Ông Shinzo Abe được kì vọng là "Margaret Thatcher" của Nhật Bản và tình hình kinh tế, chính trị ở xứ hoa anh đào sẽ chuyển biến ra sao... là câu hỏi, mà dư luận quốc tế quan tâm.
Trước kia, hồi năm 2006-2007, ông Abe từng giữ chức Thủ tướng Nhật. Tuy nhiên, nhiệm kì đó, với chút lúng túng, ông chưa hoàn thành được nhiệm vụ trên cương vị người đứng đầu Chính phủ. Ông mong muốn sửa đổi Hiến pháp mà ít người muốn điều đó xảy ra và ý định này đã không đi đến đâu. Cùng lúc đó, Đảng Dân chủ tự do của ông thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 cùng năm. Đến năm 2009, đảng này vẫn chưa thể nắm quyền trở lại trong Thượng viện sau gần một nửa thế kỉ liên tục cầm quyền.
Không lâu sau thất bại, ông Shinzo Abe cũng đã từ chức Thủ tướng vào tháng 10/2007. Trong buổi họp báo, với khuôn mặt xanh xao và vầng trán ướt đẫm mồ hôi, ông Abe đã chính thức tuyên bố từ chức. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân khiến ông ra đi là do những sai lầm chính trị, tuy nhiên nhiều phụ tá trong chính quyền ông Abe đồn đoán rằng, có thế do chứng bệnh về đường ruột đã khiến ông không có đủ sức khỏe giữ cương vị quan trọng.
Lần trở lại chính trường trên cương vị Thủ tướng, ông Shinzo Abe được kì vọng sẽ cải thiện tình hình kinh tế - chính trị của Nhật Bản sau nhiều năm lâm vào cảnh trì trệ.
Tuy nhiên, tháng 12.2012, ông Abe một lần nữa quay trở lại cương vị Thủ tướng. Không giống như nhiệm kì lần trước, lần này, ông Shinzo có sự trang bị tốt hơn. Đơn cử, ông đã vận dụng chính sách kinh tế có tên gọi là Abenomics, một chính sách với ba mũi nhọn nhằm phục hồi kinh tế Nhật sau 20 năm trì trệ. Ngoài ra, ông thực hiện chương trình nghị sự bảo thủ, hiếu chiến. Nhiều chuyên gia bình luận, với sự chuẩn bị như vậy, ông Abe có khả năng tiếp tục giữ chức Thủ tướng ít nhất tới năm 2016. Nếu ông Abe có thể làm Thủ tướng trong 5 năm (2012-2016), thì đó là một tín hiệu mừng cho nền chính trị Nhật khi liên tục thay tướng. Trong lịch sử chính trị Nhật trong vòng 30 năm gần đây, chỉ có 2 thủ tướng có nhiệm kì 5 năm, gồm: Yasuhiro Nakasone (1982-87) và Junichiro Koizumi (2001-2006).
“Đó là một thời điểm quan trọng đối với Nhật Bản. Đã không có cuộc bầu cử toàn quốc nào trong 3 năm nay, cũng như những đảng đối lập đủ mạnh và cả những cá nhân có đủ sức đánh bại ông Abe ngay trong nội bộ Đảng Dân chủ tự do”, ông Hiroaki Fujii, cựu Đại sứ của Nhật tại Anh và hiện là Chủ tịch của Trung Tâm Mori Arts ở Tokyo, cho hay.
Nhiều chuyên gia đã đưa ra những giả thiết để giải thích cho sự trở lại “ngoạn mục” của ông Abe. Họ cho rằng, sự phục hồi sức khỏe đã giúp ông quay lại nghị trường nhờ thuốc Asacol, một loại thuốc chuyên trị chứng bệnh viêm loét đại tràng. Trong một bài phát biểu ở Guildhall, London hồi tháng 6, ông Abe đã ca ngợi loại thuốc này như sau: “Nếu không nhờ thuốc này, có lẽ tình hình sức khỏe của tôi sẽ không thể hồi phục và tôi cũng không thể có mặt để nói chuyện với các bạn được”.
Tuy nhiên, việc hồi phục sức khỏe không thể là nguyên nhân chính để đưa ông trở lại chính trường Nhật Bản. Vì vậy, họ đã đưa ra nhiều giả định. Thứ nhất, tình hình tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Trung Quốc trở nên ngày càng căng thẳng. Thứ hai, lý do có lẽ quan trọng hơn cho sự trở lại chính là chính sách kinh tế tên là Abenomics nhằm hồi phục nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau suốt 15 năm lâm vào tình trạng trì trệ.
Chính sách này có 3 mục tiêu chính: sự linh hoạt tài khóa, cải cách cơ cấu và kích thích tiền tệ nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế. Theo đó, ông tập trung vào “mũi tên thứ ba”: cải cách cơ cấu nền kinh tế nhằm làm tăng tốc độ tăng trưởng thông qua một vài ý tưởng như bãi bỏ một số quy định không hợp lý, nâng cao sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động, tính linh hoạt trong sử dụng lao động và chính sách nhập cư cởi mở. Trong một bài phát biểu ở London, ông Abe đã nêu tên bà Margeret Thacher, người đã có công rất lớn trong việc vực dậy nền kinh tế nước Anh đang trong giai đoạn “hấp hối”.
Về gia thế của ông Abe, trong cuốn tự truyện "Towards a Beautiful Country”, ông đã nhắc tới ông ngoại Nobusuke Kishi, một quan chức hàng đầu của Nhật Bản. Ngoài ra, trong số người thân, còn có ông chú Eisaku Sato - từng làm thủ tướng và người cha Shintaro Abe, một cựu ngoại trưởng.
Chính sách kinh tế Abenomics với mục tiêu nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế là một điểm nhấn trong nhiệm kì này của ông Abe.
Có thể nói, sự trở lại chính trường của ông Abe trong lần nhiệm kỳ này sẽ đem lại những chuyển biến ra sao ở Nhật Bản chính là câu hỏi mà dư luận quốc tế quan tâm. Việc sửa đổi hiến pháp hòa bình đã gây ra những lo lắng từ một số quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc.
Cùng với đó, trong cuộc cải cách giáo dục, ông Abe đã cho sửa đổi nhiều bản sách giáo khoa, loại bỏ những phần về tội ác chiến tranh của Nhật trong Thế chiến II như cuộc thảm sát Nam Kinh hay như vấn đề nô lệ tình dục. Động thái này đã khiến hai nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc cảm thấy không hài lòng...
Để xoa dịu dư luận, ông Abe đã khẳng định rằng, mối quan tâm hiện nay của mình chính là hồi sinh lại nền kinh tế Nhật Bản nhiều năm lâm vào tình trạng trì trệ và bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và thảm họa sóng thần năm 2011.
Thanh Nga (Kiến thức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.