Những năm gần đây, mô hình kinh tế Hàn Quốc với trụ cột là những tập đoàn gia đình hoạt động đa ngành nghề đã không thành công như trước.
Dự trữ tiền mặt của các doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc lên mức cao kỷ lục bởi nhiều doanh nghiệp hạn chế đầu tư và tuyển dụng trong bối cảnh kinh tế Hàn Quốc có nhiều dấu hiệu bất ổn.
Theo Financial Times, để giúp kinh tế tăng trưởng tốt hơn, mới đây, Tân Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in, đã tuyên bố sẽ đưa ra chương trình kích thích kinh tế tăng trưởng mới để tạo ra hàng trăm nghìn việc làm trong lĩnh vực công và tư.
Trước đây, trong suốt nhiều năm, Hàn Quốc từng được coi như một trong những “con hổ” của châu Á, các tập đoàn gia đình của Hàn Quốc như Samsung hay Hyundai nắm rất nhiều quyền kiểm soát nền kinh tế. Tuy nhiên trong những năm gần đây, mô hình kinh tế Hàn Quốc với trụ cột là những tập đoàn gia đình kiểu như trên đã không thành công như trước.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng như công chúng Hàn Quốc chỉ trích nhóm tập đoàn này vì không tạo ra được thêm việc làm mới và lờ đi việc bảo vệ quyền lợi của nhân viên cũng như cổ đông nhỏ.
Trong ngày thứ Hai, số liệu mới công bố bởi Chaebul.com cho thấy tính đến cuối tháng Ba năm nay, tổng lượng tiền mặt mà khoảng 178 công ty thuộc 30 tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc đang nắm giữ đã lên mức khoảng 700 nghìn tỷ won, tức 615 tỷ USD, tăng khoảng 10 nghìn tỷ won tức 9 tỷ USD so với 3 tháng trước đó. Chaebul và tổ chức nghiên cứu chuyên theo dõi các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc (chaebol).
Như vậy, lượng tiền mặt mà doanh nghiệp Hàn Quốc nắm giữ trong 5 năm qua đã tăng hơn 175 nghìn tỷ won. Trong con số trên, nhóm bốn tập đoàn hàng đầu bao gồm Samsung, Hyundai, SK và LG chiếm khoảng hơn 80% tổng mức tăng trưởng tiền mặt trên.
Việc các doanh nghiệp Hàn Quốc nắm nhiều tiền mặt mà không chịu đầu tư thêm cho thấy họ rất thụ động trong việc phân phối lại lợi nhuận cho xã hội.
Người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Chaebul, ông Jung Sun-sup, nhận xét: “Doanh nghiệp nào cũng cần giữ lại lượng tiền mặt nhất định để chuẩn bị cho các hoạt động đầu tư. Tuy nhiên khi mà họ ôm lượng tiền mặt cao kỷ lục, điều đó cho thấy họ đang không chịu chia sẻ lại lợi nhuận có được với công chúng trong khi lẽ ra họ cần phải tạo thêm việc làm mới và tăng lương cho nhân viên.”
Ông Jung Sun-sup nói thêm: “Và ngay cả chính phủ cũng khó lòng yêu cầu họ tạo thêm việc làm bởi các tập đoàn thường chỉ muốn tập trung đầu tư vào những hoạt động mang lại lợi nhuận tối đa cho họ.”
Trong ngày thứ Hai, Tân Tổng thống Hàn Quốc đã rất cố gắng kêu gọi sự ủng hộ của Nghị viện Hàn Quốc đối với kế hoạch ngân sách bổ sung trị giá 11 nghìn tỷ won của ông. Ông muốn nhờ vào chương trình chi tiêu này để tạo thêm nhiều việc làm trong lĩnh vực công.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody ngay lập tức đã đưa ra bình luận về diễn biến mới trên chính trường Hàn Quốc: “Chúng tôi cho rằng kế hoạch ngân sách bổ sung của chính phủ Hàn Quốc cho thấy chính phủ đang ưu tiên cho một số mục tiêu, trong đó lớn nhất chính là tạo thêm việc làm trong bối cảnh thất nghiệp tăng quá cao. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc, đặc biệt trong giới trẻ tăng chóng mặt những năm gần đây. Đó là kết quả tất yếu của hoạt động tái cấu trúc một số ngành quan trọng như đóng tàu và vận tải.”
Từ cuối năm 2012 đến cuối tháng Ba năm nay, dự trữ tiền mặt của Samsung, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, tăng hơn 40% lên 220 nghìn tỷ won. Cùng thời gian trên, dự trữ tiền mặt của Hyundai tăng hơn 55% lên 120 nghìn tỷ won.
“Xu thế nắm giữ tiền mặt của các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc sẽ không sớm thay đổi. Doanh nghiệp ngại đầu tư bởi triển vọng kinh doanh trong phần lớn các ngành, ngoại trừ ngành bán dẫn, không mấy sáng sủa”, trưởng nhóm nghiên cứu tại tổ chức CEO Score, ông Park Ju-geun, nhận định.
Cũng theo ông Park, chính phủ Hàn Quốc cần đưa ra các biện pháp tái cấu trúc mạnh tay những ngành kinh tế hiện đã mất sức cạnh tranh, đặc biệt ngành đóng tàu và vận tải. Nếu làm được như vậy, các ngành mới có thể thu hút được đầu tư của doanh nghiệp trong dài hạn.”
Trung Mến (Bizlive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.