Năm 2006, trở về Việt Nam sau gần tám năm du học chuyên ngành công nghệ thông tin tại Đức, với học vị tiến sĩ, Phan Công Chính chưa vội khởi nghiệp. Chọn tiêu chí "khởi động chậm, phát triển chắc" nên hơn hai năm sau ông mới bắt đầu "hành trình" của mình với việc thành lập Công ty TNHH Giải Pháp Doanh Nghiệp toàn cầu (GESO).

Quyết định mang tính "cách mạng"

Phan Công Chính được nhiều người biết đến trong lĩnh vực cung cấp các phần mềm quản lý hệ thống phân phối, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị tài chính... một cách linh hoạt và phù hợp với văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Để được "nổi tiếng" như vậy, ông đã phải trải qua một thời gian dài "trắng đêm" trước khi đưa ra những quyết định mang tính đột phá trong việc đặt ra tiêu chí chiến lược cho sản phẩm.

* Kiến thức nền tảng mới chỉ là điều kiện cần, muốn đạt đến thành công còn cần điều kiện đủ là kinh nghiệm thực tế nữa. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đúng là quá tuyệt vời khi mình có cả kiến thức và kinh nghiệm. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều người vẫn kinh doanh thành công cho dù khi khởi đầu họ chưa từng có kinh nghiệm làm chủ doanh nghiệp. Tôi có thói quen quan sát, sau đó là tổng hợp để tự tìm lời giải cho sự việc nào đó theo hướng nhìn từ bản chất chứ không phải từ hình thức.

Nên tôi tin rằng, khi mình đã nắm được bản chất của vấn đề thì việc tìm ra hướng giải quyết để vượt qua thách thức sẽ không quá khó khăn, dẫu mình là người mới trong một lĩnh vực nào đó.

* Ông có nghĩ mình đã đi đúng hướng khi đầu tư chất xám, thời gian và cả tài chính để xây dựng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm quản lý. Bởi vì, đây chưa phải là lĩnh vực thế mạnh của sản phẩm nội địa và các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa quen ứng dụng công nghệ này, hoặc nếu có thì thường chỉ tin dùng các phần mềm của nước ngoài?

- Đúng hướng hay không, hãy để thời gian trả lời. Nhưng tôi có niềm tin. Doanh nghiệp Việt Nam chưa quen sử dụng phần mềm quản lý do họ ngại chi phí đầu tư cao, phần mềm khó sử dụng hoặc không phù hợp...

Điều này có thể đúng trong quá khứ, nhưng hiện nay mọi thứ đã khác. Phần mềm quản lý chính là một công cụ giúp người làm kinh doanh quản lý nhẹ nhàng và chính xác.

Việc sử dụng chúng cũng đơn giản như bạn mở máy vi tính ra và đánh một file word hay excel vậy thôi. Còn chi phí đầu tư, theo tôi, không quá cao như nhiều người nghĩ. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, tôi tin mọi người sẽ có cách nhìn khác...

* Nghe ông nói thì thấy ứng dụng phần mềm trong quản lý hữu ích mà lại không khó sử dụng, nhưng nhận thức là một quá trình và cần có sự trải nghiệm. Ông có nghĩ vậy không?

- Có thể nói, tôi đã làm một cuộc "cách mạng" trong tư duy của chính mình. Khi mới thành lập GESO, tôi mời một số "cao thủ” trong ngành về viết phần mềm. Đi được hơn 2/3 đoạn đường, tôi quyết định phá bỏ hoàn toàn để làm lại từ đầu.

Là dân công nghệ thông tin và cũng là một tín đồ của high-tech nên tôi muốn ứng dụng công nghệ mới nhất cho sản phẩm mình đang làm. Sức hấp dẫn của nó mạnh đến nỗi khiến ta cứ chạy theo mà quên béng mọi thứ.

Khi nhìn lại, tôi thấy phần mềm của mình tuy áp dụng công nghệ hiện đại nhưng phức tạp, dẫn đến không hiệu quả do chi phí tăng cao khi chỉnh sửa và mở rộng chức năng sau này.

Sau nhiều lần đắn đo, cân nhắc, tôi đã thay đổi tiêu chí: Chọn cách đơn giản, hiệu quả và tiện dụng cho người sử dụng thay cho sự lấp lánh của công nghệ hiện đại. Quyết định được đưa ra, cũng có nghĩa tôi phải quay về vạch xuất phát.

Bao nhiêu công sức và tiền bạc đầu tư trước đây "tan theo mây khói". Chưa kể tôi phải trực tiếp ngồi vào làm, bởi không phải đồng nghiệp nào cũng ủng hộ hướng đi của mình. Nhưng đến bây giờ thì tôi hoàn toàn hài lòng về quyết định này của mình.

Ông Phan Công Chính và đội ngũ lập trình trẻ tại GESO

"Sống thử"...

Bắt đầu với dự án cung cấp và trang bị phần mềm quản lý hệ thống phân phối cho ICP, sau đó đến Prôvence, rồi Đường Biên Hòa, Bibica..., và kể cả những doanh nghiệp có doanh thu mỗi năm chưa đến 30 tỷ đồng, Phan Công Chính muốn phát đi một thông điệp: Phần mềm là công cụ giúp doanh nghiệp Việt Nam đơn giản hóa việc quản lý và tối ưu hóa chi phí.

* Như đã nói, sử dụng phần mềm quản lý chưa phổ biến và hầu như chưa có tên trong danh mục đầu tư của doanh nghiệp. Vậy ông đã làm thế nào để thuyết phục khách hàng?

- Chúng tôi cải tiến liên tục để phần mềm của chúng tôi là giải pháp tốt nhất, có thể "cắt tỉa" nhanh, đáp ứng nhu cầu đặc thù của doanh nghiệp, và quan trọng là có mức giá mềm nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động và chăm chút cách trình bày cũng như cách đưa thông tin đến doanh nghiệp.

* Nhưng liệu sản phẩm của ông có tương thích với tất cả các doanh nghiệp khi mà mỗi doanh nghiệp có một văn hóa làm việc riêng cũng như quy cách không giống nhau?

- Hãy hình dung như thế này: GESO hiện đang có những chiếc áo may sẵn theo những kích cỡ chuẩn. Khi bạn đến đặt mua, chúng tôi đo ni của bạn và điều chỉnh chiếc áo để bạn mặc vào sẽ cảm thấy thoải mái nhất và có thể tôn giá trị của bạn lên nhiều nhất.

Khi làm việc với doanh nghiệp, chúng tôi dành nguyên một tháng để chỉnh sửa và chạy thử nghiệm. Qua đó doanh nghiệp sẽ đánh giá được tính hiệu quả và tính tương thích của sản phẩm đối với mình.

Sau khoảng thời gian "sống thử", nếu thấy hợp nhau, hai bên mới chính thức ký hợp đồng cung ứng dịch vụ.

... Và chinh phục khách hàng

Thời gian đầu mới ở nước ngoài về, Phan Công Chính đã nhận được nhiều lời khuyên của những người anh thân thiết trong cộng đồng doanh nhân, đại loại như "Chú mày không có tố chất làm kinh doanh, chỉ nên làm chuyên môn thì sẽ phát triển tốt hơn".

Không những không nản lòng, Phan Công Chính còn đâm ra tò mò và muốn quan sát nhiều hơn để có thể tìm hiểu bản chất của công việc kinh doanh, những tố chất cần thiết để có thể theo nghề này...

* Được biết, trước khi thành lập GESO ông đã từng đi làm thuê?

- Tôi đầu quân về FCG ở vị trí kiến trúc sư phần mềm. FCG là một công ty của Mỹ, chuyên gia công phần mềm để cung cấp cho các công ty nước ngoài. Một thời gian sau, tôi được giao nhiệm vụ Trưởng phòng Tư vấn triển khai phần mềm Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp SAP ERP.

Hết hai năm ở FCG, tôi về ICP - một công ty chuyên kinh doanh hàng gia dụng, với vị trí Giám đốc Công nghệ thông tin. Tại đây, tôi có dịp cọ xát với tất cả các bộ phận, luôn trăn trở tìm ra những giải pháp công nghệ thông tin phù hợp nhất giúp tăng hiệu quả hoạt động của công ty.

* Ông "thu hoạch" được gì sau khoảng thời gian đi làm thuê này?

- Thu hoạch đáng giá nhất của tôi là hiểu sâu sắc những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình quản trị và phát triển kinh doanh, đồng thời được trải nghiệm nhiều mô hình quản trị doanh nghiệp thành công. Đây là yếu tố rất quan trọng để tôi có thể tạo ra phần mềm được doanh nghiệp đón nhận như ngày nay.

* Ông có thể chia sẻ thêm về những điều ông cho là "thách thức" mà các doanh nghiệp đang hoặc có thể sẽ gặp phải?

- Dưới góc nhìn của một nhà quản trị, những doanh nghiệp muốn trở thành vĩ đại đều phải trải qua một quá trình cải tiến không ngừng. Bản chất của "cải tiến không ngừng" là một tiến trình lặp đi lặp lại các bước: xác định những điểm cần cải tiến, lập kế hoạch cải tiến, thực hiện kế hoạch và đánh giá hiệu quả một cách định lượng.

Doanh nghiệp Việt nhìn chung chưa có thói quen đánh giá hiệu quả thực hiện kế hoạch một cách định lượng. Về bản chất, phần mềm quản trị là công cụ giúp doanh nghiệp thực hiện điều này dễ dàng. Chính vì vậy mà phần mềm quản trị là công cụ không thể thiếu trong các doanh nghiệp ở phương Tây.

* Ông có thể chia sẻ ngắn gọn ba điều ông hài lòng nhất ở GESO hiện nay?

- Ở GESO, chúng tôi xây dựng văn hóa cải tiến liên tục để luôn đạt được 3 mục tiêu: giải pháp phần mềm tốt nhất cho doanh nghiệp, chi phí đầu tư thấp nhất và dịch vụ hậu mãi tốt nhất.

* Mục tiêu phát triển của ông trong thời gian tới là gì?

- Năm nay, chúng tôi tung ra phần mềm Quản lý phân phối SalesUp và được nhiều doanh nghiệp tin dùng. Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là tiếp tục chinh phục lòng tin của doanh nghiệp bằng giải pháp phần mềm quản trị trọn gói dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: quản lý phân phối, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị tài chính với mức chi phí hoàn toàn phù hợp với túi tiền của doanh nghiệp.

Như vậy, mọi doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực hàng tiêu dùng có thể dùng một phần mềm duy nhất để quản trị tổng thể, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn doanh nghiệp.

* Ông có mong muốn sản phẩm của GESO trở thành "hàng Việt Nam chất lượng cao" có thể cạnh tranh với sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài?

- Những giải pháp liên quan đến hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP -Enterprise Resource Planning) có tiếng của nước ngoài đi trước GESO vài chục năm. Họ đã tích lũy kinh nghiệm quản trị thành công từ nhiều ngành công nghiệp.

GESO hiện nay tập trung cung cấp giải pháp phần mềm tốt nhất cho ngành hàng tiêu dùng (Consumer Products), vì đây là ngành công nghiệp GESO tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Trở thành "hàng Việt Nam chất lượng cao" là mục tiêu của tôi và khao khát lớn của GESO là cung cấp phần mềm đạt đẳng cấp quốc tế.

Theo tôi, phần mềm là ngành công nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra tầm thế giới, vì người Việt Nam có tư duy toán học rất tốt và ngành này không đòi hỏi đầu tư cơ bản nhiều.

Thực tế cho thấy, nhiều công ty gia công phần mềm của Việt Nam đang phát triển những sản phẩm đạt chất lượng quốc tế đó thôi. Chỉ có điều ít có người Việt nào dám nghĩ rằng phần mềm "made in Việt Nam" cũng có thể đạt đẳng cấp quốc tế và quan trọng hơn nữa là dám theo đuổi tới cùng lý tưởng này.

* Cám ơn ông và chúc ông nhanh chóng đạt được mục tiêu của mình!

Theo Tố Quyên (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Ông Phan Công Chính: Tìm lời giải từ bản chất sự việc

    Ông Phan Công Chính: Tìm lời giải từ bản chất sự việc

    23/11/2012 8:57 PM

    Năm 2006, trở về Việt Nam sau gần tám năm du học chuyên ngành công nghệ thông tin tại Đức, với học vị tiến sĩ, Phan Công Chính chưa vội khởi nghiệp. Chọn tiêu chí "khởi động chậm, phát triển chắc" nên hơn hai năm sau ông mới bắt đầu "hành trình" của mình với việc thành lập Công ty TNHH Giải Pháp Doanh Nghiệp toàn cầu (GESO).

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.