Hai ứng viên tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Francois Hollande ra sức tranh thủ trái tim, khối óc và quan trọng nhất là những lá phiếu của người dân Pháp trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào tối thứ tư vừa qua.


Trong một cuộc đấu khẩu sớm trở nên gay gắt, 2 đối thủ đã phác thảo các chính sách của họ nhưng cũng tìm mọi cách khai thác điểm yếu và khiếm khuyết cá nhân của người khác chỉ 3 ngày trước khi diễn ra vòng bầu cử quyết định ai sẽ là người lãnh đạo nước Pháp.

Ông Sarkozy, người đang ở thế yếu trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, đe dọa “đập tan” đối thủ thuộc Đảng Xã hội. Tụt lại phía sau ông Hollande đến 10% tỉ lệ ủng hộ, đương kim tổng thống đang chiến đấu vì tương lai chính trị của mình và chọn cách tiếp cận mạnh mẽ suốt cuộc tranh luận kéo dài 2 giờ 45 phút. Ông mắng nhiếc những người cánh tả mà ông nói đã ví ông như những kẻ ủng hộ chủ nghĩa phát xít và chỉ trích ông Hollande đã không lên án sự công kích đó.

Và ông Hollande đáp trả: “Này ông Sarkozy, ông sẽ gặp khó khăn với ý định khắc họa chính mình như một nạn nhân”.

Cuộc tranh luận được khoảng 20 triệu người dân Pháp theo dõi, chiếm 1/3 dân số nước này và gần một nửa so với tổng số cử tri.

Trong giờ tranh luận đầu tiên, ông Sarkozy gọi ông Hollande là “tắc trách” và tố cáo ông “dối trá”. Ông Hollande lập tức phản pháo khi buộc tội ông Sarkozy đã tạo ra “tình trạng bất công và bất bình đẳng xã hội”. Ông Hollande nói với người dân Pháp rằng: “Tôi sẽ là tổng thống của sự công bằng. Chúng ta sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang đè nặng những người bình dân nhất và làm lụng cực khổ nhất. Thói đặc quyền đặc lợi đã được bảo vệ quá nhiều. Tôi muốn hợp nhất nước Pháp vốn đã bị chia rẽ quá lâu”.

Ông Sarkozy phản ứng: “Những gì ông ấy nói hoàn toàn không mới. Ông ấy nói mình sẽ là một tổng thống phi thường và, có thể ngầm hiểu, tất cả những vị tiền nhiệm đã không được như ông ấy. Tôi muốn người Pháp nghe sự thật, hợp nhất là một ý tưởng tốt nhưng chúng ta phải hiện thực hóa nó”. Ông Sarkozy nói ông tự hào đã “không có bạo lực trong 5 năm cầm quyền” mặc dù một số chính sách có thể gây tranh cãi.

Sau chiến dịch tranh cử kéo dài, không có gì ngạc nhiên khi nhận thấy 2 người đàn ông có quan điểm hoàn toàn trái ngược về cách xử lý hầu như mọi vấn đề, bao gồm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Hollande ủng hộ tăng thuế cao hơn và khuyến khích tăng trưởng, trong khi Sarkozy muốn giảm bớt biện pháp khắc khổ và tiết kiệm. Hai ông cũng cãi nhau về vấn đề châu Âu, Hollande muốn đàm phán lại thỏa thuận Pháp - Đức nhằm hạn chế chi tiêu công đã được đa số các nước trong Liên minh châu Âu đồng ý, còn Sarkozy hứa thông qua hiệp ước này.

Sau khi bị ông Sarkozy tố cáo là “vu khống và dối trá”, ông Hollande nói với đối thủ: “Ông nghĩ ông có thể đơn giản nói năng mọi thứ, đó là cách thức của ông, ông không thể duy trì việc tranh luận có lý lẽ mà không cần cáu gắt”.

Các nhà quan sát cho rằng không ai trong số 2 ứng viên thật sự vượt trội trong gần 3 giờ tranh luận và điều này sẽ có lợi cho ông Hollande, người vẫn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, nhất là sau khi thủ lĩnh Mặt trận Dân tộc có khuynh hướng cực hữu, bà Marine Le Pen, tuyên bố bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử ngày 6-5 tới.

Theo Người Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.