Tuy quá trình phê chuẩn trong Thượng viện Mỹ chưa kết thúc, nhưng gần như chẳng còn gì có thể cản trở bà Janet Yellen, hiện là Phó Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thay thế ông Ben Bernanke ở cương vị Chủ tịch Fed từ ngày 1/2/2014 tới.

Tại nước Mỹ, Fed là tên gọi chính thức của ngân hàng trung ương phát hành tiền. Chính sách tiền tệ nói chung của Fed không chỉ có ảnh hưởng quyết định tới kinh tế nước Mỹ mà còn có tác động rất mạnh mẽ và sâu sắc tới cả kinh tế thế giới. Cho nên không có gì là khó hiểu khi nước Mỹ và thế giới bên ngoài nước Mỹ đặc biệt quan tâm tới mọi thay đổi nhân sự trong ban lãnh đạo Fed và lại càng phải thế khi có chuyện thay đổi người đứng đầu Fed.

Mới tân quan

Về phương diện bề dày kinh nghiệm trong kinh tế nói chung và trong công việc ở Fed nói riêng, bà Yellen còn từng trải hơn cả ông Bernanke. Uy danh của bà Yellen trong giới khoa học kinh tế ở Mỹ cũng nổi bật hơn ông Bernanke. Nhất là khi chồng bà Yellen thậm chí còn từng đoạt Giải thưởng Nobel về kinh tế. Nêu ra như vậy để thấy khả năng chuyên môn của bà Yellen là điều không hề bị hoài nghi ở Mỹ. Nhưng ở nước Mỹ, quyết định nhân sự cho người đứng đầu Fed còn là quyết định chính trị. Vì thế, sự chống đối việc phê chuẩn bà Yellen có lý do ở sự chống đối cá nhân vị tổng thống đã đề cử bà Yellen và đảng phái chính trị của tổng thống, hiện tại là ông Barack Obama và Đảng Dân chủ.

Do tầm quan trọng của Fed và vai trò đặc biệt của người đứng đầu Fed, vị tổng thống Mỹ đương nhiệm phải cân nhắc rất kỹ khi lựa chọn người lãnh đạo mới cho Fed. Qua sự lựa chọn của tổng thống về người đứng đầu Fed có thể nhận biết thấy chủ trương chính sách của tổng thống về kinh tế và tiền tệ, có thể nhìn ra sự đồng thuận hay bất đồng quan điểm giữa tổng thống và chủ tịch Fed, giữa chính phủ và Fed nói chung. Bà Yellen không phải sự lựa chọn hàng đầu của ông Obama. Nhưng sau khi cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Lawrence Summer, người được ông Obama lựa chọn đề cử đầu tiên, rút lui, bà Yellen trở thành ứng cử viên sáng giá nhất.

Chưa sớm tân chính sách

Trong thời gian tới, ít khả năng sẽ có đột biến trong chính sách tiền tệ của Fed

Về quan điểm, bà Yellen gần như không khác biệt gì nhiều ông Bernanke. Vì thế, dư luận chung ở trong và ngoài nước Mỹ đều cho rằng Fed sẽ có tân quan nhưng chưa thể sớm có chính sách mới. Ông Bernanke chủ trương duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo, hay cũng còn được gọi là "chính sách đồng tiền rẻ", mà lại từ khá lâu nay rồi chứ không phải chỉ mới trong thời gian gần đây. Mặt bằng lãi suất chủ đạo thấp, thấp đến mức gần như bằng không, khối lượng tiền được Fed tung vào thị trường tài chính và tiền tệ không những hiện tại đã rất nhiều mà vẫn còn tiếp tục nhiều thêm hoặc ít nhất cũng được giữ ở mức rất nhiều. Biện pháp chủ đạo được ông Bernanke thi hành là duy trì mặt bằng lãi suất chủ đạo thấp đến như thế, mua vào ồ ạt trái phiếu của nhà nước - hiện tại mỗi tháng ở mức độ 85 tỉ USD khiến mức độ tiền mặt mà Fed đã bơm vào thị trường tài chính và tiền tệ trong vòng có vài năm đã lên tới 4.000 tỉ USD, và những chương trình kích cầu tăng trưởng kinh tế, có nghĩa là tăng chi tiêu của nhà nước nhằm kích cầu tăng trưởng kinh tế.

Theo hiến pháp Mỹ, Fed có nhiệm vụ giúp chính phủ chống thất nghiệp và duy trì ổn định giá trị tiền tệ, hay nói cách khác là chống lạm phát. Ông Bernanke từ bao lâu nay kiên định chủ trương ưu tiên hàng đầu cho tạo công ăn việc làm trước ổn định giá trị tiền tệ, có nghĩa là trước hết giảm tỷ lệ thất nghiệp rồi sau đó mới đến giảm lạm phát. Bà Yellen tôn thờ quan điểm này thậm chí còn hơn cả ông Bernanke. Hiện tại, mức độ lạm phát ở Mỹ thấp hơn mục tiêu 2% mà Fed đề ra, trong khi tỷ lệ thất nghiệp với 7,3% lại khá cao. Kinh tế Mỹ lại mới chỉ chập chững phục hồi tăng trưởng, chưa ổn định và bền vững. Vì thế, ông Bernanke chủ trương còn tiếp tục chính sách tiền tệ như lâu nay. Và bà Yellen chắc chắn cũng sẽ tiếp tục chính sách này trong thời gian tới.

Cho nên ít khả năng trong thời gian tới sẽ có đột biến trong chính sách tiền tệ của Fed và trong mức độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Về cơ bản, điều đó tác động thuận cho tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung bởi sẽ không gây ra biến động và xáo trộn lớn trên thị trường tài chính và tiền tệ cũng như tiếp tục đồng hành với chính sách tiền tệ của các ngân hàng quốc gia khác, đặc biệt là của Ngân hàng trung ương Anh và Nhật Bản cũng như của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).

Thử thách lớn nhất đối với bà Yellen trong thời gian tới sẽ là xác định đúng thời điểm để từng bước ra khỏi chính sách tiền tệ lỏng lẻo hiện tại và lộ trình cụ thể của việc ra khỏi đó. Sau đấy mới có chuyện Fed theo đuổi chính sách mới.

Nền kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn sáng sủa hơn

Báo cáo điều tra công bố mới đây của Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 10 vừa qua, số lượng giấy phép cấp cho các dự án xây dựng nhà ở mới tại nước này tăng mạnh nhất ở Mỹ kể từ tháng 6/2008, cao hơn cả mức dự báo 930.000 căn/năm của các chuyên gia.

Chuyên gia kinh tế thuộc Cty Action Economics, ông Mike Englund cho biết giá nhà ở nói riêng, giá bất động sản nói chung, tăng là bằng chứng mới nhất phản ánh chiều hướng phục hồi nhanh và ổn định hơn của nền kinh tế Mỹ. Quyết định của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục duy trì gói cứu trợ thứ ba (QE-3), theo đó mỗi tháng tung ra 85 tỉ USD mua lại các trái phiếu liên quan tới thế chấp là một lý do làm tăng nhu cầu mua nhà của người dân Mỹ.

Tuy nhiên, bức tranh của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn chút màu xám với báo cáo điều tra của Cty Conference Board, công bố ngày 26/11, cho biết chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 11 này chỉ còn ở mức 70,4 điểm so với 72,4 điểm trong tháng 10.

Hoàng Mai (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.