Tuổi già khiến mọi thứ trở nên khó khăn, nhất là khi bạn nghèo. Đó là hiện trạng của Thái Lan, quốc gia đang phát triển đầu tiên đối mặt với tình trạng dân số già.

Nhiều năm qua, các chuyên gia quốc tế cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng chưa kịp trở thành quốc gia giàu có và phát triển thì phần lớn dân số đã già. Nhưng tại châu Á, Thái Lan mới là nước đầu tiên phải đối phó với vấn đề trầm trọng này.

Theo Bloomberg, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy tỷ lệ sinh ở Thái Lan giảm xuống mức ngang bằng với Thụy Sĩ và Phần Lan, hai quốc gia cực kỳ giàu có và phát triển.

Ước tính 25% dân số Thái Lan sẽ bước qua tuổi 60 vào năm 2030 và hầu hết sẽ nghèo. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lực lượng lao động suy giảm sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Thái Lan mất 1% mỗi năm trong hai thập kỷ tới.

Thách thức quá lớn với Thái Lan

Cho đến nay, chỉ những quốc gia giàu nhất mới đối mặt với vấn đề dân số già, vì tỷ lệ sinh thấp có xu hướng đi đôi với thu nhập cao.

Trường hợp ngoại lệ được biết đến nhiều nhất là Trung Quốc, nơi chính sách một con (đã được xóa bỏ vào năm 2015) dẫn đến tình trạng suy giảm dân số.

25% dân số Thái Lan sẽ bước qua tuổi 60 vào năm 2030. Ảnh: Quartz.

Nhưng Thái Lan trở thành quốc gia lớn đầu tiên già đi trước khi có cơ hội trở nên thịnh vượng. "Đây sẽ là một thách thức lớn đối với Thái Lan.

Quốc gia này bị mắc kẹt, vừa là một nền kinh tế mới nổi, vừa phải đối mặt với vấn đề nhân khẩu học chỉ thấy ở các nền kinh tế tiên tiến", chuyên gia kinh tế Chua Hak Bin thuộc Maybank Kim Eng (Singapore) cho biết.

Trong nhiều năm qua, các nhà kinh tế và chuyên gia hoạch định lo ngại bùng nổ dân số sẽ là vấn đề chính của thế giới. Nhưng có lẽ điều đó không chính xác. Trong 50 năm qua, tỷ lệ sinh đã giảm ở mọi quốc gia.

Sự thay đổi diễn ra khi người dân nông thôn di dời đến thành phố, phụ nữ được giáo dục và tiếp cận với các biện pháp tránh thai.

Tỷ lệ sinh giảm có lợi cho môi trường và nhiều gia đình, nhưng cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bởi điều đó có nghĩa là giảm số lượng người tiêu dùng, giảm lao động, giảm người nộp thuế, thiếu nhân lực chăm sóc cho người già.

Kể từ năm 2000, tốc độ đô thị hóa của Thái Lan cao hơn bất cứ quốc gia lớn nào trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc. Điều đó dẫn đến hiện tượng tỷ lệ sinh sụt giảm. Trong hai thập kỷ, tỷ lệ sinh của Thái Lan giảm từ 6,6 xuống 2,2.

Hiện tại, Thái Lan trở thành quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới (1,5), thấp hơn cả Trung Quốc (1,7) và thua xa mức cần thiết để giữ ổn định dân số (2,1). Liên Hợp Quốc ước tính đất nước 70 triệu dân sẽ mất hơn 30% dân số vào cuối thế kỷ 21.

"Tôi không muốn sinh nhiều con nếu không thể đảm bảo cho chúng một cuộc sống tốt", Bloomberg dẫn lời Nandini Seghal, 28 tuổi, một nhân viên công ty quảng cáo ở Bangkok, giải thích lý do không muốn sinh con.

Người nhập cư có thể là giải pháp

Shripad Tuljapurkar, nhà nhân khẩu học thuộc Đại học Stanford, nhận định: "Thái Lan không còn nhiều thời gian để khắc phục vấn đề. Họ phải tìm cách tăng năng suất lao động.

Nếu không, lực lượng lao động ngày càng bị thu hẹp sẽ không thể nuôi được dân số già của quốc gia. Số người già Thái Lan sẽ tăng vọt vào giữa những năm 2030".

Chính sách cởi mở với người nhập cư có thể là giải pháp giải cứu nền kinh tế Thái Lan. Lao động nước ngoài chiếm 10% tổng lực lượng lao động của Thái Lan. Tỷ lệ này cao hơn tại các công ty lớn.

"Lao động nước ngoài sẵn sàng bù đắp sự thiếu hụt nhân sự", Bloomberg dẫn lời doanh nhân Pakpoom Srichamni - lãnh đạo một công ty Bangkok có 10.000 công nhân, trong đó 30% là người nước ngoài - cho biết.

Cấu trúc kinh tế Thái Lan giống Nhật Bản, một quốc gia phát triển, hơn là các nước láng giềng đang phát triển như Indonesia và Philippines. Ảnh: FT.

Một vấn đề nữa của Thái Lan là tăng trưởng kinh tế ngày càng chậm lại kể từ thập niên 1990, từ 5,3% xuống 4,3% rồi hơn 3% hiện nay. Trong quý I/2019, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 2,8%, thấp nhất trong hơn 4 năm qua.

Với lạm phát dưới 1%, lãi suất thấp hơn 2% và đồng baht liên tục tăng giá, cấu trúc kinh tế Thái Lan bắt đầu giống với Nhật Bản hơn các nước láng giềng đang phát triển như Indonesia và Philippines.

Chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng cũng là khó khăn lớn đối với một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người chỉ 6,362 USD. Ở Thụy Sĩ và Phần Lan, con số này lần lượt là 78,816 USD và 48,580 USD.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, chi phí cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng của nước này tăng trung bình 12% mỗi năm trong 12 năm qua, và hiện ở mức cao nhất Đông Nam Á.

Trong khi đó, hệ thống lương hưu của Thái Lan xếp cuối bảng về tính bền vững theo khảo khảo sát với 54 quốc gia của Công ty bảo hiểm toàn cầu Allianz SE.

Phương Thảo (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.