Q-Mobile, thương hiệu “made in Việt Nam” tuyên bố sẽ cho ra đời dòng smartphone với triết lý trải nghiệm và cạnh tranh nhất trên sản phẩm trong cùng phân khúc giá.

Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Điều hành Thương hiệu Điện thoại Q-mobile.

Cả thế giới đang bị chiếc smartphone (điện thoại thông minh) mê hoặc bởi hàng loạt tính năng chỉ bằng một động tác chạm-vuốt. Các “ông lớn” mải miết tung ra model mới.

Q-Mobile, thương hiệu “made in Việt Nam” cũng tuyên bố sẽ cho ra đời dòng smartphone với triết lý “trải nghiệm”- mang đến trải nghiệm tốt nhất và cạnh tranh nhất trên sản phẩm trong cùng phân khúc giá. Liên quan đến quyết định táo bạo này, NCĐT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Điều hành Thương hiệu Điện thoại Q-mobile.

Tại sao ông chọn thời điểm này để giới thiệu dòng smartphone mới?

Smartphone là xu hướng của thế giới, đã bắt đầu hơn 10 năm nhưng chỉ thực sự vào khoảng 4 năm nay. Cách đây 2 năm, chúng tôi đã ra mắt thế hệ smartphone đầu tiên là S10 nhưng chỉ có 1 sim.

Nhưng tại sao smartphone lại lên cơn sốt vào lúc này? Đây là thời điểm chín muồi. 80% dân số dùng thuê bao trả trước nên tất cả các hãng đều muốn nhảy vào. Theo xu hướng mới, chúng tôi thiết lập nhãn hàng riêng là Q-Smart. Q-Smart kế thừa tôn chỉ kinh doanh từ Q-Mobile là duy trì phân khúc số đông.

Tôi cho rằng, người tiêu dùng sẽ trung thành với một nhãn hiệu nếu nó mang đến những dịch vụ tốt và đáp ứng khách hàng có thu nhập hạn hẹp nhất. Do đó, Q-Smart đã phát triển 2 dòng sản phẩm: dưới 3 triệu đồng (có dòng S11, S1 và S15) và trên 3 triệu đồng, được tích hợp nhiều ứng dụng mới từ phần cứng cho đến nền tảng về phần mềm. Về cấu hình cơ bản, Q-Smart mới được hỗ trợ chip 2 - 4 nhân, tiêu chuẩn xử lý CPU 1GHz.

Tại sao Q-Smart đặt cấu hình lên hàng đầu?

Mục tiêu của chúng tôi là đem trải nghiệm đích thực về smartphone trên nhiều phân khúc. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến phân khúc vì nhiều người hay so sánh giữa Q-Smart với iPhone và S3. Có 2 nền tảng để đạt được trải nghiệm tốt là cấu hình CPU điều khiển, màn hình và Touch Panel (len cảm ứng). Người làm sản phẩm công nghệ cũng như anh đầu bếp, dù chỉ có 2 triệu đồng nhưng nhiệm vụ của anh là phải làm sao mang đến cho người dùng những món ăn ngon nhất.

Q-Mobile có quá mạo hiểm khi “xuất xưởng” dòng smartphone mới, bởi Apple cũng vừa giới thiệu iPhone 5?

Trước đây, sản phẩm S11 “chào sân” đã nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Hơn 10.000 máy được bán ra sau 2 tuần ra mắt. Sự thành công này cũng do người sử dụng có kiến thức về tiêu dùng sản phẩm. Tuy nhiên, trong các cuộc cạnh tranh, nếu bạn chỉ dừng lại ở nghe và gọi thì cũng khó để thành công. Nếu chúng ta biết sáng tạo, đưa sản phẩm lên tầm mới với cấu hình mạnh hơn, khả năng tương thích và tính năng nhiều hơn thì rất dễ được thị trường chấp nhận. Q-Smart mới không chỉ thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng bởi tính năng mà còn ở vấn đề tiết kiệm thời gian. Còn về Apple ra iPhone 5, chúng tôi không nghĩ họ sẽ làm lu mờ mọi thứ. Cũng giống như bạn xem một bộ phim, dù diễn viên chính được nhắc đến nhiều nhưng diễn viên phụ mới tạo ra giá trị thật, sống động cho phim.

Nhiều người cũng thắc mắc tại sao Q-Mobile lại quyết định đầu tư và làm mạnh dòng Q-Smart trong thời điểm thị trường gặp nhiều khó khăn và nhiều đối thủ. Tôi thì cho rằng, đây là cuộc chiến mang tính dài hạn. Một khi mình đã xác định đầu tư mang tính dài hạn và nghiêm túc thì lúc nào cũng là sự bắt đầu. Hơn nữa, khi làm chiến dịch marketing hay trưng bày sản phẩm, chúng tôi không hướng vào diện mạo. Theo tôi, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng sẽ cân nhắc khi lựa chọn một sản phẩm.

S11 và S15 khá thành công sau 2 tuần ra mắt. Vậy, ông kỳ vọng gì với Q-Smart?

Mục tiêu của Q-Smart khi được đầu tư là phải luôn luôn ở trong top 3 về thương hiệu smartphone tại Việt Nam, xét về yếu tố nhận diện thương hiệu lẫn doanh số bán. Q-Mobile từng có thời gian duy trì vị trí thứ hai trên thị trường điện thoại di động, tôi nghĩ áp lực của Q-Smart là tạo ra được những thành công như Q-Mobile. Tham vọng của tôi là phổ biến dòng sản phẩm smartphone cho nên xét về phương diện thị trường là không giới hạn nhưng trong giai đoạn đầu thì Công ty vẫn tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Q-Mobile làm cách nào để thuyết phục người tiêu dùng rằng, giá không hẳn đã đi đôi với chất lượng?

Về bản chất, Q-Smart chưa chắc đã rẻ hơn các hãng khác nhưng tốt nhất trong phân khúc. Nguyên lý của Công ty là không cạnh tranh về giá mà là về trải nghiệm. Chẳng hạn, với điện thoại giá từ 1 triệu đồng đến dưới 2 triệu đồng có màn hình chỉ 2,8 inch trong khi Q-Smart có màn hình cảm ứng 3,5 inches HVGA; với phân khúc giá từ 2-3 triệu đồng thì màn hình của Q-Smart đến 4 inches, sóng tốt, pin dùng lâu. Triết lý của sản phẩm là không bám vào giá để thuyết phục người tiêu dùng. Với cùng phân khúc giá, chúng tôi cố gắng tạo ra các sản phẩm tốt nhất. Triết lý thứ hai là đem lại những trải nghiệm và cảm nhận của sản phẩm cao cấp xuống phân khúc thấp hơn. Trong quý IV này, bạn sẽ thấy nhiều sản phẩm cao cấp quốc tế bán trên 10 triệu đồng nhưng chúng tôi sẽ sử dụng những nguyên liệu của các hãng cao cấp cho dòng smartphone mới với giá từ 4-6 triệu đồng.

Khó khăn lớn nhất khi ông đưa Q-Smart đến người tiêu dùng Việt Nam là gì?

Dân số Việt Nam rất trẻ, nhiều người thu nhập chỉ 5 triệu đồng/tháng nhưng sử dụng điện thoại có cấu hình mạnh, trên 10 triệu đồng. Song, họ vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, tôi tin rằng, theo thời gian, họ sẽ đặt câu hỏi, tại sao họ phải chi quá nhiều tiền để mua một sản phẩm, thay vì họ có thể trả thấp hơn để có được sản phẩm với cùng tính năng và cấu hình.

Theo Nhịp cầu Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.