Những người làm công ăn lương hay mang tên nhân viên dù có xuất sắc tới mấy khi làm sếp cũng gặp rất nhiều khó khăn, đơn giản vì họ chưa có được suy nghĩ của một người làm chủ.
Một trong những thách thức lớn nhất để một người làm công bình thường trở thành một người làm chủ hay đơn giản trở thành lãnh đạo chính là lối suy nghĩ. Không phải cứ giao việc, đặt mục tiêu và đánh giá đã có thể biến bạn trở thành một người lãnh đạo, làm chủ tài tình, chúng ta cần nhiều hơn thế.
Ngay cả khi bạn là một nhân viên xuất sắc nhất trong tổ chức với thành tích cao cũng như những cống hiến vượt trội, bạn vẫn cần có những người lãnh đạo bên cạnh để giữ mình đi đúng hướng. Khi những nhân viên xuất sắc này ra làm chủ họ mới hiểu khả năng thật sự và những gì mình còn thiếu thốn.
Quá quen với những định hướng từ lãnh đạo và chỉ việc làm theo, họ sớm choáng ngợp khi đảm nhận trọng trách mới. Không những sắp xếp, bố trí công việc cho cấp dưới, họ còn phải đảm bảo được nhiều yếu tố khác nhau để xây dựng tập thể, làm hài lòng nhân viên cũng như giúp cho công ty làm ăn không lỗ.
May mắn thay, Rick Crossland, một người đã có 30 năm kinh nghiệm trong việc quản trị, tuyển dụng cho các công ty, tổ chức lớn có một vài lời khuyên dưới đây có thể biến lối suy nghĩ làm thuê thành làm chủ, giúp ích cho quá trình chuyển đổi của những người nhân viên này.
1. Tất cả những hành động đều phải được dựa trên mục tiêu của công ty
Những người làm chủ trước hết phải có được mục đích của công ty hay tổ chức do họ tạo nên, những thứ vượt qua khái niệm tiền bạc, giờ hành chính hay theo lối suy nghĩ làm thuê - hết giờ đi về, cố chạy chỉ tiêu để kiếm đủ thu nhập.
Người làm chủ cần tìm ra những nhân tố đột phá trong tập thể của mình và định hướng, lên kế hoạch, phân công nhân sự ra sao để cấp dưới thực hiện được mục tiêu cho dù nó viển vông tới đâu.
2. Phát triển tốt sản phẩm cũng như tìm ra được hướng đi tiếp theo
Đa số những người làm chủ thời điểm hiện tại, cho dù là người làm startup công nghệ cho tới những người mở cửa hàng kinh doanh... đều quan tâm quá nhiều tới sản phẩm của họ. Thay vào đó, họ có thể lên kế hoạch cho những dự án tiếp theo hay tìm cách mở rộng mô hình kinh doanh.
Một khi xác định được hướng đi cụ thể, không những người làm chủ giảm thiểu được các rủi ro có thể có mà nhân viên cấp dưới còn thoải mái hơn khi họ biết mình cần làm gì, làm tới đâu và trong tương lai họ cần những gì.
3. Phải hiểu rõ về nhu cầu vốn, nguồn vốn trước khi có kết quả
Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi thứ cần diễn ra tức thì, đã làm phải có ngay thành quả... Những người làm chủ cần xác định được quy mô vốn đầu tư, khoảng thời gian xoay vòng vốn để có tiền làm những công việc khác.
4. Hãy xác định chỉ số ROI trước khi hành động
Rất nhiều công ty công nghệ tạo ra các sản phẩm mới vì họ có thể làm được. Trong những doanh nghiệp lớn, nhân viên làm việc cật lực, đầu tư công sức, tài nguyên cho những thứ chẳng mang lại bao nhiêu.
Đây là lúc mà ROI (lợi tức đầu tư/tỷ suất hoàn vốn) trở thành yếu tố quan trọng. Trước khi người làm chủ đưa ra một quyết định hay dự định mới, họ cần đánh giá xem chỉ số này có tốt hay không từ đó mới quyết định để có được sự đầu tư chính xác.
5. Hãy chấp nhận những người giỏi hơn
Trong các doanh nghiệp lớn và có môi trường cạnh tranh lành mạnh, những nhân viên xuất sắc xuất hiện rất nhiều. Họ được lãnh đạo coi trọng và đóng góp lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp hay bộ phận.
Trái ngược lại, ở những doanh nghiệp kém phát triển ta ít thấy những nhân tố sáng giá do họ bị cạnh tranh, vùi giập quá nhiều. Là một người lãnh đạo, bạn cần biết về những nhân tố toả sáng ấy, hỗ trợ họ vì đây chính là chìa khoá mang tới sự thành công, tăng trưởng chung.
6. Xác định được khách hàng chính là thứ quan trọng nhất
Cho dù bạn kinh doanh bất kì thứ gì bạn cũng cần tới khách hàng, cần tới người sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Hãy quan tâm tới 2 yếu tố đó là có bao nhiêu người thật sự cần sản phẩm, dịch vụ của bạn. Trong số đó sẽ có bao nhiêu người thật sự mua hay dùng nó?
7. Xây dựng suy nghĩ sở hữu
Một khi bạn làm chủ, tất cả những quyết định, hành động của bạn đều ảnh hưởng tới đứa con tinh thần của chính mình. Hãy có trách nhiệm với những gì mình làm, những quyết định mình đưa ra.
Trong kinh doanh, bạn có thể bỏ qua những yếu tố đẹp đẽ thông thường vì đôi khi sống đẹp khó thành công, thương trường là chiến trường, đừng để sản phẩm chết bất đắc kỳ tử chỉ vì nhún nhường người khác hay những quyết định sai lầm.
8. Phát triển văn hoá doanh nghiệp, tăng sự gắn kết giữa các nhân viên
Những người làm công bình thường coi các sự kiện team building hay du lịch là khoảng thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Nhưng, ở cương vị một người lãnh đạo, bạn phải hiểu đây là cơ hội để gắn kết tập thể, tăng cường cảm hứng công việc. Nó là một cách đầu tư cho nhân viên để họ làm việc tốt hơn, mang lại nhiều lợi nhuận hơn hoặc thậm chí là trung thành hơn.
Thành công của cả tập thể phải được xây dựng từ thành công của từng cá nhân trong từng công việc mỗi ngày. Mối quan hệ win-win này cần được duy trì nếu bạn muốn sản phẩm của mình tiến xa hơn.
Van Vu (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.