Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngoại đang nhòm ngó thị trường Việt Nam, lãnh đạo Hiệp hội Bán lẻ cho biết cần có những tính toán thận trọng, tránh việc doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm hoàn toàn.

Với dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người gia tăng và thích tiêu dùng, Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường hấp dẫn với các nhà bán lẻ trên thế giới. Sau những ông lớn như Metro, Big C, Lotte, hàng loạt tên tuổi khác cũng đang lên kế hoạch mở siêu thị tại Việt Nam như Aeon, E- Mart... Một số lựa chọn phương thức đầu tư trực tiếp, song có bên lại lựa chọn phương thức hợp tác như Fairprice (Singapore) bắt tay Saigon Co.op mở đại siêu thị tại TP HCM, hay như Phú Thái từng liên kết với nhà đầu tư Nhật Bản và hiện tìm đối tác mới.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng nhận định thị trường bán lẻ rơi vào tay nước ngoài là chưa chính xác. Ảnh: Thi Hà

Ông Vũ Vĩnh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị nhận định, nhiều đại gia nước ngoài thích liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước nhằm tránh được khâu rà soát ban đầu, lại tận dụng được hình ảnh và mạng lưới sẵn có của doanh nghiệp để tiếp cận khách hàng nhẹ nhàng hơn.

Trao đổi tại diễn đàn "Thị trường bán lẻ Việt Nam - Cơ hội và thách thức" mới đây, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh các doanh nghiệp phải thận trọng lựa chọn đối tác. "Thà chậm mà chắc còn hơn ào ào, tránh việc chỉ vì một số tiền mà phải nhường cổ phần cho đối tác nước ngoài để một ngày nào đó, họ sẽ nuốt chửng doanh nghiệp chúng ta", bà Loan nói.

Bản thân Phú Thái, một doanh nghiệp đang lên kế hoạch hợp tác với nước ngoài cũng cho hay cần có tính toán thích hợp, khôn ngoan. "Chúng tôi đã lên kế hoạch hợp tác với tập đoàn nước ngoài, nhưng hợp tác trong lĩnh vực gì, đến đâu, tỷ lệ vốn vao nhiêu thì cần phải suy nghĩ", ông Phạm Quốc Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết.

Nhận định đối thủ rất mạnh về tài chính và kinh nghiệm quản lý khi doanh số của siêu thị nước ngoài lớn hơn từ 20-30 lần so với doanh nghiệp Việt, song bà Loan không tán đồng với quan điểm thị trường bán lẻ đang bị nước ngoài "lấn át". "Thực tế cho thấy ngành bán lẻ Việt Nam không suy sụp mà từng bước nâng cao sức cạnh tranh. Nhận định thị trường bán lẻ rơi vào tay nước ngoài là chưa chính xác", bà Loan phát biểu.

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội các nhà bán lẻ, các chuyên gia, người nước ngoài lại yêu thích các siêu thị Việt Nam hơn như FiviMart, Co-op Mart. Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, đến cuối 2012, các tập đoàn nước ngoài chiếm khoảng 4% trong tổng số 700 siêu thị. Còn với 125 trung tâm thương mại, nước ngoài chiếm khoảng 25%. "Điều này chứng tỏ chúng ta nhiều hy vọng hơn về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ Việt, cũng là động lực để doanh nghiệp tăng cường đổi mới để phát triển", vị Chủ tịch Hiệp hội cho biết.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ thất bại của 4 "ông lớn" Hapro, Satra, Phú Thái và Saigon Co.op trong việc hợp tác xây dựng một thương hiệu lớn, bà Loan khuyến nghị cần có những chính sách và quy định mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn cử như đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu thị trường, xu hướng mua sắm… Ngoài ra, phải tạo ưu đãi cho doanh nghiệp bán lẻ trong giao, cho thuê đất, như cho phép sử dụng mặt bằng tại các tuyến metro, công trình công cộng để xây dưng các điểm bán lẻ dưới lòng đất

"Nhà nước phải tập trung xây dựng khoảng 20 nhà bán lẻ hàng đầu hoặc 10 doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao, sức lan tỏa mạnh", bà đề xuất.

Phương Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.