Cuộc hôn nhân giữa PVFC và Western Bank (WB) được thấy trước là sẽ phải vượt qua nhiều thác ghềnh để tới được “bến bờ hạnh phúc”.

Không trái với dự đoán, ĐHCĐ hợp nhất PVFC và Western Bank (WB) diễn ra hôm 8/9 rất êm ả do cơ cấu cổ đông lớn PVN chi phối toàn bộ. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là hoạt động của PVcomBank sau sáp nhập chịu ảnh hưởng gì từ những vấn đề tồn đọng của hai tổ chức tài chính trước sáp nhập nói trên? Một điều nữa là nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi của cổ đông PVFC khi cổ phiếu này sẽ phải hủy niêm yết ít nhất là gần 2 năm.

Gánh nặng nợ xấu

Theo tính toán của hai bên, tổng nợ xấu của cả hai đơn vị sau hợp nhất chỉ chiếm 4,2% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng hợp nhất (dự kiến đến 31/12/2013). Tuy nhiên, nhìn vào cụ thể những khoản nợ khó đòi hiện chưa được xếp vào nợ xấu và trích lập dự phòng của cả hai bên, câu chuyện không đơn giản như vậy.

Hiện PVFC có đến hơn 1.000 tỷ đồng nợ khó đòi xuất phát từ những con nợ thuộc ngành vận tải biển như Vinalines, Vinashin. Tài sản đảm bảo phần lớn là tàu biển được định giá cao so với giá trị thật và cũng đang mất giá mạnh do thị trường vận tải biển đang gặp khó khăn lớn trong vòng 3 năm trở lại đây. Tệ hơn nữa, hai con nợ lớn nhất là Falcon và Vinashinlines lại thuộc danh sách doanh nghiệp thực hiện phá sản theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015 đã được phê duyệt. Hiện chưa rõ những khoản nợ này rồi đây sẽ được giải quyết như thế nào.

Vấn đề đáng nói là, những khoản nợ này đều chưa được trích lập dự phòng đầy đủ. Vậy nên, sau khi chuyển thành ngân hàng thương mại và phải thực hiện nghiêm quy định trích lập dự phòng rủi ro theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Với WB, vốn điều lệ có 3.000 tỷ đồng, song tình trạng cho vay “cánh hẩu” rất phổ biến, tập trung vào nhóm khách hàng liên quan. Theo kết luận của Thanh tra NHNN, dư nợ của nhóm khách hàng này vào cuối năm 2012 là 5.092 tỷ đồng, WB đã thu hồi được 1.785 tỷ đồng, giảm xuống còn 3.306 tỷ đồng tại thời điểm ngày 28/2/2013.

Trong số dư nợ 3.306 tỷ đồng có tới 1.800 tỷ đồng là đầu tư trái phiếu, tài sản đảm bảo là khu đất 52 ha tại Tràng Cát (Hải Phòng) trị giá khoảng 3.800 tỷ đồng, theo định giá của ngân hàng. Trong trường hợp không thu hồi được khoản đầu tư trái phiếu trên, xử lý tài sản đảm bảo của một dự án liên doanh (con nợ là phía Việt Nam trong liên doanh) không hề đơn giản. Cũng tại WB, Thanh tra NHNN cho biết, trên giấy tờ có những khoản đặt cọc, môi giới chứng khoán, ủy thác đầu tư…, song thực chất là cho vay sai quy định.

Với những khoản cho vay chất lượng kém, việc khắc phục hậu quả của ngân hàng mới sẽ không hề đơn giản. Bài học tại SHB giai đoạn hậu sáp nhập với Habubank giúp phần nào mường tượng được gánh nặng từ lợi nhuận thấp và các chính sách hà khắc để thu nợ xấu là thế nào.

Cắt lỗ cũng khó

PVFC không công bố danh mục đầu tư chi tiết, song giới chuyên môn cho rằng, trong danh mục này, tỷ trọng cổ phiếu là đáng kể. Chủ trương thanh lý cổ phiếu đã được lãnh đạo Tổng công ty này đưa ra từ cách đây 2 năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thực hiện được điều này không hề đơn giản.

Với diễn biến của thị trường chứng khoán thời gian gần đây, việc bán bớt cổ phiếu rất khó khăn, có những khoản đầu tư PVFC phải chịu lỗ lớn. Đơn cử, trong quý I/2013, họ đã phải bán cắt lỗ 5 triệu cổ phiếu PTL, giá trị thu về chỉ vỏn vẹn 14,5 tỷ đồng, bằng chưa đầy 1/3 so với giá vốn. Việc bán ra những cổ phiếu có tin tốt như PPC gần đây cũng thất bại, trong khi danh mục đầu tư của PVFC còn rất nhiều cổ phiếu cháu chắt họ dầu khí, vốn là hậu quả của một thời đầu tư ngoài ngành dàn trải của PetroVietnam (một phần danh mục này được PetroVietnam bán cho PVFC với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng hiện những cổ phiếu này chỉ có thị giá bằng 1/3, 1/4 mệnh giá và không có giao dịch trên thị trường sơ cấp). Những khoản đầu tư trên nếu thoái được, ngân hàng hợp nhất cũng phải chịu lỗ lớn hoặc phải trích lập dự phòng không nhỏ, lợi nhuận do đó cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Dù tái cơ cấu theo mô hình hoạt động của ngân hàng thương mại từ hơn 1 năm qua, nhưng hoạt động của PVFC chưa có nhiều chuyển biến. Quý II vừa qua, thu nhập lãi thuần của đơn vị này âm tới 200,6 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh chính trong kỳ như hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động mua bán chứng khoán đều báo lỗ. Chỉ nhờ lợi nhuận từ hoạt động khác (chủ yếu ủy thác đầu tư, mua trái phiếu cho các đơn vị thành viên ngành dầu khí – PV) mới đem lại khoản lãi khiêm tốn 17,8 tỷ đồng vào cuối quý cho PVFC.

Theo kế hoạch, PVcomBank sẽ ra mắt hoạt động trong tháng 10 tới. Điều này đồng nghĩa với việc cổ phiếu PVF của PVFC sẽ bị hủy niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM. Việc niêm yết cổ phiếu của ngân hàng PVcomBank có được thực hiện hay không tùy thuộc vào kết quả kinh doanh và các chỉ số tài chính của ngân hàng sau hợp nhất ít nhất 1 năm và ý chí của cổ đông lớn. Nhiều cổ đông đã chọn lối thoát sớm cho an toàn. Đây có lẽ là lý do lý giải phần nào chuyện hơn 1 tháng qua giá cổ phiếu PVF liên tục giảm và hiện chỉ còn 5.500 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất đối với các tổ chức tín dụng trên sàn. Do vậy, con đường phía trước của PVcomBank còn nhiều chông gai.

Mai Thủy (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.