Tạp chí Forbes của Mỹ vừa có một bài chân dung 2 kỳ thú vị về Satya Nadella, tân Tổng giám đốc Microsoft, người mới trải qua hơn 100 ngày dẫn dắt gã khổng lồ phần mềm nhưng đã kịp tạo được vài dấu ấn đáng nói.

Satya Nadella, tân CEO của Microsoft. Ảnh: Forbes

"Khi Satya Nadella định cư tại Mỹ ở tuổi 20, ông gặp phải một rắc rối. Chàng sinh viên gốc Ấn khi ấy muốn có bằng thạc sĩ về khoa học máy tính càng sớm càng tốt để có thể nhảy vào thị trường công nghệ đang bùng nổ tại Mỹ. Nhưng nguồn tiền eo hẹp mà kiến thức cũng như ngoại ngữ Nadella có được tại quê nhà khá lõm bõm. Năm 1988, các giáo sư tại Đại học Wisconsin-Milwaukee xếp ông vào danh sách học lại. Những lỗ hổng trong kiến thức của Nadella về phần mềm nghiêm trọng tới mức ông cần thêm một năm mới có thể tốt nghiệp.

Nhưng Nadella chỉ có một ý nghĩ trong đầu: KHÔNG ĐỜI NÀO.

Chỉ trong vòng vài tháng, Nadella đã gồng hết sức mình để đáp ứng các yêu cầu do nhà trường đặt ra, đồng thời nhận việc coder làm thêm để có tiền sinh hoạt. Đến mùa xuân năm 1990, ông chạy đua với thời gian để hoàn tất luận án của mình về thuật toán máy tính, tất cả nhằm mục đích có thể tốt nghiệp theo đúng khung thời gian chuẩn là 2 năm. Bằng cách nào mà Nadella có được đủ thời gian trong ngày để làm tất cả những việc đó? Giáo sư K.Vairavan của Đại học Wisconsin nhớ lại một buổi sáng, khi ông bước vào phòng thí nghiệm của trường và suýt giẫm phải một chiếc túi ngủ ở góc phòng. Đó chính là mẹo tiết kiệm thời gian của Nadella: tiến hành thí nghiệm đến 3h sáng, chợp mắt một lúc rồi lại tỉnh dậy làm việc tiếp.

Con người đầy ý chí đó đã liên tục gây bất ngờ cho các sếp của mình. Ông gia nhập Microsoft năm 1992 và đến năm 2011 đã trở thành 1 trong 5 phó chủ tịch điều hành báo cáo trực tiếp với Tổng giám đốc Steve Ballmer. Khi Microsoft săn tìm vị thủ lĩnh mới từ tháng 8 năm ngoái, ban giám đốc đã xếp Nadella vào tốp ứng viên hàng đầu. Rồi họ quan sát gần hơn và ưng ý với những gì mình thấy được. Ngày 2/4 vừa qua, Microsoft thông báo Nadella, một quan chức gầy gò, 46 tuổi, đeo kính sẽ trở thành Tổng giám đốc mới, thế chỗ cho Steve Ballmer.

Nhìn lại lịch sử thì những công ty vận hành tốt đều thích đề cử nhân sự nội bộ. Chỉ những công ty đang gặp rắc rối mới hay thuê người ngoài về lãnh đạo với hy vọng tìm kiếm sự đột phá mới. Chiến dịch tìm CEO mới kéo dài 6 tháng của Microsoft đã để mắt đến cả Nadella lẫn Alan Mulally, một quan chức kỳ cựu 68 tuổi của Ford, khiến người ta không thể không đặt câu hỏi: Vậy thì Microsoft đang vận hành tốt hay gặp trục trặc?

Câu trả lời, dường như là cả hai.

Trên phương diện tài chính thì Microsoft vẫn là một cỗ máy trơn dầu. Đại gia phần mềm đạt lãi ròng 21.9 tỷ USD trong năm ngoái, chiếm tới 28% doanh thu - một tỷ lệ cao đến kỳ dị trong thời buổi PC đang suy thoái. Thương hiệu Microsoft cũng phổ biến như Coca-Cola, các sản phẩm Windows hay Office đều có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới.

Nhưng ngược lại, tốc độ tăng trưởng của Microsoft cũng giảm từ 15% một năm trước đây xuống còn xấp xỉ 6%. Những sản phẩm mới ra mắt gần đây - dù với tham vọng lớn như công cụ tìm kiếm Bing, Windows Phone, máy tính bảng Surface đều chỉ đạt được thị phần khiêm tốn, bất chấp chi phí mà Microsoft bỏ ra không hề nhỏ. Đâu đó trong thung lũng Silicon, có người đã nghĩ rằng Microsoft không thể sáng tạo thêm nữa. Bản thân các giám đốc của Microsoft cũng lo ngại rằng văn hóa doanh nghiệp dưới thời Ballmer đã trở nên quá cao ngạo và cô lập, khiến cho hãng khó lòng cạnh tranh được với những đối thủ như Google, Apple hay Amazon.

Rất khó và cũng rất hiếm khi một ứng cử viên nội bộ được chọn để sửa chữa từng đó chỗ sai. Liệu có ai đã chịu đựng những sai lầm đó của Microsoft trong suốt 10 năm qua bỗng dưng nhìn được công ty bằng một con mắt khác, hoàn toàn mới, để rồi hét lên: "Quá đủ rồi đấy!"?

Nhưng có vẻ như 100 ngày đầu tại nhiệm của Nadella đã định vị ông như một nhân vật "phản-Ballmer" (điều mà các nhân viên truyền thông của Microsoft một mực phủ nhận). Phong thái "anh hùng bàn họp" bị loại bỏ, tâm lý tò mò được khuyến khích. Những mô hình kinh doanh kiểu cổ bị săm soi, mổ xẻ. Các quan chức ít bàn đến việc nắm bắt cơ hội tỷ đô hay hoàn thành mục tiêu tài chính hơn mà tập trung vào việc đầu tư lợi nhuận ra sao để thu hút người dùng mới.

Trọng tâm trong chiến dịch thay đổi của Nadella là sửa sai những vấn đề nội bộ trước khi chia sẻ quan điểm của mình công khai với dư luận. Điều này hoàn toàn trái ngược với Ballmer, người thường xuyên hùng biện trước khi có kết quả thực tế. Nadella trực tiếp chủ trì những cuộc phỏng vấn quan trọng để có thể nắm bắt các vấn đề liên quan đến khách hàng, đối tác, nhân viên và cổ đông.

"Ông ấy là người rất sắc sảo về kỹ thuật", Chủ tịch Workday, ông Aneel Bhusri nhận định. "Ông ấy là một nhà phát minh. Ông ấy biết ngay cả những ý tưởng tuyệt vời nhất, lúc khởi sự trông cũng chẳng có vẻ gì là sẽ trở thành bom tấn". Trong những cuộc họp mặt đối mặt, Nadella bị thu hút bởi tầm nhìn của một kỹ sư máy tính về thế giới sau 5 năm nữa hơn là sự háo hức đóng sổ vào ngày 30 hàng tháng của một nhân viên kinh doanh. Đầu óc của ông không bị mắc kẹt trong những thông điệp kiểu cổ động thường thấy ở Microsoft dưới thời Ballmer.

Để khôi phục lại đà tăng trưởng 2 con số cho Microsoft, Nadella bắt buộc phải gây dựng Microsoft thành một đối tác không thể thay thế trên thị trường điện toán đám mây. Microsoft đã chi tiết gần gấp đôi trong năm ngoái (4,3 tỷ USD) cho việc xây dựng các trung tâm dữ liệu đám mây, từ Iowa cho đến Brazil, trong bối cảnh Amazon vẫn là nền tảng đám mây số 1, theo sát là Google, Salesforce và IBM. Nhưng theo nhận định của Synergy Research Group thì Microsoft đang nổi lên nhanh chóng như ứng viên "rõ ràng" cho ngôi Á quân, nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thị trường.

"Satya hoàn toàn nắm được ý niệm đám mây", ông Bhusri phân tích. "Tôi nghĩ ông ấy sẽ đẩy Microsoft đi theo hướng đó một cách quyết liệt". Điều này được thể hiện rất rõ khi Nadella nói về chiến lược "di động trước tiên, đám mây trước tiên".

Nadella cũng luôn biết sức mạnh của sự "thân thiện". Ông cười rất nhiều, đưa ra những lời bình luận nhẹ nhàng, lịch thiệp về việc người ta tưởng ông là người ăn chay. Ông sẵn sàng chào tất cả mọi người ở Microsoft, từ kỹ sư bình thường cho đến nhà đồng sáng lập cựu trào Paul Allen. Khi Nadella chủ trì các cuộc họp kín, ông được đánh giá là "người lắng nghe tuyệt vời". Đối tác thích ông. Họ nói nhiều hơn về hy vọng và lo ngại của mình. Khi quay trở về đại bản doanh sau những cuộc họp như vậy, Nadella biết được nhiều điều mà các đối thủ của ông không biết.

Không có gì lạ khi Nadella nhận được tỷ lệ đồng thuận lên tới 86% trên trang Glassdoor, nơi chuyên chấm điểm phản hồi của cán bộ nhân viên về lãnh đạo của họ. Tỷ lệ này cao gần gấp đôi so với điểm số 47% của Steve Ballmer hồi năm ngoái.

Trọng Cầm (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.