Những tháng cuối năm, dù bận rộn với rất nhiều công việc ở hai công ty California Waste Solutions - CWS (Mỹ) và VWS (Việt Nam) nhưng ông David Dương rất phấn khởi vì nhận được tin "song hỷ”: "CWS vừa thắng thầu hợp đồng thu gom, xử lý rác thải, phế liệu tái chế và cây xanh ở thành phố Oakland trị giá 2,7 tỷ USD trong vòng 20 năm. Còn tại Việt Nam, VWS cũng vừa động thổ dự án nhà máy xử lý rác tại Long An với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD".

Ông kể tiếp: "Cả hai sự kiện này không chỉ là niềm vui của tôi mà còn là niềm tự hào của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Khi nghe tin CWS thắng thầu trước một công ty xử lý rác lớn nhất Hoa Kỳ, có chi nhánh tại 50 tiểu bang của Mỹ và nhiều nước trên thế giới, cả cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ, đặc biệt là cư dân tại hai thành phố mà CWS đang phục vụ là Oakland và San Jose, rất tự hào.

Khán phòng đấu thầu hôm đó chỉ có sức chứa 300 người, nhưng khi nghe tin có một công ty của người Việt được tham gia đấu thầu, bà con người Việt ở Oakland và các vùng phụ cận như San Jose, San Francisco kéo đến gần 800 người để ủng hộ. Họ cùng nín thở, hồi hộp và vỡ òa niềm vui khi chúng tôi chiến thắng.

Tiếng vỗ tay chúc mừng, những nụ cười của mọi người chính là dấu ấn, sự động viên, khích lệ và là món quà tinh thần giá trị nhất trong suốt cuộc đời mà tôi không thể quên!

Ngay sau đó, ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, cũng đã gửi thư chúc mừng chúng tôi, cho rằng đây là một sự kiện đáng tự hào của cộng đồng người Việt tại Mỹ, điều này chứng tỏ được sự chuyên nghiệp và uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam trên thế giới.

Riêng dự án khu xử lý chất thải công nghệ xanh tại Long An, ngay từ đầu tôi đã xác định dự án này không phải của riêng chúng tôi. Lợi nhuận lớn nhất mà dự án mang lại là bảo vệ môi trường cho quê hương của tôi.

Tôi đặt hoài bão dự án sẽ lớn nhất Đông Nam Á và trở thành mô hình thí điểm xã hội hóa, cổ phần hóa để tất cả mọi người, nhất là khuyến khích bà con Việt kiều yêu quê hương, cùng nhau đóng góp xây dựng đất nước. Vì vậy, tôi đã dành hết tâm huyết, thời gian, tiền của để dự án được thực hiện một cách hoàn hảo nhất.

* Chắc hẳn ai cũng hỏi làm thế nào một công ty địa phương như CWS lại chiến thắng một đối thủ mạnh nhất trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác, phế liệu tái chế và cây xanh tại Mỹ có thâm niên hơn 120 năm?

- Trước hết là do giá hợp đồng của chúng tôi đưa ra rẻ nhất. Nhưng những yêu cầu khắt khe nhất chúng tôi cũng đáp ứng được, vì theo yêu cầu của thành phố, đơn vị nào trúng thầu phải đầu tư 200 triệu USD, 500 thùng rác mới, 170 xe tải mới chuyên dùng..., trong khi thời gian thực hiện chỉ còn 11 tháng, muốn đáp ứng yêu cầu này phải mất một năm rưỡi.

Nhờ sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng, tôi đã thuyết phục được thành phố và giành chiến thắng một cách ngoạn mục. Đó là trong quá trình đấu thầu, tôi đã bỏ ra vài triệu USD để đặt cọc làm thùng rác, xe tải và xây trạm trung chuyển. Khi tôi trình lên thành phố, các công ty này đều xác nhận họ đang làm cho tôi và sẽ hoàn thành đúng thời gian yêu cầu.

Bên cạnh đó, tôi cũng thuyết phục được một công ty bảo hiểm bỏ ra 150 triệu USD, nếu đến thời điểm 1/7/2015 chúng tôi chưa làm xong, thành phố có thể dùng 150 triệu USD đó để thuê công ty cũ làm. Song song đó, tất cả công nghệ, dịch vụ, giá cả tôi đều công bố trước với người dân ở đây, giới thiệu những dự án chúng tôi đang thực hiện ở các thành phố khác. Vì vậy, số lượng người dân ủng hộ tôi rất đông.

* Nhưng có nhiều thông tin CWS chỉ nhận một phần nhỏ của dự án này. Có lý do nào sau đó không, thưa ông?

- Cuộc đấu thầu diễn ra rất gay cấn suốt ba tháng trời, cả tôi và công ty đối thủ đều đua nhau vận động hành lang. Đến phút cuối, hai bên có số phiếu bằng nhau, chỉ còn phiếu duy nhất thuộc về Thị trưởng là người Trung Quốc. Tôi từng đoán mình sẽ thua vì trước đó tôi đã nhiều lần yêu cầu bà Thị trưởng lên tiếng với Chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan khỏi lãnh hải của Việt Nam.

Thế nhưng, sau nhiều lần tranh luận thẳng thắn, cuối cùng bà Thị trưởng đã ủng hộ tôi. Bà Rebeca Kaplan, Nghị viện thành phố Oakland, khi trả lời phỏng vấn báo chí cũng giải thích rằng "Công ty CWS thời gian qua đã phục vụ người dân Oakland rất tốt. Hội đồng thành phố Oakland quyết định chọn CWS, giúp cư dân thành phố này tiết kiệm khoảng 400 triệu USD trong 20 năm".

Thắng thầu nhưng chúng tôi cũng gặp không ít áp lực từ phía đối thủ. Do thế lực lớn và quan hệ mật thiết với nhiều quan chức địa phương, bộ ngành nên công ty này đã gửi đơn kiến nghị khắp nơi và dùng mọi sức ép để thương lượng chúng tôi bán một phần hoặc cả dự án cho họ. Công ty này cùng lúc thu thập chữ ký cho một cuộc trưng cầu dân ý nhằm lật lại quyết định của Hội đồng.

Song song đó, chúng tôi còn phải đảm nhiệm một khối lượng công việc lớn hơn bình thường. Cụ thể, ngoài công việc cũ là thu gom phế liệu tái chế, CWS sẽ phải làm hết công việc mà công ty này đã làm trong 20 năm qua và đảm nhiệm thêm ba công việc mới là thu gom rác, cây xanh và làm phân bón hữu cơ.

* Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều công ty cùng hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác. Liệu cạnh tranh có tăng thêm áp lực cho ông không?

- Cạnh tranh ở lĩnh vực nào cũng có nhưng cạnh tranh lành mạnh ở lĩnh vực xử lý rác thì đó là điều đáng mừng. Bởi vì điều này mang lại lợi ích cho xã hội, trong đó có bà con, bạn bè, gia đình và cả bản thân tôi cũng được hưởng. Cũng bởi cạnh tranh mà chúng tôi phát triển rất chậm, nhưng mỗi bước đi đều vững vàng và đã tạo được niềm tin với mọi người.

* Cho đến thời điểm này, Công ty VWS đã nhận được nhiều lời khen ngợi của Chính quyền thành phố từ dự án đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước ở TP.HCM và đang chuẩn bị đầu tư một dự án có quy mô rất lớn ở tỉnh Long An. Nhưng thời kỳ đầu cũng có không ít "lời ra tiếng vào", thậm chí ông còn tính buông bỏ dự án?

- Gần 30 năm cùng gia đình định cư tại Mỹ, khi trở về nước tôi chỉ mang một suy nghĩ: "Phải làm điều gì đó có ích cho quê hương". Đây cũng là tâm nguyện mà cha mẹ tôi luôn nhắn nhủ chúng tôi khi đã thành đạt ở xứ người.

Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải ở nước ngoài, tôi nhận ra: "Ngành công nghiệp xử lý rác thải và tái chế phế liệu đang mang lại hàng chục tỷ USD cho nền kinh tế của Mỹ và mang lại cơ hội việc làm cho hàng ngàn công nhân. Rác chính là nguồn tài nguyên quý, những ai biết cách sẽ biến nó thành vàng".

Vì vậy, tôi đã thành lập Công ty VWS tại Việt Nam và bắt tay xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tại huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, năm 2006 - 2007, khi tôi đưa ra dự án, hầu như chưa có ai hình dung được công nghệ xử lý rác công nghệ cao là gì nên việc thực hiện rất khó khăn, thậm chí một vài bài báo tung dư luận xấu khiến ngân hàng không dám cho vay vốn, giải ngân dù trước đó họ đã đồng ý cho vay.

Trung bình tuần nào cũng có đoàn thanh kiểm tra, thậm chí có tháng đến 25 đoàn, có lúc thông báo trước, có lúc đến đột xuất. Thú thật lúc đó tôi cũng rất mệt mỏi và muốn buông bỏ dự án với ý nghĩ: "Mình lớn lên ở Việt Nam, nói tiếng Việt, viết chữ Việt, hiểu con người, phong tục tập quán quê hương mà còn không làm được thì người nước ngoài đến đây đầu tư làm sao làm được?".

Nhưng được sự động viên, tiếp sức tinh thần của anh em, gia đình và nhất là bà xã, tôi lại tiếp tục công việc. Khi mình về nước đầu tư dự án, báo chí trong và ngoài nước đều đăng tin, giờ mình bỏ cuộc sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều anh em Việt kiều đang muốn về nước đầu tư.

Hơn nữa, tôi nghĩ trước sau gì mình cũng nhận được sự ủng hộ của chính quyền. Bởi vì, đầu tư của chúng tôi có ý nghĩa khi lợi nhuận được tái đầu tư cho các dự án khác để đóng góp cho quê hương, thay vì lấy lãi đem ra nước ngoài như các công ty đa quốc gia.

* Ông vừa nói: "Ai biết cách sẽ biến rác thành vàng". "Vàng" ở đây là lợi nhuận hay là một giá trị nào khác?

- Bất cứ hoạt động đầu tư nào cũng phải tính đến lợi nhuận. Tuy nhiên, như đã nói, lợi nhuận đầu tiên và lớn nhất khi tôi thực hiện dự án này là đóng góp cho quê hương, góp phần làm cho môi trường xanh, sạch để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Còn lợi nhuận từ kinh doanh thì phải đợi chục năm nữa, trước mắt chúng tôi vẫn phải điều tiết nguồn vốn từ công ty mẹ.

Theo dự kiến, đầu tư ban đầu vào dự án khoảng 90 triệu USD nhưng đến nay, tôi đã đầu tư gần 150 triệu. Ngay cả kế hoạch sau 10 năm bãi rác Đa Phước sẽ hoàn vốn nhờ hai khoản tái chế và làm phân compost hiện cũng chưa khả thi.

Nhà máy tái chế chất thải công suất 500 tấn/ngày thì ba năm nay bụi bám đầy, còn dây chuyền sản xuất phân compost cũng hoạt động cầm chừng, do thành phố chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn. Rác hữu cơ, vô cơ, kể cả rác độc hại đang đổ lẫn vào nhau nên đây cũng là khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xử lý rác!

* Theo nhận xét của lãnh đạo Chính phủ khi đến tham quan khu xử lý rác Đa Phước vào tháng 6/2014, hiện cả nước có 458 bãi rác nhưng mới có hơn 26 bãi đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường, trong đó chỉ duy nhất Đa Phước có công nghệ hiện đại theo chuẩn quốc tế. Vì sao con số này lại ít như vậy?

- Cái khó nhất của các dự án xử lý rác là kinh phí rất lớn, khi có kinh phí thì cái khó tiếp theo là chọn công nghệ. Trong công nghệ thì kỹ thuật vận hành, xử lý rác cực kỳ quan trọng vì đòi hỏi phải đồng bộ từ khâu thiết kế, xử lý đến vận hành. Có những dự án có công nghệ tốt nhưng vận hành không đúng, khâu kiểm soát không chặt chẽ, khiến dự án vẫn không đạt tiêu chuẩn và xảy ra sự cố.

Đơn cử, theo yêu cầu bắt buộc của công nghệ, khi rác đổ lên bãi phải có xe cơ giới cán đi cán lại 8 lần, nhưng nếu khâu kiểm soát không tốt, chỉ cần cắt bớt số lần xe cán để tiết kiệm xăng thì bãi rác sẽ không có độ nén, lâu dần sẽ trở thành bãi rác không chân, dễ bị sạt lở.

* Đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác tại Việt Nam, điều gì còn tồn đọng khiến ông trăn trở?

- Hiện ý thức của người dân về bảo vệ môi trường còn chưa cao, vẫn còn nhiều người xả rác bừa bãi, việc phân loại rác đầu nguồn chưa có biện pháp thực thi mạnh nên gây khó cho các doanh nghiệp xử lý rác.

Việc vận chuyển, thu gom rác vẫn còn rơi vãi, rỉ nước gây ô nhiễm, trên đường phố vẫn còn nhiều bãi rác được thu gom, xử lý chậm gây mất vệ sinh, làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan đô thị, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Việt Nam.

Để giảm bớt việc các xe tải thu gom rác làm rơi vãi và giảm tải áp lực xe chạy trên đường bộ, trong dự án Khu Công nghệ môi trường xanh tại Long An, chúng tôi đang xây dựng các trạm trung chuyển rác trong thành phố, tại các sông, hệ thống xà lan cùng container chuyên dụng để vận chuyển rác bằng đường thủy.

* Dự án Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước đang đạt công suất 10.000 tấn/ngày, hiện đang tiếp nhận xử lý 3.000 tấn/ngày, và sắp tới sẽ tiếp nhận thêm 2.000 tấn/ngày từ bãi rác Phước Hiệp chuyển về. Tuy nhiên, theo ông, dự án Long An có hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều, ông có thể chia sẻ rõ hơn?

- Sau dự án Đa Phước, mong ước của tôi là đầu tư vào dự án Long An mang tầm quốc tế. Dự án này có vốn đầu tư hơn 700 triệu USD, quy mô 1.760ha, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới với công suất xử lý đến 40.000 tấn rác/ngày.

Cùng với xưởng chế biến phân compost, Khu Công nghệ môi trường xanh, dự án này còn có nhà máy xử lý nước sinh hoạt và bùn thải, sản xuất nước uống từ nước sau khi xử lý và nước mưa...

Với chiến lược xử lý lâu dài từ 75 - 100 năm, đảm nhận việc xử lý rác thải, chất thải rắn cho 8 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo số liệu chúng tôi có được, khối lượng rác thải phát sinh của 8 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay là 10.291 tấn/ngày.

Ước tính khối lượng rác thải rắn sinh hoạt của cả vùng đến năm 2020 sẽ là khoảng 20.063 tấn, chưa kể lượng rác thải công nghiệp cũng có thể tương đương. Với khối lượng rác lớn, nguồn thu cũng tăng nên dự án sẽ tiếp tục được đầu tư công nghệ cao, bền vững và lâu dài, đồng thời giá thành xử lý chất thải cũng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được ngân sách về kiểm tra, quản lý và bảo vệ môi trường.

* Khởi nghiệp từ một công việc rất nhỏ là đi thu mua và tái chế phế liệu, sau đó trở thành ông chủ một công ty lớn có tên tuổi, ông rút ra điều gì tâm đắc nhất, thưa ông?

- Những gì tôi làm được hôm nay là học được rất nhiều từ cha tôi: sự cần mẫn, chăm chỉ, đến cách kiếm sống lương thiện bằng chính mồ hôi, sức lực của mình. Chính tấm gương của cha đã hình thành trong tôi một triết lý sống, đó là không có nghề gì hèn kém, nếu chăm chỉ và biết vươn lên, nghề nào cũng mang lại quả ngọt và con đường sáng cho mình.

* Không ít Việt kiều về nước làm ăn nhưng không thành công, bằng kinh nghiệm bản thân, ông có thể phân tích những va vấp mà họ gặp phải?

- Mặc dù Nhà nước đã có chính sách ưu đãi, khuyến khích bà con Việt kiều về nước đầu tư, song Luật Đầu tư cũng như các nghị định, chính sách hỗ trợ Việt kiều đều chưa cụ thể, chưa bám sát thực tế.

Ở nhiều địa phương, các luật này không được triển khai chi tiết nên có nhiều dự án đầu tư không được ưu đãi. Thậm chí, có những cán bộ phụ trách còn không hiểu hết luật, không có ai hướng dẫn nên nhà đầu tư rơi vào tình trạng loay hoay, chỉ sao làm vậy.

Ngay cả tôi về nước nhiều năm nhưng cũng có nhiều thông tư không rành và cũng bị xoay như chong chóng, mỗi lần thay đổi là tốn kém chi phí, thời gian. Một nguyên nhân nữa là chi phí tại Việt Nam quá lớn nhưng nhiều chi phí lại không thanh toán được nên giảm khả năng cạnh tranh của các dự án đầu tư.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ rất cởi mở. Chúc ông có nhiều con đường sáng để tiếp tục đi.

Lữ Ý Nhi (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.