Cổ phiếu hãng xe điện Tesla tăng mạnh hôm 26/8 nâng giá trị tài sản ròng của nhà sáng lập kiêm CEO Elon Musk lên mốc 101 tỷ USD, tăng 5,46 tỷ USD so với ngày trước đó.

Musk hiện xếp thứ tư trong danh sách tỷ phú của Bloomberg, trước ông là Jeff Bezos (202 tỷ USD), Bill Gates (124 tỷ USD), Mark Zuckerberg (115 tỷ USD).

Musk không phải là tỷ phú duy nhất chứng kiến tài sản tăng vọt chỉ trong một ngày. Giá trị tài sản ròng của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos cũng tăng 5,22 tỷ USD đạt mốc 202 tỷ USD khi cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử tăng lên mức kỷ lục hôm 26/8. Điều này cũng giúp vợ cũ của ông, MacKenzie Scott, trở thành phụ nữ giàu thứ hai thế giới với khối tài sản 66,2 tỷ USD, chỉ sau người thừa kế của tập đoàn mỹ phẩm L’Oreal Francoise Bettencourt Meyers với 66,7 tỷ USD.

Tài sản Elon Musk vượt 100 tỷ USD

Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Bloomberg.

Bezos và Musk ví dụ điển hình cho sự giàu có của giới siêu giàu trong năm đầy biến động kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch và suy thoái kinh tế. Hiện 500 người giàu nhất thế giới đã kiếm được 809 tỷ USD, tăng 14% kể từ tháng 1, ngay cả khi đại dịch toàn cầu xảy ra khiến GDP giảm kỷ lục và hàng triệu người mất việc làm.

Bất bình đẳng thu nhập gia tăng đã gặp phải phản ứng gay gắt từ nhiều chính trị gia. Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders đã đề xuất dự luật đánh thuế các tỷ phú công nghệ vào đầu tháng này. Dự luật có tên "Bắt các tỷ phú nộp thuế", đề xuất thu thuế một lần 60% giá trị tài sản mà các tỷ phú kiếm được từ 18/03/2020 đến 01/01/2021. Khoản thuế thu được này sẽ được dùng cho chi phí chăm sóc sức khỏe người dân Mỹ trong vòng một năm.

"Chúng tôi không thể tiếp tục cho phép các tỷ phú như Jeff Bezos và Elon Musk trở nên giàu có một cách khó hiểu trong khi hàng triệu người Mỹ phải đối mặt với việc bị đuổi ra khỏi nhà, đói kém và tuyệt vọng về kinh tế", ông Sanders nói.

Trong khi đó các doanh nhân cho rằng việc gia tăng tài sản của họ là chính đáng, điều đó có được nhờ hoạt động kinh doanh hiệu quả của công ty tư nhân do họ quản lý. "Khi bạn nhìn vào Musk và Bezos, không quá khi nói rằng họ đã thay đổi thế giới theo cách riêng của họ", Thomas Hayes, Chủ tịch của quỹ đầu tư Great Hill Capital, nêu quan điểm.

Sự gia tăng tài sản của các tỷ phú nằm trong top 500 thế giới chủ yếu đến từ lĩnh vực công nghệ nhờ vào các hoạt động thương mại chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến dưới tác động của đại dịch. Ngoài ra còn có các tỷ phú đến từ ngành bán lẻ, cổ phiếu của họ cũng tăng mạnh trong đại dịch.

Kể từ đầu năm, Elon Musk đã chứng kiến khối tài sản của mình tăng 73,6 tỷ USD, Jeff Bezos tăng 87,1 tỷ USD, Mark Zuckerberg tăng 36,3 tỷ USD. Trong top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới, chỉ có tỷ phú Bernard Arnault, ông chủ tập đoàn thời trang xa xỉ LVMH, và nhà đầu tư Warren Buffett giảm tài sản.

Các ông trùm công nghệ Mỹ không phải là người hưởng lợi duy nhất. Mukesh Ambani, doanh nhân Ấn Độ, đã trở thành người châu Á đầu tiên lọt top 10 người giàu nhất thế giới với khối tài sản 81,1 tỷ USD. Trong năm nay Ambani đã kiếm được 22,5 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu của tập đoàn Reliance Industries tăng mạnh do kế hoạch chuyển đổi từ công nghiệp dầu mỏ sang công nghệ của tập đoàn thu hút các nhà đầu tư lớn như Facebook tham gia.

Xem thêm bài viết về: Elon Musk
Sơn Nam (Ngôi Sao)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.