Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước đang lúng túng, các doanh nghiệp taxi truyền thống đã nhanh chóng 'chuyển đổi mô hình' hoạt động nhằm ứng phó với cuộc cạnh tranh bất bình đẳng với Uber và Grab...

Gần đây các hãng taxi truyền thống liên tục phản ứng trước việc Uber và Grab có nhiều lợi thế hơn taxi truyền thống, đặc biệt là không bị khống chế số xe, không bị cấm đường. Điều này khiến cho các hãng taxi truyền thống, trong đó có cả ông lớn như Vinasun taxi thừa nhận thu nhập tài xế giảm mạnh, nhiều lái xe bỏ hãng, sức ép ùn tắc giao thông tăng lên.

Các hãng đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp minh bạch hoá hoạt động của taxi công nghệ như Uber và Grab để cạnh tranh bình đẳng, không tăng quá nhiều xe để gây tắc đường. Chẳng hạn như: Buộc Uber và Grab phải gắn mào, dán tem ngoài thành xe như taxi.

Một xe taxi Grab không mào trên đường phố Hà Nội
Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa tìm ra lời giải cho tình huống này, các hãng taxi truyền thống đã có các biện pháp để ứng phó theo hướng "đồng hoá" gần như Uber và Grab.
Điển hình nhất cho xu hướng này là Taxi Thành Công tại Hà Nội. Theo đó, cách đây ít ngày, hãng này công khai ra mắt ứng dụng gọi xe Thanh cong app. Ứng dụng gọi xe này có chức năng không khác gì Uber và Grab, thậm chí có những tiện ích mở rộng về công nghệ như có thể đặt xe qua chức năng messenger trên Facebook.
Việc xây dựng các ứng dụng gọi xe của từng hãng taxi đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng điểm đáng chú ý trong phần mềm Thanh cong App chính là sự công khai xuất hiện dòng xe Thanh cong Car - một loại xe mà đại diện hãng này sẵn sàng công khai là "taxi không mào", "taxi không sợ cấm đường".
Một trong những nguyên nhân gây ùn tắc tại các thành phố lớn do không thể quản nổi số lượng xe taxi công nghệ như Uber và Grab. Ảnh: Sỹ Lực
"Thanh cong car là xe hợp đồng giống như Uber và Grab, chúng tôi đưa ra loại hình này nhằm giải quyết nhu cầu cho khách đi các tuyến đường cấm xe taxi có mào" - đại diện Taxi Thành Công cho hay.
Vị đại diện này cho hay, để cạnh tranh, hãng thu phí dịch vụ quản lý từ lái xe bằng 1/2 Uber và Grab , Hãng có hợp đồng lao động trực tiếp với lái xe, không "thả nổi" người lao động như Uber và Grab.
"Taxi truyền thống của Thành Công có thể "lột mào" để trở thành Thanh cong car hoặc ngược lại" - vị này cho hay.
Dù chưa công bố rõ ràng như Taxi Thành Công nhưng một số hãng taxi truyền thống cũng đã có những biện pháp để cạnh tranh với Uber và Grab tương tự như Thành Công. Chẳng hạn, ông lớn Taxi Mai Linh từ lâu phát triển phần mềm Open 99 và Mai Linh Taxi. Phần mềm này có phục vụ dòng xe VIP - không tem, không mào như các dòng xe Uber và Grab.
Việc các hãng xây dựng phần mềm phục vụ cho xe taxi truyền thống được nhiều hãng khác như Vinasun hay Taxi Group.
Thậm chí, mới đây, Cty SAPA Thale (công ty con của doanh nhân gốc Việt sinh sống tại Cộng hoà liên bang Đức) phối hợp ra mắt ứng dụng gọi xe qua Internet mang tên APPP, tương tự như Uber và Grab.
Trước đó, Hiệp hội Taxi TPHCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan cho rằng: Theo Sở GTVT TPHCM, lượng phù hiệu cấp cho xe hợp đồng đã nhiều hơn cả số lượng taxi truyền thống (11.000 xe). Điều này từng bước đẩy taxi truyền thống vào thế thua ngay trên sân nhà.

“Điều đáng ngại là hiện các doanh nghiệp taxi truyền thống đang phải gánh chịu khá nhiều loại thuế, phí trong đó có VAT, thu nhập lái xe, thu nhập DN. Vậy nhưng các xe Grab, Uber lại hưởng mức thuế có thể nói là chênh lệch khá xa (chỉ 4 - 5%) so với các mức thuế mà DN taxi truyền thống đang phải đóng”, Hiệp hội Taxi TPHCM nêu bất cập.

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ xem xét hiệu quả và hậu quả trước mắt cũng như lâu dài khi Bộ GTVT gần như có chính sách ưu ái “mở rộng cửa” cho Uber, Grab vào Việt Nam kinh doanh.

Trong Văn bản số 834/SGTVT vừa ký gửi các cơ quan liên quan sau gần 2 năm triển khai đề án, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho rằng: Grab, Uber có hình thức hoạt động tương tự như taxi nhưng đang không tuân thủ các phương án tổ chức giao thông trên đường. Đặc biệt theo quy hoạch taxi đã được thành phố Hà Nội phê duyệt đến năm 2018 Hà Nội có 22.800 xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ. Nhưng nay nếu cộng 19.265 xe taxi hiện có với 10.943 xe vừa được ra tăng theo hình thức hợp đồng thì Hà Nội đã có tổng cộng trên 30.200 xe kinh doanh dưới 9 chỗ. Do làm bùng nổ phương tiện kinh doanh, phá vỡ quy hoạch taxi.

Sỹ Lực (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.