Việc thiếu đi sự nhất quán trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump tạo ra sự rối bời, mất phương hướng đối với các cấp dưới, các đồng minh và cho cả các đối thủ.

Một tuần đầy biến động vừa qua của nước Mỹ khi đã ở mấp mé bờ vực chiến tranh với Iran đã cho thấy sự bất nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump, không chỉ tại Trung Đông, mà trên phạm vi toàn cầu.

Ông Trump cứng rắn về mặt công khai. Vấn đề là những mục tiêu chính sách của tổng thống, những kết quả mà ông muốn đạt được lại vô cùng mờ mịt.

Không chỉ những đối thủ của Mỹ là Iran, Triều Tiên hay Venezuela, mà cả những đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á cũng cảm thấy bối rối, theo Washington Post.

Giỏi châm ngòi khủng hoảng hơn tháo ngòi nổ

Những quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, ngồi cùng với ông trong Phòng Tình huống và được trao trách nhiệm thực thi các chính sách của tổng thống, phải hoài nghi liệu họ có làm vị tổng tư lệnh cảm thấy hài hòng.

Hệ quả là nước Mỹ có một tổng thống “lành nghề” trong việc châm ngòi những khủng hoảng chính sách đối ngoại, xuất hiện ngày một nhiều trong hai năm nhiệm kỳ đầu. Vấn đề là dường như ông Trump không thể tháo ngòi nổ chúng.

Sự bối rối này rõ ràng và nguy hiểm nhất trong vấn đề Iran. Ngoại trưởng Mike Pompeo năm 2018 đã đặt ra một loạt “các yêu cầu cơ bản” Iran phải đáp ứng để Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất trong lịch sử.

Washington yêu cầu Tehran chấm dứt ủng hộ các lực lượng phiến quân và khủng bố, làm hòa với láng giềng và chấp nhận một cơ chế giám sát đảm bảo không bao giờ phát triển vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Trump trao đổi với Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ảnh: AP.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton là tiếng nói cứng rắn nhất đòi thay đổi chế độ tại Iran. Trong khi đó, Tổng thống Trump lại nói mục tiêu của ông giới hạn trong việc đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân được ký dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama năm 2015.

“Chỉ cần ông Trump có thể nói ‘Tôi làm việc tốt hơn Obama’, tôi nghĩ ông ấy sẽ cảm thấy hài lòng”, Dennis Ross, chuyên gia về Trung Đông từng cố vấn cho hai đời tổng thống Mỹ, nhận định.

Những người ủng hộ ông Trump lại cho rằng ông ấy cố tình tạo ra sự mơ hồ khó tin và đó là một phần trong chiến lược đàm phán thiên tài của ông. Không có nhiều người lạc quan được như nhóm cử tri này.

“Ông Trump đàm phán bằng một danh sách những yêu cầu cực đại và hành xử như một gã điên nhất trong phòng, rồi sau đó ký một thỏa thuận mà ông xem là chấp nhận được.

Cuối cùng ông ấy sẽ gọi đó là thỏa thuận vĩ đại nhất từng được ký”, Mark Dubowitz, lãnh đạo tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ, nhận định.

Câu hỏi là liệu cách tiếp cận khó lường này sẽ buộc Iran với nền kinh tế chịu nhiều tổn thương chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán; hay liệu một chế độ bị đẩy vào đường cùng sẽ lôi Mỹ tiến gần hơn đến chiến tranh.

“Bạn không có lợi thế nào hết nếu không ai biết những mục tiêu của bạn là gì hay không ai dám tin bạn có đặt ra mục tiêu sẵn”, Jake Sullivan, người từng tham gia giai đoạn đầu của đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran, nhận định. “Cần phải có một logic mà những đối tác của bạn có thể hiểu được. Nếu bạn không cho họ manh mối nào, không thể buộc họ làm những điều mà bạn muốn”.

Trong khi đó, cách tiếp cận của Tổng thống Trump lại tạo rủi ro xảy ra những tính toán sai lầm dẫn đến chiến tranh. Những mối nguy hiểm này ngày càng rõ hơn trong tuần qua, khi việc chỉ cần vài tiếng hay thậm chí vài phút là Mỹ đã phát động không kích trả đũa vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái.

Tổng thống Trump nói vụ tấn công có thể khiến 150 người thiệt mạng. Ông quyết định hủy cuộc không kích vì cảm thấy hành động trả đũa này là không tương xứng.

Sau đó, nhà lãnh đạo 73 tuổi hứa “Iran sẽ không bao giờ có được vũ khí hạt nhân để chống lại Mỹ hay chống lại cả thế giới”.

Làm tất cả rối bời

Những hỗn loạn vừa qua khiến ngay cả các đồng minh và những người ủng hộ Tổng thống Trump trên truyền thông cũng phải bối rối.

Chỉ vài giờ sau khi ông rút lệnh không kích, Tucker Carlson, một bình luận viên Fox News từng cố vấn chính sách đối ngoại cho tổng thống, ca ngợi ông Trump đã kiềm chế những tiếng nói đòi chiến tranh.

Ngày hôm sau, Pete Hegseth, một đồng nghiệp khác của Carlson, lại lo ngại sự chần chừ này sẽ khiến Mỹ “trông yếu đuối” và tăng nhuệ khí cho Iran.

Cách ông Trump xử lý vấn đề Iran trong tuần qua gần như tuân theo đúng quy luật đã khiến chính sách đối ngoại trong các cuộc khủng hoảng khác trở nên phức tạp và làm Nhà Trắng của ông đau đầu.

Đầu năm nay, cố vấn John Bolton đề cập khả năng Mỹ dùng sức mạnh quân sự để buộc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro từ bỏ quyền lực, mở đường cho lãnh đạo đối lập Juan Guaido lên nắm quyền.

Theo Fernado Cutz, cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Trump và dưới thời Tổng thống Obama, nhiều thành viên phe đối lập thậm chí hy vọng sư đoàn lính dù 101 của Mỹ sẽ xuất hiện trên đường phố Caracas. Tổng thống Trump sau đó âm thầm rút phương án can thiệp quân sự khỏi danh sách lựa chọn.

“Chúng ta đang theo mô hình làm thật hoặc im luôn. Chúng ta khi đó đứng trước lựa chọn chứng minh những lời đe dọa của mình hoặc dừng nói về vấn đề Venezuela. Khi thời điểm đến, chúng ta quyết định dừng nói", ông Cutz đánh giá.

Iran hiện là vấn đề tạo ra nhiều nguy cơ đối với chính quyền của Tổng thống Trump. Ảnh: AFP.

Tương tự như vậy tại Triều Tiên, những phát biểu hùng hồn của Tổng thống Trump sau đó nhường đường cho những bất đồng nội bộ, và kết thúc trong sự mơ hồ với những lựa chọn về mục tiêu chính sách dài hạn.

Jung Pak, cựu sĩ quan tình báo Mỹ và hiện là chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings, cho rằng cách ông Trump xử lý vấn đề Triều Tiên đã gửi thông điệp tới nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

"Nếu ông Kim nhìn vào vụ việc Iran, ông ấy sẽ nói 'Tôi đã ở đúng hoàn cảnh đó, Trump chỉ là con hổ giấy với lời đe dọa kiểu như vậy'. Vậy người ta đối phó thế nào với một con hổ giấy? Ta chỉ cần đáp lại hung hăng hơn, như vậy sẽ lấn át mối đe dọa và giảm đi hậu quả của hành vi sai trái ban đầu", ông Pak nhận định.

Người ta ngày càng nhận ra rằng không có ai ngoài bản thân ông Trump thực sự hiểu rõ chính sách hoặc mong muốn của tổng thống, khiến cho phần còn lại của chính phủ gần như không thể làm đúng chức trách.

Victor Cha, cựu quan chức Nhà Trắng dưới thời cựu tổng thống George W. Bush, cho rằng tình hình hiện tại khiến các đồng minh châu Âu hay tại Seoul càng cảm thấy "người duy nhất họ cần đối thoại là tổng thống"

"Về chính sách, cách tiếp cận này khiến các cuộc đàm phán ở cấp làm việc trở nên vô nghĩa, làm cho những cuộc hội đàm cấp cao mất đi tính thực chất. Đây là vòng lẩn quẩn không có hồi kết", ông Cha nhận xét.

Hiện tại, vấn đề Iran dường như là mối đe dọa lớn nhất với Washington, khi mọi triển vọng đối thoại đều mơ hồ, trong khi khả năng tính toán sai lầm dẫn tới chiến tranh đang hiện hữu và có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố muốn đàm phán với Iran, nhưng cả Washington và Tehran đều đã đưa ra những đòi hỏi rõ ràng cho đối phương để trở lại bàn đàm phán.

"Cả hai bên đều cho rằng bản thân đang hành động tự vệ và coi đối phương là kẻ hiếu chiến. Điều này tạo ra vòng xoáy xung đột điển hình, dù đôi bên đều muốn tránh đối đầu", Colin Kahl, cựu nhân viên Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Obama, nhận định.

Duy Anh (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.