Mặc dù Jeff Bezos hiện đang nắm giữ vị trí người giàu nhất thế giới với tài sản ròng trị giá 99 tỷ bảng Anh, nhưng con số này chưa là gì so với người đàn ông giàu nhất mọi thời đại Musa.

Chân dung vị vua giàu có nhất mọi thời đại (Nguồn: The Sun)

Tài sản của vị vua nước Mali trong thế kỷ 14 lớn đến mức một món quà hào phóng của ông tặng cho người khác có thể làm tê liệt cả nền kinh tế của một nước. Năm 2012, trang web Celebrity Net Worth của Mỹ ước tính khối tài sản của hoàng đế Mali Mansa Musa khoảng 400 tỷ USD.

Rudolph Butch Ware, phó giáo sư lịch sử tại Đại học California, cho biết: “Tài sản của Musa có thể khiến người khác kinh ngạc đến tắt thở và gần như không ai có thể biết được ông ấy thực sự giàu có và quyền lực đến mức nào.”

Musa sinh năm 1280 trong một gia đình thuộc tầng lớp cai trị. Anh trai của ông, Mansa Abu-Bakr, cai trị đế chế cho đến năm 1312. Sau khi Abu-Bakr không trở về sau một cuộc thám hiểm đại dương, Musa đã kế thừa ngai vàng của vương quốc giàu có Mali.

Kathleen Bickford Berzock, chuyên gia nghiên cứu châu Phi tại Bảo tàng nghệ thuật Block thuộc Đại học Tây Bắc, cho biết: “Là một người cai trị, Mansa Musa có quyền sở hữu gần như vô hạn đối với tất cả các loại của cải có giá trị trong thế giới thời trung cổ.”

Dưới thời Musa cai trị, đế chế Mali mở rộng nhanh chóng đến những vùng đất giàu tài nguyên như vàng và muối. Thời đó, theo ước tính, Mali chiếm gần một nửa số vàng của thế giới cổ đại. Tất cả đều thuộc sở hữu của hoàng đế Musa.

Cuộc hành hương xa xỉ

Musa là một người Hồi giáo rất sùng đạo và đã quyết định đi hành hương đến Mecca (Ả rập Xê út) với đoàn tùy tùng lên đến 60.000 người, đi qua sa mạc Sahara và Ai Cập. Chuyến hành hương của ông để lại ở Cairo một ấn tượng rất đáng nhớ và kể từ đó, nhiều người đã kể lại rằng vị vua giàu có đã mạnh tay phân phát vàng trong 3 tháng ở lại Cairo.

Nhà thờ Hồi giáo Great Mosque ở Timbuktu là nhà thờ Hồi giáo lâu đời nhất ở phía nam Sahara – nơi Musa đã hành hương tới (Nguồn: The Sun)

Tuy nhiên, hành động phóng khoáng này vô tình khiến giá vàng trong khu vực xuống đáy 10 năm, gây thiệt hại nặng nề với kinh tế Ai Cập nói riêng, với toàn khu vực nói chung. Vàng mất giá thời đó ước tính khiến Trung Đông thiệt hại kinh tế khoảng 1,5 tỷ USD, theo SmartAsset.com.

Trên đường quay về sau cuộc hành hương, khi qua Ai Cập, hoàng đế Musa tìm cách giúp vực dậy nền kinh tế của nước này bằng cách rút bớt vàng khỏi lưu thông thông qua việc vay mượn lại của các ngân hàng Ai Cập.

Sau đó, ông trở về Mecca cùng với nhiều học giả, bao gồm hậu duệ của nhà tiên tri Muhammad và nhà thơ Andalusia, người mà ông đã trả 200kg vàng, trị giá 6,3 triệu bảng ngày nay.

Huy Nguyễn (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.