Chiều 15/9, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã trả lời một số cơ quan báo chí về tiến trình IPO của hãng hàng không này.

Xin ông cho biết quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của VNA, những yêu cầu của nhà đầu tư chiến lược để tham gia mua cổ phần của VNA?

- Ông Phạm Ngọc Minh: Phương án cổ phần hóa (CPH) đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua rất rõ, các nhà đầu tư chiến lược cũng như nhà đầu tư nhỏ đều hiểu thông điệp của Chính phủ, cam kết để công ty cổ phần kế thừa các cam kết trước đây về đầu tư phát triển đội tàu bay, kết nối mạng đường bay của VNA. CPH phân kỳ giai đoạn, giai đoạn đầu Chính phủ vẫn nắm 75%, sau khi tăng vốn vẫn chiếm 65%, nhà nước vẫn giữ chi phối đa số tuyệt đối.

Hiện nay có hơn một hãng hàng không đang quan tâm đến VNA, chúng tôi đang xúc tiến tất cả công việc với tư vấn Morgan Stanley và Citi Group để làm các bước với NĐT chiến lược. Mục đích của VNA trong việc tìm kiếm NĐT chiến lược sẽ đồng hành trong quá trình phát triển dài hạn, chia sẻ lợi ích, mục tiêu phát triển hãng hàng không Việt Nam với các giá trị cốt lõi là hàng không, chứ không phải là bất động sản, ngân hàng…

Giá trị ở đây là đội tàu bay, mạng đường bay tương đối tiếp cận công nghệ hiện đại, cơ sở khách hàng trên 750.000 hội viên. Nếu một hãng hàng không đặt vấn đề thành cổ đông chiến lược của VNA, sẽ không cần phát triển mà có thêm được mạng đường bay rất lớn cũng như hội viên khách hàng, mang lại lợi ích cho cả 2 bên.

VNA rất quan tâm đến NĐT chiến lược, sẵn sàng chia sẻ lợi ích. Với các NĐT tài chính, nếu quan tâm ở góc độ ngắn hạn, đòi hỏi hiệu quả cao hơn cho khoản đầu tư sẽ mang lại sức ép cho điều hành trong tương lai.

Chúng tôi cũng phải có thỏa thuận kỹ lưỡng với NĐT chiến lược, không chỉ lợi ích, mà sự tham gia sâu của họ vào quá trình quản lý và điều hành trong công ty cổ phần, không chỉ vấn đề minh bạch, chuẩn mực, mà cần có sự thay đổi để quản trị DN tốt hơn trong môi trường cạnh tranh quốc tế khắc nghiệt.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Thành viên HĐTV của VNA:

- Hiện nay, Thủ tướng đã phê duyệt phương án CPH, dự kiến IPO cuối tháng 11/2014, triển khai bán cổ phần chiến lược theo quy định. Chúng tôi sẽ hoàn thành bản công bố thông tin bản cáo bạch vào cuối tháng 9, cuối tháng 10 hoàn thiện công bố cho nhà đầu tư. Lộ trình tiếp tục triển khai về cơ bản vẫn bám sát các mục tiêu đã đề ra, cuối năm cơ bản hoàn thành IPO trong nước, chuyển sang công ty cổ phần.

Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán VNA:

- Hiện nay, giá phê duyệt trong phương án Bộ trình Chính phủ phê duyệt là 22.300 đồng/CP, Thủ tướng ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hôm nay chúng tôi đã có tờ trình Bộ, gồm 3 nội dung: Bộ trưởng xem xét phê duyệt mức giá khởi điểm, quy trình lựa chọn NĐT chiến lược, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian để thực hiện IPO.

Mức giá khởi điểm dựa trên các tổ chức tư vấn quốc tế, không chỉ giá trị thực hiện tại mà cả tương lai của VNA. Giữ nguyên mức giá trình Bộ là 22.300 đồng/CP.

- Xin cho biết cụ thể tiêu chí lựa chọn NĐT nước ngoài, VNA kỳ vọng gì vào sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ? vấn đề thặng dư vốn để lại cho VNA giải quyết thế nào?

Ông Trần Thanh Hiền: Quyết định của Thủ tướng phê duyệt IPO của VNA có 2 điểm: VNA kế thừa trách nhiệm và nghĩa vụ sau khi chuyển sang cổ phần. Không phải đi xin cơ chế ưu đãi cho công ty cổ phần, mà tiếp tục thực hiện các cam kết trước đây của Chính phủ với việc mua đội tàu bay. Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng nguồn thu từ CPH để bổ sung phần vốn điều lệ của nhà nước tại DN. Sau khi có hướng dẫn, VNA sẽ thực hiện theo quyết định của Bộ Tài chính.

Ông Phạm Ngọc Minh: Tiêu chí lựa chọn NĐT chiến lược có tiềm lực tài chính, cam kết lâu dài xây dựng và phát triển VNA, không phải với mục tiêu ngắn hạn hay VNA rất cần tiền của NĐT đó. Thông qua NĐT có cơ hội mở rộng thị trường phát triển, tiếp cận các nguồn công nghệ mới mà chúng ta đang khó khăn, có cơ hội tiếp cận thị trường.

Các NĐT có đội tàu bay mới, hạ tầng hiện đại là cơ sở để phát triển cho VNA, cũng như nâng cao năng lực quản trị DN. Qua đó sẽ xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn NĐT chiến lược để Bộ GTVT phê duyệt, có thể là hãng hàng không hoặc NĐT tài chính chuyên nghiệp, có thứ tự lựa chọn đánh giá mục tiêu, ý định của họ.

- Trong quá trình IPO một số tập đoàn, tổng công ty lớn chuẩn bị kỹ về hậu IPO? VNA có tính đến phương án không bán hết sẽ xử lý như thế nào? Sau IPO, bao giờ VNA niêm yết trên sàn chứng khoán?

Ông Phạm Ngọc Minh: Chúng tôi sẽ làm đầy đủ thủ tục như công khai thông tin cho công chúng, NĐT. Trường hợp phát hành không hết, sẽ phải báo cáo với Ban chỉ đạo CPH phát hành tiếp hay dừng lại. Quyết định của Chính phủ là niêm yết khi được chuẩn bị đầy đủ, vào thời điểm thích hợp.

Hậu CPH là quá trình kinh doanh 5 năm sau CPH sẽ được đưa ra thuyết trình NĐT: phát triển mạng đường bay ít thay đổi, sẽ tính đến bổ sung mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn với các mạng đường bay xuyên lục địa, các biến động đe dọa khủng hoảng khó dự tính hơn, như đại dịch Ebola, nếu lây qua đường không khí sẽ là cơn khủng hoảng khủng khiếp với các hãng hàng không. Hay vụ MH17 chưa bao giờ nghĩ tên lửa phòng không bắn rơi máy bay, môi trường hàng không bị đe dọa bởi các yếu tố khó lường hơn trước. Tìm kiếm một NĐT đồng hành, đủ tiềm lực để dựa vào nhau, với mạng đường bay đủ rộng, để cân bằng lợi ích.

- VNA đặt kỳ vọng gì vào vị thế sau CPH? Khi tách dần khỏi bầu sữa nhà nước, khó khăn với VNA là gì?

Ông Phạm Ngọc Minh: Vị thế của VNA trên thị trường, mạng lưới đường bay và đội tàu bay sẽ tiếp tục phát triển, mong muốn các NĐT chia sẻ. không phải tất cả các NĐT đều ủng hộ khi xem xét kỹ chương trình này. Ngay cả các nhà sản xuất máy bay thế giới nói không phải hãng nào như VNA thay đổi toàn bộ đội tàu bay, 3 năm để thay toàn bộ, cùng lúc đội máy bay sang Boeing 787, sớm hơn các thị trường Đông Nam Á khác.

Mục tiêu thay đổi hoàn toàn diện mạo của hãng, không chỉ đội tàu bay, mà công nghệ, phương thức điều hành hiện đại, tiện nghi lợi ích cho khách hàng. Năm VNA sẽ xếp hạng khoảng 4 sao, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á, về quy mô không so được với Singapore Airlines, hay vượt hàng không Thái, nhưng quy mô không kém so với các hãng lớn khác trong khu vực. Cuối 2015 khi VNA định hình đội tàu bay 787, 350 bay xuyên lục địa, VNA đứng thứ mấy ở Đông Nam Á sẽ rõ hơn nhiều về quy mô chuẩn công nghệ, dịch vụ.

Hiện nay, VNA đang thoái vốn từ các lĩnh vực đầu tư khác như thế nào?

Ông Trần Thanh Hiền: Hiện có 2 danh mục thoái vốn. Chúng tôi đã hoàn thành thoái vốn trên 70% với Techcombank và Bảo Minh. Vừa rồi chúng tôi tiếp tục thoái vốn khỏi Công ty Chứng khoán Hòa Bình… rút đầu tư ngoài ngành, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.

- Vai trò của VNA ở Hãng hàng không Jestar Pacific sau IPO sẽ như thế nào?

VNA vẫn giữ cổ phần áp đảo tại JPA, hiện là 70%, sẽ không thoái vốn xuống dưới 50%, đây là sản phẩm trong dải sản phẩm buộc phải có, vì trước khi có JPA, VNA đã tính tới thành lập một hãng giá rẻ. Với danh mục đầu tư ra ngoài, định hướng tập trung vào giá trị cốt lõi, nhân lực, vật lực, không thể phân tán vào quá nhiều DN.

Vừa rồi đề xuất CP bổ sung thêm danh sách các DN thoái vốn toàn bộ như xây dựng hàng không, in hàng không, chỉ còn lại các DN trong dây chuyền vận tải đồng bộ và các hãng cấu thành dải sản phẩm.

Hà Anh (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.