Liệu tân thủ tướng 92 tuổi của Malaysia có đáp ứng được kỳ vọng của những cử tri trẻ?

Người dân Malaysia đã lựa chọn Mahathir Mohamad, 92 tuổi, làm thủ tướng, nhưng con đường dẫn tới chiến thắng của ông lại được hậu thuẫn bởi những chính trị gia non trẻ, ví dụ như Syed Saddiq Abdul Rahman, 25 tuổi.

Saddiq từng từ bỏ học bổng thạc sĩ tại Đại học Oxford để dấn thân vào chính trị, sau đó đánh bại một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền ở thị trấn Muar, bang Johor, người đã nắm quyền 3 nhiệm kỳ, ngay trong lần ứng cử đầu tiên.

“Cuộc bầu cử cho thấy sức mạnh của người dân trong công cuộc thay đổi và dẫn dắt Malaysia tới một tương lai tốt đẹp hơn”, Saddiq phát biểu sau khi kết quả bầu cử được công bố.

Tân thủ tướng MalaysiaMahathir Mohamad. Ảnh: Nikkei

“Cơn sóng thần Malaysia” là cụm từ được một vài người sử dụng để mô tả cuộc bầu cử ngày 9/5. Đây được coi là một sự phản kháng mãnh liệt đối với tình trạng hiện tại của Malaysia.

Cử tri Malaysia đã gây sốc cho ban kiểm phiếu, giới đầu tư và những nhà phân tích về chính trị bởi họ kỳ vọng người chiến thắng là Najib Razak, một thủ tướng từng vướng vào khá nhiều tiêu cực. Chiến thắng của Mahathir đánh dấu lần đầu tiên một đảng đối lập dành chiến thắng kể từ khi Malaysia giành lại độc lập từ Anh năm 1957.

Thông điệp của cử tri Malaysia rất rõ ràng: chấm dứt tình trạng thối nát đã kéo dài hàng thập kỷ của một chính phủ yếu kém, tham nhũng và chia bè phái. Saddiq cùng những ứng viên trẻ tuổi khác đều nhấn mạnh về những vấn đề còn tồn đọng từ chính quyền cũ, gồm thất nghiệp và chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

41% cử tri không quá 40 tuổi. Cả hai thế hệ già và trẻ đều mong muốn thay đổi, hy vọng sự dày dạn kinh nghiệm chính trị của Mahathir có thể khôi phục danh tiếng của Malaysia trên trường quốc tế và đưa nước này trở lại con đường trở thành một quốc gia phát triển.

Con đường trước mắt có thể không suôn sẻ với Mahathir và những đồng minh chưa được công nhận thực lực. Với thành công của cuộc bầu cử lần này, tân thủ tướng Malaysia đang tận hưởng niềm vui chiến thắng. Ông sẽ gánh vác trách nhiệm mới, mang lại sự thay đổi cho Malaysia. Ông từng lãnh đạo Malaysia với chính sách cứng rắn trong suốt 22 năm, giai đoạn 1981 - 2003.

“Bầu nhiệt huyết ở đây thực sự kỳ diệu” là câu nói của ông trước những người ủng hộ và phóng viên sau khi khi tuyên thệ nhậm chức. Mahathir thậm chí còn đùa giỡn đối với sự nổi tiếng của ông về cực đoan bằng cách nhắc lại chuyện những kẻ ghét ông từng đặt cho ông biệt danh “kẻ độc tài”.

Mahathir từng được người ủng hộ gọi bằng tên "Tun M”. Ông đã lãnh đạo đất nước tới một thời kỳ kinh tế tăng trưởng nhanh chóng cũng như tốc độ phát triển vượt bậc trong suốt nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, đó cũng là giai đoạn nhiều bất ổn về tài chính cũng như chính trị, khiến nhiều đối thủ của ông thất bại.

Trong số đối thủ, Anwar Ibrahim là học trò cũng như người kế nghiệp Mahathir. Người này bị bỏ tù vô căn cứ mà không hề trải qua bất kỳ phiên tòa nào. Lý do đơn giản là vì Anwar đã thách thức Mahathir. Anwar được trả tự do ngày 16/5 theo diện ân xá hoàng gia được ban hành bởi phe thắng cử.

Mahathir trở lại chính trường sau 2 năm nghỉ hưu nhằm đánh bại Najib, người được ông chọn làm kế nhiệm. Najib bị cáo buộc tàn phá đất nước và dính líu đến nhiều tai tiếng tài chính bao gồm vụ quỹ quốc gia 1Malaysia Development Berhad hay 1MDB. Najib là con trai của vị lãnh đạo thứ hai của Malaysia.

Mahathir đã ra lệnh cấm Najib cùng với vợ xuất cảnh và thông báo sẽ tiến hành điều tra vụ 1MDB.

Cựu thủ tướng Najib Razak đang đối mặt cuộc điều tra liên quan 1MDB. Ảnh: Getty Images

“Hiện có rất nhiều phàn nàn về Najib. Tất cả đều phải được điều tra", Mahathir cho biết. “Nếu một vài trong số đó là sự thật thì chúng tôi phải hành động nhanh chóng. Chúng tôi không muốn bị các quốc gia khác quay lưng".

Cùng với việc từ chức của Trưởng ban chống tham nhũng Malaysia, Dzulkifli Ahmad, nhiều ý kiến cho rằng khả năng Mahathir quyết tâm điều tra Najib là rất cao.

“Sắp xếp lại ư? Không. Sẽ là một bộ máy chính phủ hoàn toàn mới”, Mahathir sửa lời một phóng viên. “Đúng, một số bộ trưởng sẽ phải ra đi. Những người từng tin vào một thủ tướng bị thế giới lên án”.

Liên quan vụ 1MDB, Najib bị cho là đã nhận phi pháp khoản tiền hơn 680 triệu USD, trong bối cảnh có hơn 4,5 tỷ USD đã bị biển thủ từ các quỹ. Bê bối đó cùng với đạo luật chống đưa tin giả được ban hành vài tuần trước bầu cử, khiến những cử tri trẻ tuổi như Faiz Aziz, 25 tuổi, tức giận và chọn phe đối lập.

“Kết quả rõ ràng cho thấy đa số mong muốn một sự thay đổi của chính phủ", Faiz cho biết.

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, Mahathir nhắc đến nhóm Pakatan Harapan (Liên minh Hy vọng) của ông như một "kẻ yếu thế". Nhóm này ra đời khá chóng vánh, không có sự dồi dào về tài chính cũng như quan hệ công chúng. Nhưng nhờ sử dụng hiệu quả phương tiện truyền thông xã hội, Liên minh Hy vọng đã nhanh chóng gây được chú ý và thu hút hàng triệu người theo dõi thông qua nhiều kênh khác nhau.

Một động thái khôn ngoan khác của Mahathir là chiêu mộ những ứng viên trẻ tuổi để tranh cử để có hình ảnh mới mẻ và thu hút tầng lớp trẻ trong thành phần bỏ phiếu. Trong số đó có Yeo Bee Yin, một nhà làm luật 34 tuổi gốc Trung Quốc với thành tích thắng cử trong cuộc bầu cử cấp tỉnh ở Bakir, Johor.

“Tôi rất phấn khích với tỷ lệ thắng cuộc 60%”, theo Yeo.

Định hướng dân chủ?

Mahathir có rất nhiều kế hoạch hành động. Ngay khi lên nắm quyền, ông khẳng định lại cam kết tập trung vào hàng loạt đường lối kinh tế đã vạch ra khi tranh cử: bãi bỏ thuế dịch vụ hàng hóa 6%, khôi phục trợ giá nhiên liệu và xem xét lại các hợp đồng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là những hợp đồng liên quan tới Trung Quốc.

Các tổ chức xếp hạng tín dụng bày tỏ quan ngại về những biện pháp trên. Moody’s Investors Service cảnh báo hôm 14/5 rằng những chính sách như thế cộng với việc không có nhiều rõ ràng trong chính sách kinh tế của Mahathir sẽ là “tín dụng tiêu cực” cho nền kinh tế.

Fitch Ratings cho biết loại thuế dịch vụ hàng hóa (GST) nói trên đóng góp 18% cho ngân sách Malaysia năm 2017. Thâm hụt ngân sách sẽ xảy ra nếu thay nó bằng một khung thuế khác thấp hơn.

Munir Majid, doanh nhân nổi tiếng của Malaysia, cũng ủng hộ nhận định này. Ông hiện là chủ tịch của CIMB ASEAN Research Institute và ASEAN Business Club. Munir cho biết những chính sách kinh tế này cần phải được bàn bạc kỹ.

“Liên quan đến lời hứa xóa bỏ GST và thay thế bằng một loại thuế dich vụ bán buôn, người ta lo ngại nguồn thu chính phủ giảm và thâm hụt tài chính tăng thêm 2,8%, trong khi chính phủ tiền nhiệm hứa giảm xuống. Ngoài ra, một số cam kết khác như hồi phục chính sách trợ giá nhiên liệu cũng gây ảnh hưởng xấu lên nguồn thu”, trích lời Munir.

Cử tri trẻ tuổi ủng hộ ông Mahithir. Ảnh: Nikkei

Với kế hoạch trở về mô hình kinh tế cũ, tên Malaysia Inc., di sản mang đầy chủ nghĩa dân tộc mà Najib đã phá bỏ trong suốt 9 năm cầm quyền, các định hướng kinh tế của Mahathir càng làm dấy lên lo ngại.

"Ý tưởng về một chính phủ thân doanh nghiệp đã được nhen nhóm từ rất lâu kể từ khi chúng tôi giới thiệu Malaysia Inc. Tập đoàn này sẽ xây dựng một nền kinh tế Malaysia với sự trợ giúp từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước",Mahathir nói.

Ra đời từ những năm 80 thế kỷ trước, mô hình kinh tế nói trên được Mahathir lấy cảm hứng từ Nhật Bản. Nó tập trung vào tư nhân hóa các tập đoàn nhà nước trọng điểm, có cổ phần lớn của chính phủ. Mahathir đã bổ nhiệm những thân cận vào các vi trí chủ chốt trong các công ty được tư nhân hóa, qua đó dấy lên nhiều chỉ trích cho rằng ông đang dung túng cho chủ nghĩa gia đình trị. Sự thiếu kiểm soát này góp phầngây sụp đổ một số công ty lớn như Malaysia Airlines và nhà sản xuất xe Proton.

Najib đã xóa bỏ mô hình này, tái cấu trúc cơ cấu cổ phần trong những công ty tư nhân bằng cách đưa những quỹ độc lập vào quản lý.

Trong nhiệm kỳ trước, Mahathir đưa ra kế hoạch có tên Vision 2020, dự định đưa Malaysia gia nhập hội những nước phát triển vào năm 2020. Tầm nhìn đó đã dần mai một trong những năm gần đây. Năm 2017, tổng thu nhập quốc nội theo đầu người của Malaysia là 9.660 USD, thấp hơn nhiều so với ngưỡng của World Bank, 12.236 USD, để đủ điều kiện trở thành một nước phát triển.

“Mahathir cần có trong tay những quản lý tốt để Malaysia có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình sau 3 thập kỷ đầy thất vọng kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á”, Alicia Garcia-Herrero, ngân hàng đầu tư Natixis, nhận định.

Doanh nhân Munir nói chính phủ sẽ tập trung tính toán nguồn ngân sách công cũng như nợ công, bao gồm tất cả những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang triển khai. Đây có thể là một trở ngại cho những khoản đầu tư liên quan đến dự án Vành đai - Con đường của Trung Quốc vào Malaysia.

Mahathir còn cho biết sẽ hướng tới chính sách bảo hộ gây nhiều quan ngại cho giới quan sát khu vực. Theo ông, Malaysia vẫn tiếp tục các mối quan hệ giao thương và đầu tư với nước ngoài nhưng nhất định sẽ không chịu cúi đầu trước bất kỳ quốc gia nào.

“Cấm vận từ những cường quốc sẽ không ảnh hưởng gì đến các chính sách của chúng tôi”. Câu nói này nhắc tới sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế lên Trung Quốc và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Bổ nhiệm và vấn đề chủng tộc

100 ngày tới sẽ rất quan trọng đối với người dân Malaysia và nhà đầu tư nước ngoài khi những vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền mới lộ diện.

Mahathir thừa nhận chính phủ mới còn thiếu kinh nghiệm nên sẽ thành lập một đội ngũ tư vấn bao gồm những người từng làm trong các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân để hỗ trợ ông trong thời điểm chuyển giao.

3 ngày sau khi bầu cử kết thúc, Mahathir đã bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính là Lim Guan Eng, từng là Thủ hiến bang Penang, tổng thư ký đảng Dân chủ Hành động. Việc bổ nhiệm này gây ra tranh cãi nhưng nhìn chung cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Lim Guan Eng là chính trị gia gốc Trung Quốc đầu tiên nắm giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền Malaysia vài thập kỷ gần đây. Việc bổ nhiệm Lim là kết quả của một cuộc bầu cử chống lại hệ thống phức tạp đầy rủi ro bao gồm tôn giáo và sắc tộc tại Malaysia.

Dân số Malaysia vào khoảng 32 triệu người, trong đó 2/3 là người bản địa, 23% Trung Quốc và còn lại là Ấn Độ cùng các dân tộc khác.

"Tôi thực sự không tin việc bổ nhiệm Lim Guan Eng sẽ gây chia rẽ nội bộ chỉ vì khác chủng tộc",Munir cho hay.

Một vấn đề đang lôi cuốn sự chú ý là vai trò tương lai của Anwar. Đảng đối lập của Anwar, đảng Nhân dân Công lý (PKR), có vai trò then chốt trong thắng cử của liên minh. Mahathir nói ông sẽ làm thủ tướng trong vòng 1 đến 2 năm, sau đó trao quyền lại cho đối thủ lâu năm. Các thành viên của PKR đã phàn nàn về việc không được tham vấn liên quan đến bổ nhiệm.

Trong chiến dịch tranh cử, Mahathir được coi là người không có gì để mất. Nhiều nhà phân tích nhận định đây là cơ hội cuối cùng cho Mahathir, còn được biết đến là “cha đẻ của hiện đại hóa”, đạt được mục tiêu về kinh tế và xã hội của ông. Để làm được,Mahathir cần có chính sách, hành động đúng đắn.

“Cho dù có thích Mahathir hay không, ông ấy vẫn là lựa chọn tốt nhất hiện giờ để đưa Malaysia trở lại như xưa, hy vọng là vào đúng thời điểm",Lim Eng Boon, một doanh nhân sống ở Kuala Lumpur, chia sẻ.

Tiểu Long (NDH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.