khu vực đông dân cư, sức mua lớn mà không mở theo sẽ dẫn đến nguy cơ mất thị phần. Bởi khi một trung tâm mua sắm nào đó tạo được thói quen cho người tiêu dùng, siêu thị mới mở rất khó thay đổi thói quen đó.

“Việc mở rộng quy mô vào lúc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi sức mua đang rơi, doanh số sụt giảm từng ngày... mà chưa biết cách nào để vực dậy” - ông Đinh Anh Huân - TGĐ Dienmay.com nhận xét. Theo ông Huân, mở rộng thị trường là quyết định tham gia cuộc chiến “một mất, một còn”. Nhiều DN điện máy đang rơi vào tình thế nguy hiểm.

Tự mình hại mình

Điển hình cho nhận định trên là việc Trần Anh vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2013. Theo đó, dù doanh thu từ bán hàng của Trần Anh đạt 481 tỉ đồng, tăng 10% so với quý trước, Cty vẫn lỗ lớn. Nguyên nhân lỗ được ghi nhận là do chi phí bán hàng tăng vọt so với quý trước. Chi phí bán hàng quý III của Trần Anh là 45,9 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mở một siêu thị điện máy theo mô hình đại siêu thị như Trần Anh đòi hỏi chi phí rất lớn. Việc Cty liên tục mở thêm những siêu thị điện máy mới trong thời gian qua góp phần làm doanh thu tăng nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí. Kết quả, Trần Anh đã lỗ tới 11,4 tỉ đồng trong quý III năm nay. Đây là quý đầu tiên kể từ khi niêm yết đầu năm 2010, Cty thua lỗ. Lũy kế 9 tháng 2013, Trần Anh lãi sau thuế vỏn vẹn 420 triệu đồng, giảm mạnh so với mức hơn 25 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ dừng lại ở việc giảm lợi nhuận, từ 2011 đến nay, mỗi năm thị trường điện máy lại chứng kiến sự ra đi của một đại gia điện máy. Bắt đầu với những khoản đầu tư hoành tráng, khuyến mãi "khủng" để rồi cuối cùng đau đớn rời "cuộc chơi" trong nợ nần chồng chất như WonderBuy (6/2011), Best Carings (cuối năm 2012) và HomeOne (09/2013).

Vì sao ?

Nguyên nhân chung khiến các đại gia nêu trên phải ra đi khỏi thị trường, được các chuyên gia tổng kết lại là do không quản lý được chi phí. Những DN này đều thuê mặt bằng ở những nơi có giá cao, mở những siêu thị hoành tráng, nhưng không đạt được doanh số trên m2 như mong muốn. Chẳng hạn như Wonderbuy thuê tại ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng, có chi phí lên tới 25 USD/m2 được cho là quá cao. Chi phí mặt bằng thường chiếm tới 50% tổng chi phí của các siêu thị. Theo tính toán sơ bộ, để có hiệu quả thì doanh số tính trên m² diện tích sàn ở mức 80-100 triệu đồng/tháng, nhưng với các siêu thị này doanh số thu được ngày càng giảm, chỉ đạt là 30 triệu đồng/m²/tháng, vì thế mà kinh doanh không có hiệu quả.

Việc mở rộng quy mô các siêu thị điện máy lúc này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài ra là thiếu đội ngũ nhân sự lành nghề và kinh nghiệm, thiếu tầm nhìn, thậm chí kém về năng lực; lãnh đạo hay thay đổi các quyết định. Hơn nữa, với những siêu thị này, hệ thống phần mềm quản lý bán hàng quá kém, vòng quay vốn kéo dài, hàng kho tăng cao, đến giới hạn cuối cùng, không kham nổi, đành phải "bỏ cuộc chơi".

Một nguyên nhân quan trọng nữa là DN kinh doanh chưa đâu vào đâu đã khuyến mãi ầm ĩ, khuyến mãi khủng với giá rẻ, giảm giá mạnh (thậm chí đến 50%), nhưng phần lớn hàng giảm giá là hàng bị lỗi kỹ thuật, trầy xước, cần thanh lý... từ đó làm mất uy tín thương hiệu.

Kinh tế khó khăn, tiêu dùng suy giảm, cạnh tranh khốc liệt, nếu không xây dựng được nền tảng kinh doanh vững chắc thì thua lỗ, phá sản là điều khó tránh khỏi.

Giới kinh doanh cho biết hiện có khoảng 3 "ông lớn" trong lĩnh vực kinh doanh điện máy có hệ thống siêu thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đang ngắc ngoải với những khoản nợ lớn, bị ngân hàng cảnh báo, nhà cung cấp phong tỏa, nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê mặt bằng, hàng tồn kho chất đống, khách vắng lặng... sắp ra đi trong thời gian tới.

Ông Lê Phạm Anh Thy - GĐ tiếp thị trung tâm mua sắm Sài Gòn, Nguyễn Kim: Cần chiến lược hợp lý

Để tồn tại được trong nhóm hàng điện máy, phải hội đủ năm điều kiện: thương hiệu lớn, tài chính mạnh, đủ kinh nghiệm quản lý, chính sách hậu mãi tốt và được sự hỗ trợ của các nhà sản xuất. Khách hàng bây giờ tinh ý lắm, nếu hệ thống nào không chu đáo hậu mãi (giao hàng, lắp đặt, bảo hành...) họ sẽ không mua hàng.

Ông Nguyễn Đức Tài - TGĐ Thế Giới Di Động: Dùng “chiêu độc”

Không chỉ thương hiệu lớn, vốn lớn mà nhà bán lẻ còn phải biết cách dùng “chiêu độc” để thu hút khách hàng, như cho khách hàng mượn (chỉ cần chứng minh nhân dân) linh phụ kiện trong vòng bảy ngày, thích thì mua, không thích thì trả. Còn với những sản phẩm có giá trị (điện thoại, máy tính bảng), nếu không muốn dùng nữa, có thể trả lại nhà bán lẻ với tỉ lệ khấu trừ 10%.

Bà Nguyễn Bạch Điệp - TGĐ FPT Retail: Đầu tư vào hậu mãi

Trong lĩnh vực bán lẻ nếu đầu tư không đúng sẽ chết rất nhanh, nhanh hơn sản xuất. Các DN mới nhảy vào cuộc chơi cần hình dung hết nghiệp vụ kinh doanh rất nhanh của nhóm sản phẩm điện máy và đặc biệt hơn là đòi hỏi cao về công tác hậu mãi như giao nhận, lắp đặt, bảo trì, bảo hành... cần đầu tư chi phí tốn kém, cũng như kinh nghiệm quản lý. Với mức lãi gộp trung bình 10%, thì chi phí cho hậu mãi là một vấn đề đau đầu.

Bá Tú (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.