Với lý do "bí mật thương mại" tập đoàn Samsung được cho đã giấu thông tin về môi trường làm việc độc hại trong những nhà máy sản xuất linh kiện điện tử.

Khi còn là một học sinh trung học, Hwang Yumi đã làm công việc nhúng các phiến silicon vào hóa chất tại một nhà máy của Samsung, nơi tạo ra những con chip cho máy tính xách tay và các linh kiện khác. 4 năm sau đó, em qua đời vì bệnh bạch cầu.

Sau cái chết của Yumi vào năm 2007, cha của em, Hwang Sang Gi, biết được một công nhân 30 tuổi làm cùng dây chuyền sản xuất với con gái cũng qua đời vì căn bệnh này. Do đó, người cha lái xe taxi đã phát động một phong trào đòi chính phủ điều tra những nguy cơ về sức khỏe tại các nhà máy của Samsung Electronics.


Ông Hwang Sang Gi cầm di ảnh của con gái Yumi để biểu tình trước trụ sở của Samsung tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào tháng 10/2015. Ảnh: AP.

Sau khi yêu cầu lần đầu bị bác bỏ, ông phải cố gắng thu thập thông tin chi tiết về môi trường của nhà máy bởi Samsung không tiết lộ các thông tin đó với những cán bộ quản lý an toàn lao động.

Một cuộc điều tra của AP đã phát hiện ra, chính quyền Hàn Quốc nhiều lần giấu người lao động và các tang quyến những thông tin về các loại hóa chất mà họ phải tiếp xúc ở những nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng và chip máy tính của Samsung. Những công nhân bị bệnh cần tiếp cận những thông tin đó thông qua chính phủ hoặc tòa án để đòi tiền bồi thường lao động từ nhà nước. Nếu không có, các quan chức chính phủ thường từ chối giải quyết.

Trong ít nhất 6 trường hợp liên quan đến 10 công nhân, lý do của việc giấu thông tin là vì sợ lộ bí mật thương mại.

Luật Hàn Quốc cấm các cơ quan chính phủ giấu thông tin liên quan đến an toàn và sức khỏe cộng đồng vì lý do sợ lộ bí mật thương mại. Tuy nhiên, chưa có hình phạt nào đối với những hành vi vi phạm này.

Samsung không còn bỏ sót danh sách hóa chất được sử dụng trên dây chuyền sản xuất trong những báo cáo về độ an toàn của nơi làm việc, như doanh nghiệp này đã làm trong trường hợp của Hwang Yu Mi. Tuy nhiên, các quan chức giữ kín chi tiết về mức độ tiếp xúc và cách mà công ty quản lý những hóa chất.

“Cuộc chiến của chúng tôi thường chống lại các bí mật thương mại. Samsung thường xoá bất cứ nội dung nào gây bất lợi cho tập đoàn và nói chúng là những bí mật kinh doanh”, luật sư Lim Ja Woon, người đại diện cho 15 công nhân bị bệnh của Samsung, nói.

Các khách hàng của Lim không thể xem báo cáo đầy đủ về các cuộc thanh tra nhà máy và chỉ được tiếp cận những trích đoạn của một số cuộc thanh tra độc lập trong một số phán quyết của tòa.

Samsung cho biết, họ chưa bao giờ “cố ý” chặn thông tin và doanh nghiệp luôn minh bạch về tất cả các hóa chất được yêu cầu tiết lộ với chính phủ. Tập đoàn cho biết trong một tuyên bố rằng không trường hợp nào mà thông tin bị chặn một cách bất hợp pháp.

“Chúng tôi có quyền để bảo vệ thông tin của chúng tôi trước bên thứ 3”, Bail Soo Ha, Phó chủ tịch của Samsung Electronics, nói với AP.

Chiêu bài 'bí mật thương mại'

Nhìn chung, các chính sách của chính phủ đều ưu ái cho Samsung và các tập đoàn gia đình khác, những doanh nghiệp đã thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng sau Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.

Các quan chức nói rằng lợi ích của tập đoàn được ưu tiên. Việc đánh giá các tuyên bố bí mật thương mại là khó khăn và họ sợ bị kiện vì đã chia sẻ dữ liệu trái với ý của doanh nghiệp.

“Chúng tôi phải giữ những bí mật thuộc về các khách hàng của chúng tôi”, Yang Won Beak của Cơ quan Sức khỏe và An toàn Lao động Hàn Quốc (KOSHA) nói.


Kim Mi-seon, cựu công nhân 36 tuổi của Samsung, bị mất thị giác vào năm 2014, kể từ khi các bác sĩ chuẩn đoán cô mắc bệnh đa xơ cứng. Ảnh: AP.

Samsung hiện là tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc với khoảng 100.000 công nhân. Doanh nghiệp này thống trị lĩnh vực sản xuất bộ nhớ kể từ đầu những năm 1990. Tuy nhiên, thành công đó liên quan đến việc sử dụng hóa chất độc hại và thường gây ra ung thư như asen, acetone, acid sulfuric và các kim loại nặng như chì - thường sử dụng nhiều trong việc sản xuất chất bán dẫn, điện thoại di động và màn hình LCD.

Tổ chức an toàn lao động cho công nhân Banolim (viết tắt là SHARPS), ghi nhận hơn 200 trường hợp nghiêm trọng bao gồm bệnh bạch cầu, lupus ban đỏ (lao da), ung thư hạch bạch huyết và chứng đa xơ cứng trong số những cựu công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất chất bán dẫn và LCD của Samsung. 76 người đã chết, hầu hết ở độ tuổi 20 và 30.

Những người ủng hộ an toàn lao động muốn tòa án và chính phủ Hàn Quốc giải thích linh hoạt hơn về mối liên hệ giữa điều kiện việc làm và bệnh tật, vì cộng đồng y khoa thậm chí còn “chưa xác định rõ” những nguyên nhân chính xác của những căn bệnh mà nhiều công nhân nhà máy mắc phải. Họ cũng muốn các bên liên quan công bố đầy đủ các mối nguy hiểm tại nơi làm việc.

Từ năm 2008, 56 công nhân đã tìm cách đòi bồi thường an toàn lao động của chính phủ. Chỉ 10 người được bồi thường, hầu hết sau nhiều năm đấu tranh tại tòa. Một nửa trong số 46 khiếu nại khác bị từ chối và một nửa còn lại vẫn đang trong quá trình xem xét.

Gia đình của các nạn nhân, chủ yếu là thanh niên thuộc tầng lớp lao động đến từ nông thôn, thường phải đốt tiền tiết kiệm và bán nhà để trả hóa đơn của bệnh viện, kết thúc trong việc phải sống nhờ trợ cấp. Một số công nhân không còn khả năng làm việc.

Bị bỏ lại với vài lựa chọn, hơn 100 gia đình chấp nhận một kề hoạch bồi thường mà Samsung đề xuất vào năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều người từ chối.

Hwang Sang Gi cho biết, Samsung ngỏ ý bồi thường 1 tỷ won (tương đương 864.000 USD) vào năm 2007 để gia đình ông chấm dứt việc kiện cáo đối cái chết của con gái. Ông từ chối, sáng lập ra Banolim và tham gia cùng 4 công nhân làm việc trong dây chuyền bán dẫn của Samsung – những người mắc bệnh ung thư máu - nộp đơn đòi bồi thường cho người lao động.

Năm 2014, 7 năm sau cái chết của Yumi, một tòa án phúc thẩm công nhận phán quyết của một toà án cấp dưới về “mối quan hệ đáng kể” giữa bệnh bạch cầu của Yumi và việc tiếp xúc của cô với benzene cùng các hóa chất khác và bức xạ ion hóa tại nơi làm việc. Hwang Sang Gi nhận một khoản đền bù trị giá 175.000 USD từ phía chính phủ.

Giám đốc điều hành của Samsung đưa ra một lời xin lỗi chính thức với các công nhân mắc bệnh vào cùng năm. Tuy nhiên, một số người chưa coi đó là đủ. Tập đoàn này hứa sẽ cung cấp cho các công nhân những tài liệu mà họ cần để đòi bồi thường. Năm nay, gã khổng lồ mở một ủy ban thanh tra nhằm giám sát việc kiểm tra độc lập của một số nhà máy.

Những người lao động và tang quyến muốn nhiều hơn một lời xin lỗi đầy đủ và những thay đổi trong việc trao bồi thường như thế nào. Hwang và những nhà vận động khác thường xuyên cắm trại bên ngoài khu phức hợp của Samsung tại Gangnam để phản đối. Họ coi việc kiện Samsung là một hành động bất đắc dĩ; tiêu chuẩn của bằng chứng có thể cao hơn trong các trường hợp bồi thường lao động. Và theo luật pháp của Hàn Quốc, họ ít có cơ may đòi được bồi thường.

Những người này cũng cho biết, vẫn còn những khó khăn trong việc lấy các thông tin chi tiết về điều kiện làm việc.

Goo Ja Hwan thuộc Bộ Lao động cho hay, chính phủ thường xuyên chấp nhận các yêu cầu của công ty trong việc giữ các chi tiết bí mật.

“Chúng tôi không thể đánh giá liệu những điều mà các công ty giấu với tư cách là những bí mật có thực sự là bí mật thương mại hay không”, ông nói.

Baskut Tuncak, phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về các chất độc hại và chất thải, cho biết trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại rằng không chính phủ nào nên nói không thể xác định liệu thông tin nào đó có phải là một bí mật thương mại hay không.

“Đó chỉ đơn giản là cho phép họ lạm dụng hệ thống, nơi mà thông tin về các chất độc hại được giấu đi dưới tuyên bố giữ bí mật”, ông nói.

Kim Ngân (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.