Có những khoảng trống lớn trong mô hình giám sát tài chính ở Việt Nam, dù đã có tới 5 tổ chức được trao chức năng này.

Cần phải có một tổ chức chịu trách nhiệm cho rủi ro hệ thống, xử lý khủng hoảng và giám sát các tập đoàn tài chính

Với phong cách có phần tếu táo của ông, tại một cuộc hội thảo gần đây, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đặt ra câu hỏi trên, ngụ ý đề cập đến việc giám sát những tập đoàn tài chính và ngân hàng kinh doanh đa dịch vụ trong bối cảnh các cơ quan giám sát cơ bản làm việc theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”.


Ai giám sát ai?

Theo TS Trần Kim Chung, người đồng cấp của TS Thành tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, hiện có 5 cơ quan chịu trách nhiệm chính về giám sát tài chính, gồm: Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Cụ thể, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng chịu trách nhiệm thực hiện giám sát dựa trên hệ thống các chỉ số theo tiêu chuẩn CAMELS và sử dụng chúng như một công cụ để giám sát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (mà trực tiếp là Vụ Giám sát thị trường chứng khoán) có trách nhiệm giám sát thị trường chứng khoán. Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm tập trung vào nhiệm vụ đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, chú trọng sự lành mạnh tài chính, khả năng thanh toán của doanh nghiệp; xử lý những biểu hiện tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh… Bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng. Và cuối cùng, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia có chức năng kết nối thông tin từ các tổ chức giám sát chuyên ngành; tư vấn cho Chính phủ đồng thời điều phối hoạt động giám sát chuyên ngành và tổng thể thị trường tài chính.

Tưởng kín mà vẫn hở!

Tuy nhiên, qua phân tích hoạt động của các cơ quan giám sát, các chuyên gia trong ngành đã chỉ ra rằng, với mô hình phân tán này, cơ chế giám sát còn nhiều bất cập, nội dung giám sát cũng hạn chế; việc phối hợp giám sát chủ yếu gói gọn trong việc giám sát tình trạng tài chính của các định chế tài chính; trong khi sự chia sẻ thông tin không phải bao giờ cũng được coi trọng, còn hợp tác thực thi cũng rất khó khăn.

“Mỗi cơ quan giám sát đều có những nhược điểm riêng”, TS Chung nhận xét. Ngay cả với cơ quan có chức năng đầu mối là Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì vai trò cũng khá mờ nhạt, chỉ dừng lại ở chức năng tham mưu tư vấn, không có thẩm quyền xử lý vi phạm mà chỉ đề xuất kiến nghị lên Chính phủ hoặc các cơ quan thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, Ủy ban này không có quyền ban hành, xây dựng chính sách pháp lý chung liên quan đến hoạt động giám sát thị trường tài chính.

Thực tế này dẫn đến tình trạng có nhiều mảng hoạt động của các định chế tài chính kinh doanh đa ngành không được “coi sóc” đúng mức. TS Vũ Thị Phương Hoa, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính dẫn chứng: “Do chưa có quy định rõ ràng nên thực tế gần như chưa có cuộc thanh tra, kiểm tra nào được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đối với 4 ngân hàng có công ty con kinh doanh bảo hiểm (VCB, BIDV, Agribank, VietinBank) hoặc với tập đoàn tài chính có công ty con kinh doanh bảo hiểm và ngân hàng như Tập đoàn Bảo Việt…”. Đặc biệt quan tâm tới trường hợp Bảo Việt, bà Hoa chỉ ra rằng, tập đoàn này hiện nay chỉ chịu sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với tư cách một công ty niêm yết. Điều này có thể dẫn đến việc không có cơ quan giám sát chuyên ngành nào giám sát báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn mẹ này.

Trong khi đó, Bảo Việt đang trong quá trình tái cơ cấu, vừa phải đảm bảo tăng vốn cho Ngân hàng Bảo Việt lên 3.000 tỷ đồng, vừa phải chia sẻ lỗ cho doanh nghiệp thành viên (Công ty Chứng khoán Bảo Việt)… Những áp lực về vốn nêu trên có thể ảnh hưởng đến mức vốn an toàn của cả tập đoàn nói chung cũng như của 2 doanh nghiệp bảo hiểm thành viên (TCT Bảo hiểm Bảo Việt và TCT Bảo Việt Nhân thọ)… Do có nhiều công ty thành viên nên khi xảy ra xung đột lợi ích giữa các thành viên, công ty mẹ sẽ phải đứng ra dung hòa lợi ích. Song nếu sự dung hòa này lại ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng thì cơ quan giám sát nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho khách hàng? Đây là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Tiến tới mô hình giám sát hợp nhất

Để khắc phục những nhược điểm nêu trên, việc xây dựng mô hình giám sát tài chính hợp nhất cho Việt Nam đồng thời với việc xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin để tạo điều kiện cho các cơ quan trong mạng an toàn tài chính phối hợp thực hiện giám sát và cảnh báo khủng hoảng đã được nhiều chuyên gia đề nghị. Ủng hộ phương án giám sát hợp nhất, song chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực nhấn mạnh yêu cầu cân nhắc kỹ và có bước đi phù hợp để từng bước nâng cao vai trò của cơ quan giám sát, bao gồm tính độc lập và trách nhiệm giải trình, thẩm quyền xử lý vi phạm, thẩm quyền xây dựng, ban hành chính sách pháp lý chung đối với hoạt động giám sát thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng, vẫn cần phải thành lập một tổ chức chịu trách nhiệm cho rủi ro hệ thống, xử lý khủng hoảng và giám sát các tập đoàn tài chính. Bày tỏ một thái độ thận trọng, TS Võ Trí Thành lưu ý rằng, trên thế giới vẫn có nhiều mô hình khác nhau được áp dụng, chưa thể nói mô hình nào ưu việt hơn. “Thành lập Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chính là một bước tiến tới mô hình giám sát hợp nhất, nhưng như mọi người đều thấy là hoạt động của ủy ban này còn khá nhiều bất cập”, ông Võ Trí Thành nói.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì có quan điểm khác. Mô hình phù hợp, theo ông là duy trì nhiều “dòng” giám sát theo chức năng, quản lý đa ngành và giám sát hỗ trợ bởi các tổ chức tự quản, hiệp hội. Vai trò của Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội cũng được chuyên gia này nhấn mạnh. Tất nhiên, yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý về giám sát cũng phải được đặt ra, bám sát các chuẩn mực giám sát rủi ro, chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế và đặc biệt coi trọng sự phối hợp trong các lĩnh vực ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm cũng như cơ chế giám sát xuyên biên giới.

Cẩm Hà (Doanh Nhân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.