Sự thừa nhận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về những sai lầm trong gói cứu trợ Hy Lạp được hoan nghênh, nhưng đằng sau đó có lẽ còn là sự tự ái chính trị của IMF.

Không loại trừ khả năng những sai lầm với Hy Lạp cũng đã lặp lại ở Síp.

Chỉ với 50 trang, IMF đã phân tích nghiêm túc và súc tích về những sai lầm mắc phải trong chương trình cứu trợ Hy Lạp. Cơ chế thông qua chính sách của châu Âu, đặc biệt trong 3 năm gần đây, cũng bị lôi ra chỉ trích. Đây là lần đầu tiên, một định chế chính thức tham gia vào hoạt động chỉ trích này.

Theo IMF, sai lầm cơ bản là sự lạc quan thái quá đối với tăng trưởng kinh tế. Nó đã dẫn đến một loạt sai lầm khác, như về mức giảm thâm hụt ngân sách, áp lực với khu vực tài chính, tốc độ của những cải cách và sự ổn định của nợ công. Hơn nữa, đó không phải là một lỗi xui xẻo. Những hậu quả kinh tế nghiêm trọng của Hy Lạp không phải là không nhìn thấy được và thực tế, nó đã được dự báo bởi nhiều nhà phê bình.

Một bí mật lớn khác cũng được công khai trong bài phân tích của IMF, đó là việc các bên đã mất quá nhiều thời gian để thông qua chương trình tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp. Khi nó được phê duyệt thì hầu hết các nhà đầu tư tư nhân đã rút khỏi trái phiếu chính phủ nước này.

Hậu quả của những sai lầm nối tiếp này là nghiêm trọng, nhưng quan trọng hơn, chúng khiến cho việc xử lý cuộc khủng hoảng trở nên không thể với những điều kiện hiện tại. Trong một phân tích riêng, IMF kết luận rằng, những phân tích về tính bền vững của nợ công, làm cơ sở cho gói cứu trợ Hy Lạp năm 2012, giờ chả còn giá trị gì. Quỹ tiền tệ cho rằng, phải có một tốc độ giảm nợ nhanh hơn dự kiến - khoảng 7% GDP mỗi năm - thì Hy Lạp mới có thể đạt được mục tiêu nợ bền vững 124% GDP vào năm 2020 và 110% GDP vào năm 2022. Bản hiệp định năm 2012 cũng đã điều chỉnh tăng thêm 4% cho tốc độ giảm nợ của Hy Lạp sau những tính toán lại. Ước tính tăng thêm này là không đáng kể nhưng nó dựa trên những giả định lạc quan.

“Còn theo dự báo của cá nhân tôi thì Hy Lạp sẽ vẫn mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn giữa suy thoái và nợ công cho đến khi hoặc là nước này rời khỏi eurozone và vỡ nợ đơn phương, hoặc có một sự chuyển dịch cơ bản trong chính sách”, Wolfgang Münchau, chuyên gia kinh tế của tờ Financial Time nói. Trường hợp sau đòi hỏi phải có hai sự điều chỉnh đối với chính sách hiện tại.

Đầu tiên là định nghĩa lại khái niệm nợ bền vững. Mục tiêu 124% GDP nói trên vừa tùy hứng, vừa ảo tưởng. Tùy hứng vì không dựa trên căn cứ kinh tế nào. Ảo tưởng vì các nhà đầu tư không còn coi nợ của Hy Lạp là nợ công quốc gia nữa mà chỉ như nợ của một chính quyền địa phương, kiểu như các bang thuộc Mỹ, hay Đức. Mà các bang thì không thể bảo đảm nợ theo một tỷ lệ gắn với GDP được vì cấp này không có khả năng in tiền. Con số khoảng 60 - 80% là phù hợp hơn với Hy Lạp.

Thứ hai, bất kỳ sự phân tích sâu hơn về nợ bền vững nào cũng nên dựa trên những giả định đáng tin cậy hơn về tăng trưởng trong tương lai cũng như tốc độ cải cách. Với sự rút lui của các nhà đầu tư tư nhân, khu vực chính thức (các định chế) sẽ là lối thoát duy nhất. Nhưng đây là một chủ đề cấm kỵ bởi nó là sự thừa nhận rằng, cuộc khủng hoảng này sẽ tiêu tốn của Bắc Âu rất nhiều tiền. Đây không phải là một thông điệp mà Chính phủ Đức muốn nhận 3 tháng trước cuộc tổng tuyển cử.

Bản phân tích của IMF cũng tỏ ra nhạy bén với những vấn đề chính trị mà cơ quan này đang đối diện trong tư cách là một thành viên của “bộ ba” tổ chức tham gia cứu trợ Hy Lạp, gồm cả Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu. Quỹ này rõ ràng là không thoải mái với vị trí của một thành viên cấp dưới, khi xem mình là tổ chức duy nhất trong “bộ ba” có thể đưa ra các phương án xử lý cuộc khủng hoảng.

Phân tích chính sách của IMF sẽ có những ảnh hưởng gì? Quỹ này chắc chắn đã không sử dụng những phát hiện như trong bản phân tích vừa đưa ra để đàm phán cứu trợ tài chính cho Síp. Sau những gì đã xảy ra với Hy Lạp thì dự đoán (trong tháng trước) rằng Síp sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2015 trở nên lố bịch.

“Thật khó để thoát khỏi cảm giác rằng, IMF sẽ lặp lại chuyện xảy ra ở Hy Lạp trong trường hợp của Síp, nhất là khi Poul Thomsen, Trưởng đoàn đặc phái tại Hy Lạp cho biết, IMF sẽ làm điều đó một lần nữa nếu phải đối mặt với cùng một thông tin. Còn nhớ, khi Washington đổ hết lỗi cho Thomsen, ông đã cự lại: “Rất tiếc, tôi chả có lỗi gì”.

Trong khi đó, với sự giận dữ của Olli Rehn, Ủy viên châu Âu phụ trách chính sách kinh tế trước hành động của IMF, nhiều khả năng, các nhà hoạch định chính sách khu vực châu Âu sẽ bỏ qua các khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ. Chính phủ Đức cũng gần như chắc chắn sẽ không chấp nhận những sai lầm mà IMF công khai. Nếu IMF nghiêm túc về những phân tích của riêng mình, tổ chức này có thể sẽ gây sức ép thay đổi chính sách, hoặc sẵn sàng rời khỏi “bộ ba”.

Quang Huy (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.