Chủ tịch Sacombank khẳng định, hoàn toàn không có chuyện xiết nợ, mà do gia đình ông Thành chủ động xin cấn trừ số cổ phiếu STB đang nắm giữ.
Sau thông tin Sacombank xiết nợ gần 80 triệu cổ phiếu STB nhằm cấn trừ gần 1.600 tỷ đồng tiền vay của các công ty con thuộc gia đình ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank về các vấn đề liên quan.

Ông có thể cho biết tổng dư nợ cho vay của Sacombank đối với nhóm công ty có liên quan đến gia đình ông Thành là bao nhiêu?

Tại thời điểm thanh tra của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ cho các đối tượng có liên quan đến hệ thống CTCP Thành Thành Công, chứ không phải đối tượng có liên quan đến ông Đặng Văn Thành, là khoảng 7.000 tỷ đồng. Con số này xấp xỉ 50% vốn tự có của Sacombank, trong khi theo Luật Các tổ chức tín dụng, dư nợ cho vay nhóm các DN có liên quan không vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng. Tất nhiên, quan điểm của ông Thành về nhóm DN có liên quan có khác, nhưng chúng tôi tôn trọng quyết định của Thanh tra NHNN.

Trong số các khoản vay nợ này, bao nhiêu là nợ không tài sản đảm bảo, nợ đã quá hạn, thưa ông?

Gần như toàn bộ số số nợ trên đều có tài sản đảm bảo, ngoại trừ một số khoản tín chấp, trái phiếu chuyển đổi. Tất nhiên, ở đây, chúng ta tạm thời chưa nói đến chất lượng, tỷ lệ đảm bảo như thế nào. Nhưng như trên đã nói, do vượt quá quy định về tỷ lệ cấp tín dụng cho nhóm DN có liên quan, nên phần vượt được coi là không hợp lệ và phải giảm xuống, chứ không phải là nợ xấu, nợ quá hạn.

Để giảm tỷ lệ tín dụng cho nhóm DN này, Sacombank đã “xiết” cổ phiếu của ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh?

Vừa qua, dư luận đã có sự hiểu lầm là Sacombank xiết nợ cha con ông Thành. Tuy nhiên, tôi khẳng định, hoàn toàn không có chuyện xiết nợ ở đây, mà đó là sự chủ động từ phía gia đình ông Thành xin cấn trừ số cổ phiếu STB đang nắm giữ để giảm tỷ lệ nợ vay tại nhóm DN có liên quan đến Thành Thành Công.

Cụ thể, ngày 22/11/2012, ông Thành và con trai Đặng Hồng Anh đã có văn bản gửi HĐQT Sacombank, đề nghị xem xét và chấp thuận việc chuyển nhượng 7,435% vốn điều lệ Sacombank của ông Thành và con trai nhằm cấn trừ khoản dư nợ tín dụng còn trong hạn tại một số DN có liên quan trực tiếp đến gia đình ông Thành, với giá chuyển nhượng là 20.000 đồng/CP, tương đương 1.597 tỷ đồng. Cụ thể các khoản cấn trừ là: 171,737 tỷ đồng khoản phải thu Công ty Tín Việt, 678,227 tỷ đồng Sacomreal vay, 329,386 tỷ đồng trái phiếu Sacomreal, 18,023 tỷ đồng cho vay Thành Thành Công, 192,341 tỷ đồng trái phiếu CTCP Thành Thành Công, 148,351 tỷ đồng trái phiếu CTCP Quản lý và khai thác Khu công nghiệp Đặng Huỳnh, 58,788 tỷ đồng cho vay Công ty Thành Ngọc.

Gần 80 triệu cổ phiếu STB cấn trừ sẽ được Sacombank xử lý như thế nào và quyền biểu quyết liên quan số cổ phần này trong kỳ họp ĐHĐCĐ sắp tới thuộc về ai, thưa ông?

Chúng tôi đã xin NHNN chấp thuận nguyên tắc cho hạch toán treo khoản cổ phiếu này để chờ khi đủ điều kiện thì bán thu tiền về cho Ngân hàng. Về nguyên tắc, phải sau ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên (25/4), khi ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh được chính thức thông qua việc từ nhiệm tư cách thành viên HĐQT, số cổ phần này mới được phép bán để thanh toán nợ. Thời hạn NHNN cho tối đa đến 31/5/2013 là phải giải quyết xong. Hiện tại, chúng tôi đã tìm kiếm được một số nhà đầu tư trong nước để chuyển nhượng số cổ phiếu nói trên. Mức giá bán là 20.900 đồng/CP, được tính bằng mức giá mua từ gia đình ông Thành (20.000 đồng/CP) cộng chi phí lãi vay phát sinh trong khoảng thời gian mua.

Về quyền biểu quyết của số cổ phần này, bản thân ông Thành và con trai đã có văn bản ủy quyền cho ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Sacombank.

Với việc cấn trừ số cổ phiếu này và các khoản vay đã được xử lý khác, dư nợ tín dụng của nhóm này tại Sacombank hiện nay là bao nhiêu, thưa ông?

Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ tín dụng cấp cho nhóm DN được xác định có liên quan đến Thành Thành Công xấp xỉ 3.900 tỷ đồng, ở mức gần 28% vốn tự có của Sacombank.

Ông Thành và con trai chuyển nhượng 7,435% vốn điều lệ Sacombank với giá 20.000 đồng/CP

Theo quyết định của Thanh tra NHNN, đến 31/12/2013, nhóm này phải giảm tỷ lệ vay nợ về dưới 25% theo quy định pháp luật. Có hai cách để giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng tại nhóm DN này: một là, các khoản nợ sẽ phải trả trước hạn; hai là, gia đình nhà ông Thành hoặc DN có liên quan bán đi các khoản đầu tư tại một số DN, khi đó họ sẽ không còn là DN có liên quan nữa và tỷ lệ dư nợ cho vay sẽ giảm xuống.

Ngày 25/4, Sacombank sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên. Ông có thể chia sẻ một số nội dung lớn sẽ trình đại hội thông qua lần này?

Có 2 điểm lớn mà HĐQT Sacombank dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua, liên quan đến kế hoạch nhân sự và chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược. Thứ nhất, Sacombank dự kiến xin đại hội cho phép khóa “room” NĐT nước ngoài ở mức 20% để phục vụ việc chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại. Hiện tại, có nhiều NĐT lớn tiếp cận và chúng tôi đã thu hẹp lại danh sách một số đối tác tiềm năng để xem xét. Thứ hai là xin ý kiến và thông qua việc xin từ nhiệm của 3 thành viên HĐQT (ông Đặng Văn Thành, Đặng Hồng Anh và Trần Xuân Huy) và bầu bổ sung 3 thành viên mới.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2013, Sacombank dự kiến 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (so với mức thực hiện của năm 2012 là 1.314 tỷ đồng), cổ tức năm 2012 là 6% và năm 2013 là 9 - 10%. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên đánh giá tình hình thực tế thị trường, nhưng Ban lãnh đạo Sacombank đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện ở mức cao hơn.

Các mốc thời gian liên quan đến vụ cấn trừ gần 80 triệu cổ phiếu Sacombank:

*Ngày 22/11/2012, ông Đặng Văn Thành và con trai Đặng Hồng Anh gửi văn bản đến HĐQT Sacombank đề xuất việc cấn trừ 7,435% vốn điều lệ Sacombank cho một số khoản cho vay, đầu tư trái phiếu của nhóm khách hàng có liên quan đến Thành Thành Công. Ngoài các khoản này, ông Thành đồng thời đưa ra đề xuất hướng giải quyết đối với một số hợp đồng đầu tư, giao dịch mua bán khác.

Đây là khoảng thời gian Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm việc với Sacombank và ông Thành để xác minh dư nợ của nhóm khách hàng có liên quan đến ông Thành và hệ thống Thành Thành Công.

*Ngày 5/12/2012, Sacombank ký thoả thuận nêu trên với ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh. Theo đó, Ngân hàng được uỷ quyền toàn quyền định đoạt đối với số cổ phiếu nói trên, bù lại, ông Thành nhận về số nợ, trái phiếu theo danh sách đã liệt kê trong văn bản ông Thành gửi ngày 22/11/2012.

*Ngày 10/12/2012, Sacombank ký hợp đồng không huỷ ngang các vấn đề trên với ông Đặng Văn Thành và con trai tại Văn phòng công chứng Quận 10, TP. HCM.

*Ngày 16/1/2013, Thanh tra NHNN có văn bản chính thức kết luận vấn đề có liên quan đến dư nợ nhóm doanh nghiệp liên quan đến Thành Thành Công.

*Ngày 12/3/2013, Sacombank có văn bản gửi Sở GDCK TP. HCM báo cáo về vấn đề này. Tuy nhiên, theo giải thích của Sacombank, thông báo trên bị thất lạc và thị trường chỉ nhận được thông tin trên khi Sacombank đăng tải báo cáo tài chính kiểm toán năm và công văn giải trình sau đó (ngày 2/4/2013).


Ông Đặng Văn Thành, Nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank:

Một trong những lý do của việc chủ động cấn trừ khoản nợ nêu trên cũng là để bảo vệ quyền lợi của cổ đông. Bởi vì, nếu các khoản dư nợ này bị coi là vượt giới hạn tỷ lệ cho vay được phép của Ngân hàng đối với nhóm khách hàng có liên quan theo quan điểm của cơ quan thanh tra, thì sẽ bị xếp vào diện tín dụng không hợp lệ, từ đó có thể dẫn đến tình trạng phải trích lập dự phòng, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận trong năm của Sacombank.

Đến kỳ họp ĐHĐCĐ lần này, tôi sẽ chấm dứt vai trò thành viên HĐQT tại Sacombank, kết thúc 20 năm xây dựng, gắn bó với Ngân hàng. Tôi hy vọng, các thành viên Ban lãnh đạo, Ban điều hành mới sẽ tiếp tục gây dựng và phát triển Sacombank ngày một lớn mạnh, bền vững; phát huy những giá trị mà Ngân hàng đã có theo đúng kỳ vọng của những người đã sáng lập Sacombank.

Trong suốt thời gian qua, để giảm dư nợ về dưới 25% vốn tự có của Sacombank theo khuyến cáo của cơ quan thanh tra, tôi và các thành viên trong gia đình đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp, kể cả việc chủ động giao lại cho Ngân hàng toàn bộ số cổ phần chiếm 7,435% vốn của Sacombank để giảm số dư nợ 1.600 tỷ đồng, cho dù các khoản này đều là nợ tốt, trong hạn, có tài sản đảm bảo.Trong suốt quá trình thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tôi đã nhiều lần giải trình với Thanh tra để họ hiểu về cách thức mà mảng quản trị rủi ro của Sacombank (dưới thời Ban điều hành cũ) đã xây dựng để quản lý tổng dư nợ của các khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan. Tại bất kỳ thời điểm nào, Sacombank cũng đảm bảo tuân thủ các giới hạn theo quy định tại Khoản 1, Điều 128, Luật Các tổ chức tín dụng (cho vay 1 khách hàng không quá 15% vốn tự có của Ngân hàng, cho vay khách hàng và người có liên quan không vượt quá 25% vốn tự có của Ngân hàng). Điều này được xác nhận bởi các cơ quan kiểm toán thanh tra trong các năm trước đây. Tuy nhiên, tôi vẫn tôn trọng ý kiến của cơ quan thanh tra khi xác định tổng dư nợ của nhóm khách hàng có liên quan đến khách hàng Thành Thành Công, dù đây là kết quả có sự khác biệt tương đối lớn so với kết quả theo cách hoạch định rủi ro của chúng tôi.
Minh Trí - Bùi Sưởng (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.