Ngành bán hàng đa cấp sẽ được quản lý chặt chẽ hơn từ khâu gia nhập thị trường, hoạt động cho đến việc rút lui khỏi thị trường của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp muốn đăng ký tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định và phải ký quỹ bằng tiền mặt 5% vốn điều lệ, nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng.

Theo Nghị định 42/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, hoạt động bán hàng đa cấp sẽ bị điều chỉnh bằng khung pháp lý chặt chẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bán hàng đa cấp, người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp bán hàng đa cấp và tạo môi trường kinh doanh ổn định và bình đẳng.

Để sàng lọc doanh nghiệp từ khâu gia nhập thị trường, nghị định đã đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp muốn đăng ký tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định và phải ký quỹ bằng tiền mặt 5% vốn điều lệ, nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng.

Việc đưa ra quy định này nhằm đảm bảo khả năng tài chính của doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức mạng lưới một cách bền vững và hiệu quả, bảo vệ lợi ích cho người tham gia bán hàng đa cấp.

Ngoài việc quy định vốn pháp định và tăng khoản tiền ký quỹ, nghị định còn quy định chặt chẽ trong khâu thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, kiên quyết loại bỏ những doanh nghiệp sử dụng những mô hình trả thưởng bất hợp pháp gây thiệt hại cho người tham gia hoặc mang tính chất thu hút đầu tư tài chính.

Trước đây, theo quy định của Nghị định số 110/2005, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp được tạo điều kiện hoạt động tự do, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện nhiều hành vi vi phạm, ảnh hưởng xấu đến người tham gia và người tiêu dùng. Do đó, nghị định mới đã quy định giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 5 năm và có thể được gia hạn.

Đáng chú ý, nghị định nêu rõ “mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh khác không phải là mua bán hàng hóa, không được tiến hành kinh doanh theo phương thức kinh doanh đa cấp, trừ trường hợp pháp luật cho phép”.

Ngoài các quy định liên quan đến điều kiện đăng ký và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đăng ký tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp, Nghị định số 42/2014 còn đưa ra các quy định để quản lý chặt chẽ hơn trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp cũng như người tham gia bán hàng đa cấp.

Theo đó, nghị định bổ sung các quy định cấm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp; quy định chi tiết về thông báo tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp hay quy định chi tiết về điều kiện đối với đào tạo viên đào tạo cho người tham gia bán hàng đa cấp, bổ sung quy định về tạm ngừng, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp và quy định rõ ràng về việc rút khoản tiền ký quỹ và sử dụng tiền ký quỹ.

Ngoài các quy định liên quan đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp, nghị định cũng quy định rất rõ các trường hợp mà theo đó doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy đăng ký tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp.

Bên cạnh đó, hiện Bộ Công Thương cũng đang trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 120/2005 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh, trong đó có những chế tài rất nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Ngô Trang (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.