Chủ tịch Vingroup khẳng định việc doanh nghiệp đầu tư đa ngành đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và có đủ nguồn lực để triển khai.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2015 tổ chức sáng nay (23/4), câu chuyện đầu tư đa ngành thời gian gần đây của Vingroup (Mã CK: VIC) trở thành chủ đề nóng, được cổ đông đặt câu hỏi với lãnh đạo tập đoàn.

Cụ thể, nhiều cổ đông băn khoăn về hiệu quả khi Vingroup đẩy mạnh đầu tư vào bán lẻ, thời trang, nông nghiệp, bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là bất động sản. "Những năm trước, nhà nhà đi làm đầu tư đa ngành. Vingroup thì mở công ty chứng khoán và cũng dự kiến lập ngân hàng, nhưng sau đó lại trở về với cốt lõi. Hai năm gần đây, Vingroup trở lại đầu tư đa ngành nghề, từ bán lẻ, cầu cảng, bến bãi... Làm nhiều việc như vậy thì liệu tập đoàn có đủ sức, đủ trí tuệ hay không?", một cổ đông đặt vấn đề.

Trước ý kiến này, Chủ tịch tập đoàn Phạm Nhật Vượng khẳng định việc đầu tư không phải theo phong trào, theo mốt mà mục tiêu là tạo ra giá trị sinh thái toàn diện, trọn vẹn cho khách hàng: từ y tế, giáo dục, nghỉ dưỡng, nông nghiệp, mua sắm... và tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác. "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, không thể làm mãi một nghề được", ông Vượng nói.

Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khẳng định có "thừa đủ" nguồn lực để triển khai các dự án mới. Ảnh: Anh Tuấn

Riêng lĩnh vực nông nghiệp mà Vingroup sắp gia nhập trong năm 2015, ông Vượng cho hay mục tiêu sẽ hướng tới cung cấp cho thị trường những sản phẩm sạch và kết quả sẽ được chứng minh trong tương lai 20-30 năm tới. "Chúng tôi chỉ làm khoảng vài nghìn ha đất nhưng sẽ chứng minh cho nông dân, doanh nghiệp khác là làm sạch thì vẫn có lãi", vị này nhấn mạnh.

Liên quan đến việc Vingroup tham gia vào cổ phần hóa các công trình hạ tầng, theo ông, công trình nào có tương lai, triển vọng lâu dài thì tập đoàn sẽ tham gia, song doanh nghiệp sẽ không lợi dụng cổ phần hóa để phát triển mà phải dựa vào trí tuệ, nguồn lực của mình, nếu làm tốt thì đây sẽ là cơ hội để tăng trưởng vượt bậc.

Còn về mảng bất động sản, đại diện tập đoàn cho hay năm nay là thời điểm chín muồi để triển khai các dự án, trong điều kiện thị trường bất động sản khởi sắc. "Chúng ta sẽ đưa ra thị trường đủ số sản phẩm theo yêu cầu, không quá thừa nhưng cũng không để thị trường thiếu. Trong kế hoạch, ngân sách bán hàng dự kiến năm nay là 40.000 - 60.000 tỷ đồng, thừa đủ để triển khai các dự án đang làm", ông Vượng cho hay.

Với kế hoạch trên, trong nhiệm vụ 5-10 năm tới, Vingroup dự kiến tỷ trọng lợi nhuận của bất động sản chỉ dưới 50%, phần còn lại sẽ đến từ hoạt động khác, bắt đầu khởi sự từ năm nay. "Khi quyết định đầu tư thì phải cân nhắc làm sao để mang lại hiệu quả cao nhất, tính toán trên tổng thể hệ thống, đảm bảo lợi ích của công ty", ông Vượng khẳng định.

Trong năm 2015, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 30.000 tỷ đồng, cao hơn mức 27.724 tỷ đồng thực hiện năm ngoái, song mục tiêu lợi nhuận sau thuế khoảng 3.000 tỷ đồng, thấp hơn con số 3.776 tỷ đồng của năm 2014, do 2015 không phải là năm bàn giao nhà (thời điểm ghi nhận lãi) ở các dự án.

Theo Phó chủ tịch Lê Khắc Hiệp, Vingroup xác định 2015 sẽ là một năm đẩy mạnh các lĩnh vực đang hoạt động, trong đó bán lẻ đang hoàn tất những bước cuối cùng để ra mắt thương hiệu thương mại điện tử “A Đây Rồi”, cùng với các thương hiệu hiện có trong lĩnh vực bán lẻ như VinMart (siêu thị), VinPro (bán lẻ điện máy), VinDS (chuỗi siêu thị tổng hợp), VinFashion (kinh doanh thời trang), BFF (phân phối thời trang quốc tế). Ngoài ra, tập đoàn định hướng phát triển mạnh các lĩnh vực bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, y tế, giáo dục và chính thức đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với đó, với nguồn lợi nhuận lũy kế đến cuối quý I/2015, lãnh đạo tập đoàn trình cổ đông chi trả cổ tức bằng cổ phần cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1.000 : 258 (25,8%), tức mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần được nhận cổ tức bằng 258 cổ phần.

Cụ thể, Vingroup sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế lũy kế đến năm 2014 với tỷ lệ là 1.000 : 140 với tổng cổ tức là hơn 1.036 tỷ đồng, tương ứng 1.400 đồng một cổ phần. Chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế lũy kế đến 31/3/2015 với tỷ lệ 1.000 : 118 với tổng cổ tức là hơn 1.716 tỷ đồng, tương ứng 1.180 đồng một cổ phần.

Tổng số cổ phần dự kiến phát hành thêm khoảng gần 375,3 triệu cổ phần, góp phần tăng vốn điều lệ của công ty lên tối đa hơn 18.298 tỷ đồng, từ mức 14.545 tỷ đồng hiện nay. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2015, số cổ phần phát hành thêm từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng không bị hạn chế chuyển nhượng.

Cũng theo ông Hiệp, trong quý I/2015, lợi nhuận sau thuế của riêng công ty mẹ đạt 2.200 tỷ đồng.

Phương Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.