Singapore và Hồng Kông đã lần lượt vượt qua Mỹ để giành vị trí số 1 và 2 trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới năm 2019 do Viện phát triển quản lý quốc tế (IMD) vừa công bố.

Ảnh minh họa.

Danh sách của IMD được lựa chọn dựa trên việc đánh giá nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là GDP, chi tiêu công của chính phủ, mức độ tham nhũng và thất nghiệp.

Năm nay, Singapore giành lại được vị trí nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới sau 9 năm từng giành được vị trí này vào năm 2010.

Mỹ trượt khỏi vị trí số 1 do chịu tác động của giá nhiên liệu cao hơn, xuất khẩu suy yếu và biến động của đồng đô la, trong khi đó, Hồng Kông vẫn trụ vững ở vị trí số 2.

Sự vươn lên dẫn đầu của Singapore được thúc đẩy bởi cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, lực lượng lao động lành nghề, luật nhập cư thuận lợi và các điều kiện để thành lập doanh nghiệp mới thông thoáng.

Hồng Kông xếp vị trí thứ hai và được đánh giá cao bởi chính sách thuế và luật kinh doanh cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng.

Theo báo cáo Chi phí sinh hoạt toàn cầu công bố hồi đầu năm, Singapore cùng với Paris và Hồng Kông là những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, Tuy nhiên, đất nước này lại có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất thế giới ở mức 17%.

Ngoài Singapore, một số quốc gia khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng thăng hạng nhờ cơ sở hạ tầng công nghệ ngày càng hiện đại và có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.

Dưới đây là 25 quốc gia có nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới trong số 63 quốc gia được IMD đưa vào danh sách đánh giá:

25. Thái Lan tăng 5 bậc so với năm 2018 nhờ sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài và năng suất lao động.

24. Israel xếp ở vị trí thứ 21 năm 2018 nhưng tụt xuống vị trí 24 năm nay do các chỉ số hiệu quả hoạt động của chính phủ (trong đó có thâm hụt ngân sách) giảm điểm.

23. Anh giảm ba bậc so với năm ngoái do tác động tiêu cực của Brexit.

22. Malaysia giữ nguyên thứ hạng như năm ngoái.

21. New Zealand tăng hai bậc so với năm 2018.

20. Iceland tăng 4 bậc

19. Áo tụt một bậc so với thứ hạng 18 năm ngoái.

18. Úc tăng một bậc so với thứ hạng 19 năm ngoái.

17. Đức xếp hạng 15 trong năm 2018.

16. Đài Loan tăng một bậc trong bảng xếp hạng năm nay.

15. Phần Lan đã tăng một bậc so với năm 2018.

14. Trung Quốc giữ nguyên thứ hạng 13 như năm ngoái.

13. Canada giảm 3 bậc trong bảng xếp hạng năm nay.

12. Luxembourg rớt một bậc so với năm 2018.

11. Na Uy đã giảm 3 bậc so với thứ hạng 8 năm ngoái.

10. Qatar tăng 4 bậc so với năm ngoái.

9. Thụy Điển giữ nguyên thứ hạng như năm ngoái.

8. Đan Mạch giảm 2 bậc so với năm 2018.

7. Ireland tăng 5 bậc so với năm ngoái.

6. Hà Lan giảm 2 bậc trong bảng xếp hạng năm nay.

5. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 2 bậc so với vị trí thứ 7 năm ngoái.

4. Thụy Sĩ tăng một bậc trong bảng xếp hạng năm nay.

3. Mỹ rớt xuống vị trí số 3 sau khi được xếp hạng là nền kinh tế cạnh tranh nhất năm ngoái.

2. Hồng Kông giữ nguyên vị trí thứ hai.

1. Singapore chiếm vị trí số 1 sau khi xếp ở vị trí thứ ba năm ngoái.

Kiều Châu (Bizlive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.