Vừa điều hành kinh doanh hiệu quả, vừa có thể chơi đàn và hát hay - đó là cách doanh nhân tự thể hiện mình trong cuộc sống.

Được thành lập từ năm 1992, TTT Corporation, (viết tắt tên của ba người sáng lập: Trần Minh Tâm, Trần Khánh Trung và Lê Bá Thông) hiện là một trong những công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực thiết kế, thi công, trang trí nội thất cao cấp tại Việt Nam. Công ty này dựa trên 3 trụ cột được "phân vai" rất rõ ràng. Một Chủ tịch HĐQT- KTS Trần Minh Tâm chuyên tâm lo chiến lược; một Giám đốc thiết kế Trần Khánh Trung chuyên trách tất cả những công việc chuyên môn và một CEO Lê Bá Thông chuyên tâm cho việc điều hành công ty theo đúng chiến lược của HĐQT. Những người đã biết ông Trần Minh Tâm sẽ không ngạc nhiên khi biết, TTT gần đây đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - mở trường dạy nhạc MPU - bởi các thành viên Hội đồng quản trị TTT thường "đình đám" với những cuộc chơi "doanh nhân hát" từ nhiều năm nay. Ông Tâm có vợ là giảng viên Nhạc viện TP.HCM, 2 người con cũng có thể chơi nhạc trong các cuộc giao lưu, biểu diễn. Ông cũng có thể tự đệm piano và chơi những nhạc cụ khác….

Ông Trần Minh Tâm đã chia sẻ cùng Doanh Nhân quan niệm thú vị về "kỹ năng mềm" thông qua câu chuyện kinh doanh trường âm nhạc MPU.

Giáo dục - một thị trường rộng lớn

- Thưa ông, nghe bạn bè nói gần đây ông mở thêm trường dạy nhạc MPU. Điều này có liên quan gì với những chương trình "Doanh nhân hát" lâu nay ông vẫn tham gia? Và vì saoTTT lại đầu tư vào trường dạy nhạc?

Cũng có liên quan một phần khi nhóm "doanh nhân hát" nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người rồi bạn bè thỉnh thoảng nhờ tôi tư vấn cho con họ học nhạc ở đâu. Cũng có những bậc phụ huynh muốn con họ có thứ gì đó "lành mạnh hơn chơi games" thì trường dạy nhạc cũng là một giải pháp. Thật sự là trong những năm gần đây, tôi thấy thị trường ca nhạc nhẹ thu hút nhiều người quan tâm. Họ không chỉ thưởng thức mà mơ ước mình là người biểu diễn còn "ẩn náu" trong không ít người. Từ nhu cầu này, chúng tôi thấy cần phải có một trường dạy nhạc theo định hướng của thị trường. Tôi có tìm hiểu và biết cách dạy của nhạc viện rất bài bản, nhưng chuyên nghiệp quá. Cả ngàn người được đào tạo chỉ có vài người theo đến tận cùng mà tốt nghiệp rồi, cũng rất khó khăn để sống với nghề. Nhưng xã hội cũng cần những người có khả năng đàn, hát ngẫu hứng theo cách: chơi cho mình và cho mọi người ở các buổi giao lưu cộng đồng cho việc giải trí, giao tiếp thông qua "con đường âm nhạc". Đây là hướng đào tạo bán chuyên và quá trình đào tạo được rút gọn. MPU hướng đến đáp ứng cho nhu cầu này. Một người yêu thích âm nhạc, muốn trang bị kỹ năng để chơi nhạc nhẹ có thể học trong vài tháng hoặc khoảng 2 năm tùy theo nhu cầu.

- Việc thành lập trường dạy nhạc MPU có đi ngược với "lời thề" của 3 thành viên TTT là không mở công ty riêng?

À, không! Trường dạy nhạc là do công ty TTT đầu tư chứ không phải cá nhân tôi.

- Làm sao ông thuyết phục mọi người đồng ý?

Chúng tôi coi đây là một hướng business. Là Chủ tịch HĐQT nhưng, tôi cũng phải thuyết phục các thành viên về hiệu quả của dự án, được sự chấp thuận mới tiến hành. Chúng tôi cũng lên một kế hoạch cho MPU với những điểm mạnh điểm yếu, hiệu quả kinh doanh, cơ hội và thách thức… Với các công ty khác, có thể việc mở thêm một mảng kinh doanh (khác mảng kinh doanh cốt lõi), sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng TTT "cảm" được nhu cầu thị trường và cùng chia sẻ, thấy được cơ hội, thấy niềm vui nên quyết tâm làm.

Chơi vui cũng cần phải học hành

- Ông dành bao nhiêu thời gian cho trường nhạc trong giai đoạn đầu?

TTT với tư cách là chủ dự án đã giao cho tôi tham gia trong việc hình thành, sáng lập trường. Thời gian của tôi ở MPU và TTT có thể là 7:3 hoặc 6:4.

- Ông bước qua MPU có giống như một cuộc dạo chơi âm nhạc?

Không hẳn như vậy. Làm mà thấy vui mình sẽ thoải mái và làm cho nó tốt lên. Và khi bắt tay xây dựng trường, điều hành hoạt động của trường MPU đó là một hoạt động đòi hỏi tính sư phạm, không chỉ làm để vui mà làm sao cho nó có bài bản nữa. Cuối năm 2010, tôi có qua Mỹ khảo sát một vài trường dạy nhạc. Tôi ngạc nhiên khi thấy, có những trường dạy nhạc nhìn rất bình thường. Tôi cũng tham khảo các chương trình dạy nhạc ở đây và so sánh với cách làm ở Việt Nam. Chúng tôi cũng có mời nhạc sĩ Đức Trí và một số người làm nghề âm nhạc đóng góp ý kiến cho trường và định hướng, hoàn thiện các chương trình giảng dạy của trường. Trong giai đoạn đầu, mọi thứ đều mới mẻ và chúng tôi lắng nghe, lựa chọn những gì cần thiết để xây dựng nền móng thật tốt cho nhà trường.

- Chắc hẳn ông cũng vấp phải nhiều khó khăn?

Mỗi dự án luôn có những thách thức mà người làm quản lý phải vượt qua. Ở MPU, giai đoạn đầu chúng tôi gặp khó khăn về tìm kiếm nguồn giảng viên, xây dựng giáo trình phù hợp. Khó khăn lớn nhất vẫn là người dạy. Người chơi nhạc nhẹ giỏi, khi chúng tôi mời dạy thì họ quá bận rộn với việc biểu diễn ở bên ngoài. Chưa kể không phải ai đánh đàn hay cũng dạy nhạc được còn giáo viên chuyên nghiệp thì cũng khó kiếm. Từ đầu năm đến giờ, nhạc sĩ Đức Trí "cầm trịch" về chuyên môn cho trường, nhưng chúng tôi vẫn phải tìm cách cân đối giữa nhu cầu và thực tế.

- Đó cũng là lý do đến nay MPU chỉ mới được biết trong một số bạn bè, chưa được quảng bá ra bên ngoài nhiều?

Hiện tại các cổ đông đều xác định giai đoạn này là giai đoạn đầu tư. Mặt bằng hiện tại của trường MPU là tài sản của TTT. Trong giai đoạn này thị trường nhà đất đang khó khăn, TTT tính toán nếu đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê cũng không hiệu quả, nên tạm thời TTT cho MPU mượn mặt bằng này. Đó cũng là điều thuận lợi cho MPU.

Chúng tôi muốn hoàn thiện chương trình, phát triển và ổn định đội ngũ giáo viên, chuẩn bị mọi việc tốt rồi mới quảng bá nhiều hơn.

- Ông kỳ vọng gì vào dự án trường MPU?

Trường vẫn trong giai đoạn đầu thành lập, cần thời gian để hoàn chỉnh. Nếu tính hiệu quả kinh tế thì chưa. Ban đầu chúng tôi dự tính để trường hoạt động bình thường, cần khoảng 150 học sinh mới hòa vốn. Thực tế, xã hội đang thiếu và đang cần những trường dạy có thể giúp người ta dễ dàng đến với âm nhạc, chơi nhạc một cách nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi cũng có nghĩ đến xây dựng nhiều chương trình khác nhau, thậm chí sẽ có cả chương trình mà người học ở MPU sau đó có thể chuyển tiếp để học cao hơn hoặc học tiếp một chương trình ở nước ngoài.

- Ông có cảm thấy áp lực không khi điều hành kinh doanh trường?

Không. Tôi cảm thấy vui khi làm việc ở trường này. Được tiếp xúc với con nít, với học sinh có những thú vị của nó. Ngoài ra, môi trường ở đây cũng tạo cho mình một nếp sinh hoạt mới. Bạn bè, con của bạn bè, các "sếp" của TTT và con tôi cũng đến đây để học, sinh hoạt.

- Làm điều hành dự án MPU có vẻ "chua" hơn ở TTT. Ông nghĩ mình có làm cho các cổ đông của dự án… thất vọng?

(Cười). Tôi nghĩ đến giờ nay thì chưa. Chúng tôi vẫn phải tích cực làm việc để MPU vận hành tốt hơn. Học trò vẫn đến với trường và số lượng đang tăng lên.

Kỹ năng mềm của doanh nhân

- MPU có nhắm đến đối tượng doanh nhân, những người cần đến âm nhạc như một thú tiêu khiển, cân bằng và cả… trình diễn nữa?

Bạn bè doanh nhân ủng hộ tôi. Họ cũng có nhu cầu được thư giãn, giải trí, tự trình diễn khả năng chơi nhạc và hát. Có người thích có được kỹ năng chơi piano, chơi ghitta chẳng hạn, nhưng họ thiếu thời gian, thiếu kiên trì… Trong chừng mực nào đó thì MPU cũng cố gắng đưa họ vào lớp theo khả năng và chương trình phù hợp, nhưng sự học đòi hỏi mỗi người phải có "đầu tư" thích hợp, dù là MPU không đặt nặng hình thức lẫn bằng cấp.

- Anh thấy gì qua việc các doanh nhân đi học chơi nhạc?

Việc mở thêm một mảng kinh doanh, do TTT "cảm" được nhu cầu thị trường, thấy được cơ hội nên quyết tâm làm

Họ là những người làm kinh doanh, họ có nhu cầu thư giãn, giải trí khác nhau. Nếu như doanh nhân đã làm ăn giỏi, quen biết nhiều thì việc có thêm "ngón nghề" đàn, ca… sẽ là một lợi thế. Chịu chơi, biết sống, biết làm … là những điều những người khác vẫn mong muốn thấy ở một doanh nhân.

- Vậy có thể xem đây là một "kỹ năng mềm" của doanh nhân?

Tất nhiên, nếu ai yêu thích sẽ thấy đó là niềm vui và giúp mình cân bằng trước muôn vàn áp lực của công việc và cuộc sống. Các bạn doanh nhân sẽ thấy tự tin và có được "giá trị cộng thêm" để dễ dàng giao lưu, kết bạn… Tôi nghĩ, dù chơi hay làm việc, nếu có niềm vui sẽ đi được rất xa.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn doanh nghiệp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.