Bức tranh nhân sự của Việt Nam trước hội nhập sâu rộng sẽ có sự thay đổi đáng kể, khi nguồn nhân lực chất lượng cao phải là nhân tố chính. “Cơn khát” nhân sự cấp cao sẽ tạo áp lực và sức bật cho lao động Việt Nam phải “vượt lên chính mình” trong tương lai.
Công bố mới đây của JobStreet.com, Việt Nam về bảng xếp hạng mức lương năm 2016 rất đáng để suy ngẫm, khi mức lương nhân sự cấp độ quản lý cấp cao, tại Top 10 ngành nghề của Việt Nam trong năm 2016, đã tăng đến 53% so với năm 2015.
Tuy nhiên, điều lưu ý là mức tăng này lại diễn ra trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao và nhất là nhân sự cấp cao đang thiếu hụt trầm trọng trong những năm gần đây, tại thị trường nhân sự Việt Nam.
“Khát” nhân sự cấp cao
Thực tế nhiều năm nay, nguồn nhân lực cấp cao trên thị trường lao động Việt Nam được ví như “nắng hạn” trong “cơn khát” của các doanh nghiệp (DN), nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại có nhu cầu rất lớn.
Nhóm chuyên gia nhân sự của công ty Talentnet (công ty tư vấn chiến lược nhân sự hàng đầu của Việt Nam) mới đây cho biết việc Việt Nam gia nhập TPP, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) hay tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài, DN xuất khẩu sẽ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, các DN mới ra đời.
Với xu hướng này, những lĩnh vực cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin, dịch vụ, y tế, du lịch, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh... sẽ là những lĩnh vực “nóng”. Và rõ ràng, việc hội nhập sâu đã đem đến cho nguồn nhân lực Việt Nam nhiều cơ hội làm việc trong và ngoài nước.
Phân tích tổng quan của nền kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2018, khi một loạt FTA có hiệu lực, giới chuyên gia cho rằng các ngành nghề thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân sự cấp cao, đơn cử như: khối ngành sản xuất (công nghiệp, chế biến, chế tạo, điện, điện tử, cơ điện lạnh…); khối ngành bất động sản và xây dựng; khối ngành bán lẻ; khối ngành công nghệ thông tin (đặc biệt là gia công phần mềm) và các khối ngành giáo dục, dịch vụ, du lịch và khách sạn.
Điều đó kéo theo nhu cầu lao động ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng. Cơ cấu lao động của Việt Nam tại các nhóm ngành này không thiếu, tuy nhiên, vẫn chỉ dừng lại ở nhóm trình độ thấp, kỹ năng thô sơ.
Đơn cử như khối ngành sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2015 được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15,23 tỷ USD (chiếm 66,9% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Nhu cầu lao động trong lĩnh vực này tăng cao, nhưng nguồn cung vẫn không đáp ứng đủ cầu, thiếu nhân lực cấp trung và cấp cao nhất. Các vị trí đang được săn lùng ráo riết đều đòi hỏi kỹ thuật cao, trình độ tiếng Anh tốt.
Hoặc như ngành bán lẻ, vốn đang có mức tăng trưởng rất hấp dẫn (khoảng 23%), theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, một số DN bán lẻ nước ngoài được biết đến nhờ chương trình đào tạo và các chính sách nhân sự hiệu quả, nhất là các quản lý cấp cao.
Về phần mình, các DN trong nước lại chưa thực sự có nhiều chính sách để thu hút ứng viên ngoài việc trả mức lương cạnh tranh cho một số trường hợp đặc biệt.
Chẳng hạn, để thu hút một quản lý cấp cao của DN bán lẻ nước ngoài, một DN trong nước đã chấp nhận trả cho ứng viên mức lương cao hơn mức lương cũ từ 40 - 50%.
Lao động Việt cần phấn đấu “vượt lên chính mình”
“Vượt lên chính mình”
Tuy nhiên, như nhận định của nhóm chuyên gia Talentnet, trả lương cao chỉ góp phần giải bài toán trước mắt của các DN trong cơn khát nhân sự. Nguyên tắc cơ bản của ngành bán lẻ nằm ở khâu đào tạo phát triển nhân lực, nên sớm hay muộn, các DN cũng phải xây dựng các chương trình đào tạo phát triển nhân lực, qua đó, sẽ giúp họ vừa thu hút vừa giữ chân người tài.
Giới chuyên gia khuyến nghị, các chính sách về lương thưởng và phúc lợi, chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân sự cấp cao, cũng như xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp là điều mà các DN Việt Nam cần phải cải thiện. Và đây vẫn là điểm yếu mà các DN trong ngành sản xuất cần khắc phục.
Để thu hút nguồn nhân lực cấp cao và tạo ra nguồn nhân lực này, có thể tham khảo cách làm của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) được đánh giá cao trong thời gian qua.
Lãnh đạo PVFCCo cho biết, tổng công ty đã xây dựng quy định về việc công nhận và áp dụng các bậc lương chuyên gia với mức lương cao. Theo đó, có những chuyên gia bậc cao được áp dụng mức lương tương đương với mức lương cán bộ quản lý cấp Ban của Tổng công ty, hoặc Giám đốc các công ty con.
Các khóa đào tạo nước ngoài, hoặc có yếu tố nước ngoài, đều được PVFCCo rà soát, kiểm tra bảo đảm phù hợp, hiệu quả (trình độ ngoại ngữ, đối tượng đào tạo).
Ngoài ra, DN này cũng sẵn sàng đầu tư cho các cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có chuyên môn giỏi tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu mang tính đặc thù ở nước ngoài, để tiếp nhận các kinh nghiệm, kiến thức mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ hội nhập.
Theo bà Tiêu Yến Trinh - Tổng Giám đốc Talentnet, những đòi hỏi về tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các DN sẽ như một hệ thống sàng lọc, chỉ dành sân chơi cho những lao động luôn biết tự học hỏi, biết tiếng Anh, tự phát triển bản thân và các kỹ năng mềm.
Điều này dẫn tới việc chủ động làm mới, tự trang bị cho bản thân (vốn dĩ không phải điểm mạnh của lao động Việt) sẽ được đề cao và tạo nên áp lực mới, để lao động Việt phấn đấu “vượt lên chính mình”.
Theo phân tích của giới chuyên gia nhân sự, cơ cấu dân số Việt Nam vẫn là dân số trẻ và lao động nữ đang dần ở thế cân bằng với lao động nam. Tuy nhiên, đại đa số lao động vẫn đang tập trung ở nhóm nghề kỹ thuật thấp.
Vì vậy, để có một nguồn nhân sự cấp cao và nâng cao “giá trị cạnh tranh” về nhân lực, đòi hỏi cả một chiến lược dài hơi từ chính sách và chương trình giáo dục của Việt Nam, từ sự chuẩn bị và tự học hỏi của người lao động, từ sự đầu tư và nâng cấp của các DN.
Thanh Loan (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.