Trong nhiều thập niên, Singapore và Hồng Kông là điểm kết nối chính cho hành khách đi từ châu Á ra thế giới và ngược lại. Song giờ đây, 1.000 tỉ USD đầu tư xây dựng sân bay toàn cầu đang đe dọa điều này.
Theo Bloomberg, khoảng một nửa số tiền 1.000 tỉ USD sẽ được chi cho việc nâng cấp hoặc xây dựng các sân bay mới ở châu Á, Trung tâm Hàng không CAPA ở Sydney (Úc) cho biết.
Tại Bắc Kinh, sân bay 12,9 tỉ USD mới, được lên kế hoạch mở cửa vào năm 2019, sẽ biến thủ đô Trung Quốc thành một trong các trung tâm hàng không lớn nhất thế giới. Ở Bangkok, Sân bay Suvarnabhumi với vốn đầu tư nâng cấp 3,5 tỉ USD đến năm 2021 sẽ cho ra mắt đường băng thứ ba. Sân bay Quốc tế Incheon Hàn Quốc thì đang được rót 4,5 tỉ USD cho nhà ga thứ nhì, đặt mục tiêu trở thành sân bay lớn hàng đầu thế giới.
Giữa lúc này, Sân bay Changi của Singapore công bố kế hoạch xây nhà ga thứ tư trị giá 950 triệu USD. Hồng Kông thì lên kế hoạch xây đường băng thứ ba với chi phí 18 tỉ USD.
Đối tác hoạt động hàng không dân dụng Torbjorn Karlsson của hãng Korn Ferry International ở Singapore cho biết: “Đây là cuộc đua giữa các trung tâm toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ là những người thắng lớn?”. Theo nghiên cứu CAPA công bố ngày 20.7, khoảng 255 tỉ USD đang được chuẩn bị để xây dựng sân bay mới trên toàn cầu. 845 tỉ USD khác thì đang được dành cho việc nâng cấp các đường băng mới và nhà ga. Tất cả công trình xây dựng, nâng cấp sẽ kéo dài đến năm 2069.
Các sân bay mới ở châu Á sẽ thu hút hơn 125 tỉ USD tiền đầu tư, nhiều hơn hẳn so với mức đầu tư chỉ 3,6 tỉ USD của các sân bay ở Mỹ và Canada. Đà phát triển mới là cuộc khủng hoảng vị thế đang chờ đợi Singapore và đặc khu Hồng Kông. Cathay Pacific Airways và Singapore Airlines làm nên tên tuổi trong lòng hành khách hàng không khi phục vụ các tuyến đường đi vào và ra khỏi châu Á.
“Cách đây 20 năm, sân bay chỉ ngồi đó chờ các hãng hàng không đến và vận hành dịch vụ. Mọi thứ thay đổi rất nhanh chóng. Thật khó để nói rằng thị trường trung chuyển sẽ luôn là của bạn”, chuyên gia về sân bay và tuyến bay Joanna Lu tại hãng tư vấn Flight Ascend Consultancy nói.
Ở Trung Quốc, nhiều hãng bay Đại lục như China Southern Airlines đang chuyên chở nhiều hành khách lần đầu đi máy bay đến mức giới chức Trung Quốc lên kế hoạch mở một cụm sân bay gần Hồng Kông. China Southern, Hainan Airlines Holding và Chengdu Airlines đều đang mở tuyến bay mới nối các thành phố lớn thứ nhì, thứ ba Đại lục và Mỹ, châu Âu mà không trung chuyển qua Hồng Kông. Chuyên gia Karlsson nhận định: “Họ có khả năng vẽ lại các tuyến đường du lịch”.
China Southern, một trong ba hãng bay quốc doanh lớn nhất Trung Quốc, muốn đặt trụ sở tại Sân bay Quốc tế Baiyun Quảng Châu, chỉ cách Hồng Kông chưa đầy 150 km. Đây sẽ là trung tâm trung chuyển chính của hãng trong tuyến bay nối Trung Quốc với Úc và Đông Nam Á. Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cũng đặt mục tiêu xây dựng cụm sân bay quanh Thâm Quyến, Bắc Kinh và Thượng Hải. Theo Airbus, đến năm 2036, lưu lượng hành khách hàng không nội địa Trung Quốc sẽ tăng gấp bốn lần lên 1,6 tỉ hành khách.
Hồng Kông trả lời thách thức bằng cách lấy đất lấp vào vùng biển ven bờ có diện tích lớn hơn cả Công viên trung tâm ở New York (Mỹ). Tiếp theo, họ đặt đường băng dài 3,8 km và xây dựng tòa nhà hành khách lớn hơn cả khu Nhà Trắng. Công trình mới có khả năng đón thêm 30 triệu hành khách. Năm ngoái, Sân bay Quốc tế Hồng Kông đón gần 71 triệu hành khách. Dự án phát triển lớn đến mức giới chức đang yêu cầu mỗi hành khách bay từ Hồng Kông trả từ 70-180 đô la Hồng Kông đóng góp cho công trình.
Nhà ga mới của Sân bay Changi thì ra mắt vào cuối năm nay. T4 sẽ có nhiều thiết bị hiện đại, giúp Changi trở thành sân bay đầu tiên trên thế giới sử dụng máy quét X-quang, đồng nghĩa với việc hành khách không cần lấy máy tính xách tay ra khỏi túi xách để kiểm tra an ninh. Nhà ga mới sẽ nâng công suất phục vụ của Changi từ 66 triệu hành khách lên 82 triệu hành khách. Năm ngoái, Changi đón kỷ lục 58,7 triệu hành khách.
Các trung tâm hàng không vẫn có thể phát triển dù đứng trước thách thức mới hay đang có các hãng bay dần bị thay thế bởi nhiều đối thủ trong khu vực. Singapore vẫn là bệ phóng đến các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á như Penang ở Malaysia và Phuket ở Thái Lan. Khoảng 30% số hành khách đến sân bay Changi là để trung chuyển sang chuyến bay tiếp theo.
Thêm vào đó, thế hệ máy bay tầm xa, sử dụng nhiên liệu hiệu quả như Boeing 787 Dreamliner không đủ sức để ''phá hủy'' các trung tâm trung chuyển, ngay cả khi Qantas Qiarwas đang lên kế hoạch lần đầu tiên thực hiện tuyến bay thẳng từ Úc đến Anh từ năm sau.
Thu Thảo (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.