Dự báo được tình hình, năng động trong tư duy quản lý, kinh doanh giúp nhiều doanh nghiệp trụ lại và phát triển

Sáu tháng đầu năm 2012, cả nước có hơn 26.000 doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; số lượng DN mới đăng ký giảm 12,5%. Những con số này đã phản ánh thực trạng khó khăn của cộng đồng DN. Tuy nhiên, trong bức tranh xám màu này vẫn có những DN tăng trưởng, phát triển tốt.

Tránh thị trường độc quyền

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đồ gỗ Mifaco (Bình Dương), cho biết DN tham gia kinh tế thị trường nên không thể tránh những biến động. Điều quan trọng là DN dự báo, ứng phó ra sao.

Năm 2008, tín dụng trong nước bắt đầu thắt chặt sau một thời gian dài nới lỏng để tăng trưởng, lãi suất liên tục “dậy sóng”. Dự đoán kinh tế sẽ khó khăn, Mifaco chủ động họp bàn với các nhà cung cấp đề nghị giảm giá để giữ đơn hàng. Công ty cũng giảm giá cho khách hàng, giữ nguyên chất lượng để tạo niềm tin.

Sản xuất tại nhà máy thành viên Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn

Trong lúc nhiều DN chật vật tìm đầu ra cho hàng tồn kho, các sản phẩm thực phẩm chế biến đông lạnh của Công ty CP Thực phẩm Nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Saigon) vẫn tiêu thụ tốt. Riêng mức tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa tăng trưởng vượt dự kiến. Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Agrex Saigon, cho biết: Khi kênh phân phối truyền thống gặp khó, DN nên chuyển sang các kênh tiêu thụ khác để không bị ứ đọng hàng hóa.
Cần tránh độc quyền thị trường và nên đa dạng hóa kênh phân phối, tìm lối đi riêng mới mong thoát hiểm. Hiện công ty đang tập trung mạnh vào thị trường Úc - một trong số ít nước không bị ảnh hưởng khủng hoảng tài chính nên vẫn nhiều tiềm năng. Với thị trường nội địa, trước đây phụ thuộc lớn vào mạng lưới phân phối là các siêu thị BigC, Metro..., nay Agrex Saigon đã đẩy mạnh hàng vào hệ thống các siêu thị trong nước để tăng doanh thu.

Tính đường dài

Hiện không ít DN giải thể, phá sản do đầu tư ngắn hạn, chưa có tầm nhìn dài hạn nên không kịp ứng phó với những biến động của thị trường. Theo kinh nghiệm từ những DN “sống khỏe”, để phát triển bền vững, DN phải tăng năng suất lao động bởi hàng hóa nào giá rẻ, chất lượng, chi phí sản xuất thấp hơn sẽ có nhiều lợi thế hơn. Chẳng hạn, năm 2006, Mifaco có khoảng 1.000 lao động, doanh thu xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 5 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu đạt 12 triệu USD nhưng chỉ cần 650 lao động.

Còn theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Intimex Việt Nam, muốn phát triển trong tương lai, DN phải sống được ở hiện tại. Nếu năm 1999, kim ngạch xuất khẩu của Intimex là 23 triệu USD thì 6 tháng đầu năm 2012, con số này gần 500 triệu USD và dự kiến sẽ đạt 1 tỉ USD trong năm nay. “Không DN nào đứng ngoài ảnh hưởng suy thoái toàn cầu nên DN phải duy trì sự ổn định mới có cơ hội tăng lợi nhuận trong tương lai” - ông Nam nói. Vì vậy, DN cần tránh các rủi ro thông qua việc phối hợp liên kết với những DN ít rủi ro hoặc mua lại những DN đang rủi ro để cùng tồn tại. Có thể kết hợp với DN nước ngoài để duy trì tăng trưởng, giữ khách hàng…

Giữ chữ tín là cách mà Công ty Lập Phúc - chuyên sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác, khuôn mẫu - áp dụng để tồn tại, phát triển trong khó khăn. Lập Phúc là một trong những đơn vị tiêu biểu được Cục Thuế TPHCM tuyên dương thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế năm 2011 vừa qua. Cơ khí khuôn mẫu chính xác là ngành công nghiệp hỗ trợ nên khi cộng đồng DN gặp khó khăn, các DN ngành này cũng bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, Lập Phúc vẫn giữ được nhịp tăng trưởng 2 con số. Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Trí lý giải: Còn DN phát triển tốt nghĩa là mình còn cơ hội tìm kiếm, hợp tác với họ. Dù là đồng vốn cuối cùng cũng phải đầu tư vào sản xuất sản phẩm với chất lượng và chữ tín đặt lên hàng đầu rồi mới tìm cách tìm thêm khách hàng.

Bài học từ CNS

Trái với hình ảnh đóng cửa, ngừng hoạt động của nhiều DN, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) vừa lập 2 công ty con là Công ty TNHH một thành viên CNS Thạnh Phát - sản xuất cọc nhựa uPVC làm bờ bao chống ngập và Công ty TNHH CNS Amura Precision - chế tạo khuôn mẫu chính xác. CNS là một trong những đơn vị sản xuất kinh doanh có hiệu quả, vừa được chọn làm thí điểm tái cấu trúc DN Nhà nước trên địa bàn TPHCM. Có được thành công này, Phó Tổng Giám đốc CNS Vũ Đức Dũng cho biết ngay khi vừa thành lập, DN đã liên tục cải tiến, tái cấu trúc các nguồn lực, ngành nghề, chú trọng phát triển đổi mới DN. Kết quả từ năm 2006 đến nay, mức tăng trưởng bình quân luôn trên 17%/năm.
Theo Người lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Sống ổn nhờ lối đi riêng

    Sống ổn nhờ lối đi riêng

    24/07/2012 10:25 AM

    Dự báo được tình hình, năng động trong tư duy quản lý, kinh doanh giúp nhiều doanh nghiệp trụ lại và phát triển

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.