Mới đây, một ngân hàng đã tiến hành siết nợ kho hàng của Công ty CP thương mại Điện máy Việt Long do DN này không trả nợ đúng hạn. Một ngân hàng khác còn trấn giữ luôn mặt bằng kinh doanh của siêu thị, tự bán hàng để thu hồi nợ.

Là một trong những thương hiệu Việt đầu tiên trong lĩnh vực bán lẻ điện máy, nhưng từ lâu, Việt Long đã trong tình cảnh hết sức khó khăn do mặt hàng này tiêu thụ chậm. Nhiều nhà cung cấp không bán hàng trả chậm nữa mà yêu cầu phải thanh toán ngay. Giữa năm nay, Việt Long đã phải đóng cửa siêu thị điện máy lớn tại Hà Đông. Việc siết nợ cũng là điều đã được dự báo từ trước, bởi Việt Long nợ ngân hàng nhưng không thanh toán được.

Một nguồn tin trong giới kinh doanh điện máy cũng cho biết, một DN điện máy có 3 siêu thị lớn tại Hà Nội, thời gian qua phá giá liên tục và thua lỗ nặng nề, không thể trả nợ vay, cũng bị một ngân hàng siết nợ. Sau khi siết nợ song, ngân hàng này thế chỗ, kinh doanh bán lẻ điện máy luôn.

Hiện tượng ngân hàng chuyển hướng sang mở siêu thị thời gian qua đã và sẽ còn tiếp diễn nhiều trong thời gian tới.

Siêu thị điện máy Việt Long tại Hà Đông từng bị đào đường trước mặt để buộc phải chuyển đi, trả lại mặt bằng bên cho thuê (ảnh GDVN)

Nhiều ngân hàng hiện là chủ nợ của các siêu thị, nay siêu thị kinh doanh bết bát nên phải siết nợ để tự kinh doanh với hy vọng thu hồi vốn. Bên cạnh đó, nhiều nhà băng lại cho các DN bất động sản vay, rồi cũng không thể trả nợ nên bị siết mặt bằng tại các tòa nhà của con nợ. Rồi ngân hàng tiến hành kinh doanh, không cho thuê được thì mở phòng giao dịch, thừa thì mở luôn siêu thị.

Không thể phủ nhận việc các ngân hàng có những lợi thế nhất định khi đầu tư vào kinh doanh siêu thị, đó là nguồn vốn dồi dào, có mặt bằng từ việc siết nợ với vị trí thuận lợi...

Tuy nhiên, việc kiểu kinh doanh này chưa hẳn đã hiệu quả. Cán bộ ngân hàng, nhân viên tín dụng... giờ chuyển sang nghề tay trái là đi bán bàn là, quạt cây, điều hòa, tủ hút mùi, máy giặt... thì kinh nghiệm hầu như không có.

Kinh doanh siêu thị - nghề tay trái không dễ với ngân hàng (ảnh minh họa)

Trên thực tế, mới đây, một tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và tài chính ngân hàng cũng tiến hành mở hướng sang phát triển hệ thống siêu thị với tham vọng trở thành một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất toàn quốc. Tuy nhiên, vừa mở ra thì một siêu thị đã bị phát hiện có nhiều sai phạm, như các mặt hàng rau củ quả tươi, bánh kẹo, hạt dẻ, đồ khô... vi phạm quy chế nhãn mác. Thậm chí, nhiều sản phẩm của một đơn vị sản xuất khác được sang bao, đóng gói nhưng lại gắn nhãn mác của siêu thị và không đề hạn sử dụng. Đặc biệt, tại khu vực kinh doanh ăn uống trong khuôn viên siêu thị, nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm như nhân viên không sử dụng găng tay, thực phẩm chín không có tủ bảo quản, chưa có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm... và bị dọa đóng cửa.

Nếu kinh doanh như vậy, nếu không bị các cơ quan chức năng ra quyết định đóng cửa thì cũng sớm bị khách hàng tẩy chay.

Đấy là chưa kể đến các hạn chế khác, như nguồn nhân lực, dịch vụ hậu cần, chiến lược phát triển dài hạn, sự liên kết... Các siêu thị mở theo kiểu này chắc chắn thiếu hẳn khả năng khai thác nguồn hàng chuyên nghiệp mà chỉ dừng ở mức có gì bán nấy. Khi hàng hóa không phong phú, giá cả không cạnh tranh, chất lượng không được quản lý tốt, thương hiệu không được xây dựng trên nền tảng vững chắc thì việc kinh doanh siêu thị sẽ khó mà thành công.

Trần Thủy (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.