Theo một số cộng sự thân tín của Thủ tướng Đức A.Merkel, bà Merkel có thể sẽ không tại vị đến khi tổ chức cuộc bầu cử vào năm 2017 mà có thể từ chức trước thời điểm này.
Thủ tướng Đức A.Merkel
Thông tin trên được chuyên gia phân tích Gideon Rachman của tạp chí The Financial Times đưa ra. Theo Rachman, cuộc khủng hoảng nhập cư đang bao trùm hầu hết châu Âu chính là sự khởi đầu cho “hoàng hôn” của kỷ nguyên bà Merkel tại Đức.
Nhận định trên của Rachman hoàn toàn không gây bất ngờ với giới phân tích và các chính trị gia, mặc dù bà A.Merkel mới đây vẫn được coi là một trong những chính trị gia thành công nhất châu Âu chứ không chỉ gói gọn trong phạm vi nước Đức.
Tại Đức, uy tín của bà Merkel cao đến mức đảng của bà đã 3 lần liên tiếp giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, chính sách bị coi là “sai lầm” đối với vấn đề người nhập cư đã khiến uy tín của bà Merkel liên tục đi xuống.
Dự kiến trong năm 2015, Đức sẽ phải tiếp nhận hơn 1 triệu người nhập cư và dư luận xã hội Đức bắt đầu cảm thấy bất an vì những gánh nặng phải đảm bảo cho người nhập cư. Ngay cả một số cộng sự của bà Merkel trong đảng cầm quyền cũng bắt đầu quay sang chỉ trích bà.
Theo Rachman, một số cộng sự chính trị thân tín của bà Merkel cũng đã thừa nhận rằng bà Merkel có thể sẽ rời khỏi chức vụ Thủ tướng Đức trước khi các cuộc bầu cử năm 2017 được tổ chức. Ý tưởng về một nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp của bà Merkel- vấn đề vốn được bàn luận sôi nổi vài tháng trước, giờ đã trở thành điều không thể.
Rachman nhận định rằng chính phủ của bà Merkel đã để tình hình người tị nạn vượt quá tầm kiểm soát. Mặc dù các chính trị gia công khai tán thưởng khẩu hiệu “chúng ta có thể giải quyết điều đó” (khủng hoảng nhập cư) nhưng phía sau những tuyên bố này lại là những tồn tại khó giải quyết.
Việc phải gia tăng chi phí cho người nhập cư khiến cho các đảm bảo phúc lợi xã hội ở Đức bị suy giảm, qua đó làm nảy sinh nhiều bất ổn, cũng như tâm lý “bài người nước ngoài” của người dân Đức.
Chính vì vậy, dư luận xã hội Đức đang chuyển hướng, từ ủng hộ chính sách đối với người nhập cư, để quay lại phản đối chính sách này. Đối với họ, việc Đức phải tiếp nhận gần 10 nghìn người nhập cư trong vòng 1 ngày là quá nhiều nếu so với con số 20 nghìn người nhập cư mà Anh tiếp nhận trong vòng 4 năm.
“Một số không nhỏ cử tri Đức đã kết luận rằng “mẹ” Merkel đang “bị mất trí” khi mở cửa biên giới cho người nhập cư tràn vào”- Rachman nhận định.
Hiện Đức có thể giải quyết được vấn nạn người nhập cư nếu hành động như Hungary là xây dựng hàng rào ở biên giới để ngăn người nhập cư tràn vào. Tuy nhiên, Rachman nhận định rằng bà Merkel sẽ không hành động như vậy vì bà Merkel hiểu rằng bước đi này ngược lại với nguyên tắc quan trọng nhất của EU là tự do đi lại của người dân.
Ngoài ra, việc dựng lên hệ thống hàng rào ở biên giới sẽ khiến dòng người nhập cư buộc phải đổ về các nước khu vực Balkan và tạo ra bất ổn lớn đối với khu vực này.
Chính sách này của bà Merkel, theo Rachman, nếu không được thay đổi sẽ khiến áp lực lên Thủ tướng ngày càng cao, dần dần sẽ dẫn đến yêu cầu bà Merkel phải từ chức.
Thủ tướng Đức A.Merkel lên nắm quyền từ năm 2005. Giai đoạn nắm quyền của bà Merkel ở Đức từ năm 2005-2015 được coi là giai đoạn “hoàng kim” đối với Đức. Kinh tế tăng trưởng nhanh, vị thế của Đức trên trường quốc tế được coi trọng, việc đàm phán giải quyết các vấn đề quốc tế nóng bỏng đều có sự tham gia của người Đức. Tuy nhiên, “thời ‘hoàng kim’ này đang đi đến hồi kết”- Rachman kết luận.
Đức Dũng (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.