Hai cựu tổng thống Bush từ chối tuyên bố ủng hộ ông Donald Trump.
Nói về chiến dịch tranh cử của tỉ phú Donald Trump, ngày 5-5 (giờ địa phương), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan (đảng Cộng hòa) phát biểu trên đài truyền hình CNN: “Vào lúc này tôi chưa sẵn sàng ủng hộ”.
Ông khẳng định trước tiên ông Donald Trump cần phải tạo nhất trí trong đảng Cộng hòa.
Phát biểu trên được xem là lời trách cứ đầu tiên của các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa đối với ông Donald Trump.
Trong thời gian qua, họ đã yên lặng cho đến khi ông Donald Trump giành chiến thắng ở bang Indiana hôm 3-5 và hai đối thủ còn lại (Ted Cruz và John Kasich) thông báo bỏ cuộc.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nhấn mạnh: “Chúng tôi cần một người đề ra các chuẩn mực có thể kết nối mọi đảng viên đảng Cộng hòa, mọi thành phần bảo thủ, mọi xu hướng trong đảng và trình bày trước đất nước một chương trình hành động đủ sức thu hút những người độc lập và các đảng viên đảng Dân chủ tỉnh ngộ”.
Trùm kinh doanh bất động sản Donald Trump. Ảnh: AP
Báo Huffington Post ghi nhận có thể xem đây là đề bài đảng Cộng hòa đưa ra để ông Donald Trump điều chỉnh chiến lược tranh cử hòng tranh thủ sự ủng hộ của đảng.
Từ sau ngày bầu cử sơ bộ 3-5 ở bang Indiana, xem như ông Donald Trump đã một mình một ngựa thẳng tiến trên con đường lấy vé vào Nhà Trắng.
Báo Le Monde ghi nhận Donald Trump đã triệt hạ tổng cộng 17 đối thủ trên con đường tìm vị trí ứng cử viên tổng thống.
Không riêng gì Paul Ryan, nhiều nhân vật trong đảng Cộng hòa, từ ôn hòa đến bảo thủ, đều từ chối hậu thuẫn cho Donald Trump.
Nhiều đảng viên Cộng hòa phản đối ông Donald Trump cho biết có thể họ quay sang bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Ông Mark Salter, nguyên cố vấn của thượng nghị sĩ John McCain, viết trên Twitter: “Đảng Cộng hòa sắp đầu tư vào một hạng người đọc báo lá cải National Enquirer và tưởng trình độ của mình như thế”. Ông nhấn mạnh: “Tôi ủng hộ bà ấy (Hillary Clinton)”.
AFP ghi nhận từ ngày 3-5, các đảng viên đảng Cộng hòa đua nhau lên Twitter thề không bao giờ bỏ phiếu cho ông Donald Trump. Một số người còn đốt thẻ cử tri như nhà báo Lachlan Markay.
Philip Klein, chủ biên tạp chí Washington Examiner, tuyên bố: “Tôi chính thức rút tên khỏi đảng Cộng hòa”.
Đảng Cộng hòa đang đứng giữa hai làn nước là lựa chọn ứng cử viên tổng thống và trấn an phong trào “tất cả trừ Trump”.
Báo The Hill ghi nhận có hàng trăm nhân vật trong đảng Cộng hòa công khai tuyên bố không bầu cho Donald Trump. Trong số này có các thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Ben Sasse, các nghị sĩ Hạ viện Justin Amash và Mitt Romney (ứng cử viên tổng thống năm 2012).
Ngày 4-5, thượng nghị sĩ Ben Sasse nói công khai về khả năng tìm một ứng viên khác làm ứng cử viên của đảng Cộng hòa.
Đòn nặng ký nhất đối với ông Donald Trump là cựu Tổng thống George W. Bush (“Bush con”) và cựu Tổng thống George H. W. Bush (“Bush cha”) không tuyên bố ủng hộ ông trong khi đã từng ủng hộ hết mình cho ứng cử viên đảng Cộng hòa trong năm kỳ bầu cử tổng thống gần đây.
Ngày 4-5, người phát ngôn của “Bush cha” Jim McGrath biện bạch trên báo Texas Tribune rằng “Bush cha” đã 91 tuổi và không bàn đến chính trị nữa còn chuyện ủng hộ Jeb Bush trước kia là trường hợp ngoại lệ.
Jeb Bush, nguyên thống đốc bang Florida, em trai của “Bush con”, đã chạy đua tranh cử nhưng cuối cùng hồi tháng 2 thông báo rút lui. Tháng sau, Jeb Bush ủng hộ ứng viên Ted Cruz. Cuối cùng hôm 3-5, Ted Cruz cũng tuyên bố rút lui vì thất bại trước tỉ phú Donald Trump.
Cũng trên báo Texas Tribune, cố vấn riêng của “Bush con” cho biết ông George W. Bush không có ý định bình luận về chiến dịch tranh cử hiện nay.
Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không ưa nhau từ lâu
Reuters ghi nhận cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hiện nay có thể trở thành một trong các cuộc bầu cử ít được ưa thích nhất thế giới. Theo khảo sát của Reuters và Ipsos công bố hôm 5-5, trong 469 người bầu cho Donald Trump, 47% cho biết họ ủng hộ Donald Trump vì không muốn bà Hillary Clinton chiến thắng, 43% nói động cơ chính là thích quan điểm chính trị của Trump và 6% thích tính cách cá nhân của ông này. Trong 599 người bầu cho bà, 46% nói không muốn Donald Trump trở thành tổng thống, 40% hài lòng vì quan điểm chính trị của bà và 11% thích cá nhân bà.
Larry Sabato, Giám đốc Trung tâm Chính trị thuộc ĐH Virginia (Mỹ), nhận định kết quả khảo sát cho thấy đang có chia rẽ tư tưởng sâu sắc tại Mỹ khi mọi người ngày càng sợ đảng đối thủ. Ông nói: “Hiện tượng này được gọi là óc bè phái tiêu cực. Nếu tiếp tục đẩy mạnh hiệu ứng này, chúng ta sẽ không còn có thể tìm ra ứng cử viên tốt hơn Donald Trump và Hillary Clinton”.
Theo Reuters, tỉ phú Donald Trump chiếm được lòng tin của những người ủng hộ trung thành và thắng được những kẻ châm biếm gay gắt các kiến nghị và phát biểu cực đoan, lỗ mãng của ông. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton thu hút các cử tri mong muốn người kế tục thực hiện các chính sách của Tổng thống Obama song cũng có lực lượng chống đối mạnh mẽ vì các thiếu sót trong nhiệm kỳ của ông Obama.
GS Alan Abramowitz ở ĐH Emory, người nghiên cứu về sự gia tăng của tinh thần bè phái tiêu cực ở Mỹ, nhận định không khí tiêu cực sẽ vẫn thống trị, hai đảng chắc chắn sẽ làm việc cật lực hơn để phỉ báng phe kia. Ông ghi nhận đây sẽ trở thành khuynh hướng dài hạn. Nghiên cứu năm 2014 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy hai đảng đã thể hiện quan điểm ghét nhau từ vài thập niên qua. Năm 2014, hơn 1/4 đảng viên Dân chủ và hơn 1/3 đảng viên Cộng hòa đã xem đối thủ là “mối đe đọa đối với thịnh vượng quốc gia”.
Tôi đang chứng kiến vụ tự sát của một đảng có bề dày 160 năm.
Nhà phân tích chính trị Henry Olsen nhận xét về chiến thắng của Donald Trump
Có thể trong tương lai chúng tôi sẽ làm việc chung với nhau và chúng tôi nhất trí điều gì tốt nhất cho dân tộc Mỹ. Nhưng tôi chưa sẵn sàng ủng hộ chương trình ông Ryan đề ra.
Ứng viên tranh cử tổng thống DONALD TRUMP
Anh Đào - Dạ Thảo (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.